Tâm lý hưng phấn tiếp tục được duy trì khi bước sang phiên giao dịch chiều đã nhanh chóng kéo VN-Index lên ngưỡng kháng cự mới 985 điểm chỉ sau khoảng 15 phút giao dịch. Tuy áp lực chốt lời đã quay trở lại khiến thị trường dần hạ độ cao, nhưng nhờ lực cầu khá tốt đã giúp chỉ số VN-Index trụ vững trên mốc 980 điểm.
Trong khi hầu hết các mã trong dòng bank chỉ tăng nhẹ trên dưới 1% thì VCB vẫn là điểm sáng của ngành khi tăng 3,4% và đóng cửa tại mức giá 79.000 đồng/CP, đây cũng là mức giá đóng cửa cao nhất kể từ ngày chào sàn.
Đây cũng là nhóm cổ phiếu đóng góp lớn vào thanh khoản cho thị trường với hầu hết các mã khớp lệnh một vài triệu đơn vị, trong đó CTG dẫn đầu nhóm với 6,74 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, tiếp đó là STB khớp 4,76 triệu cổ phiếu.
Lực cầu nội và ngoại cũng tiếp sức giúp “ông lớn” VNM nới rộng biên độ so với phiên sáng khi tăng 1,8% và đóng cửa tại mức giá 126.900 đồng/CP. Khối lượng khớp lệnh của VNM đạt 1,38 triệu cổ phiếu, khối ngoại mua ròng hơn 150.000 cổ phiếu.
Bên cạnh đó, bộ ba nhà Vin cũng giao dịch tích cực với VIC tăng 1% lên 116.000 đồng/CP, VHM tăng nhẹ 0,6% lên 84.500 đồng/CP, VRE tăng 2,2% lên 37.400 đồng/CP; ngoài ra, MSN tăng 2,5% lên 77.700 đồng/CP, MWG tăng 1,9% lên 105.900 đồng/CP…
Mặc dù trong gần hết phiên đều giao dịch dưới mốc tham chiếu nhưng ROS đã trở lại với sắc xanh nhạt khi tăng 0,7% và kết phiên tại mức giá 27.700 đồng/CP, cùng thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 11,37 triệu đơn vị.
Trái lại, nhóm cổ phiếu dầu khí đóng vai trò “níu chân” thị trường, với GAS giảm 1,1% xuống 106.000 đồng/CP, PLX giảm 0,2% xuống 64.100 đồng/CP, PVD giảm 0,8% xuống 18.500 đồng/CP…
Nhóm cổ phiếu ngành thép cũng chỉ còn duy nhất HSG nhích nhẹ, còn lại đều giảm như HPG giảm 1,7% xuống 20.600 đồng/CP, VIS giảm hết biên độ 6,9% xuống mức giá sàn 14.900 đồng/CP, POM giảm 3% xuống 6.500 đồng/CP. Trong đó, HPG có khối lượng khớp lệnh chỉ thấp hơn chút ít so với ROS, đạt 11,18 triệu cổ phiếu.
Ở nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa, SJF sau 2 phiên bùng nổ đã giảm sâu khi chịu áp lực chốt lời mạnh. Với mức giảm 6,9%, cổ phiếu SJF đóng cửa tại mức giá sàn 3.380 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh 866.410 đơn vị.
Cổ phiếu GAB cũng có phiên giảm sàn thứ 4 sau 3 phiên chào sàn tăng trần. Kết phiên hôm nay, GAB đứng tại mức giá 12.400 đồng/CP và dư bán sàn 898.030 đơn vị, trong khi bên mua trống vắng.
Đóng cửa, sàn HOSE có 156 mã tăng và 143 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 6,29 điểm (+0,64%) lên 982,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 170,27 triệu đơn vị, giá trị 4.002,13 tỷ đồng, tăng 21,76% về lượng và 10,92% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 9,62 triệu đơn vị, giá trị 383,19 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 19/7 |
Trên sàn HNX, diễn biến gần giống phiên sáng khi thị trường bất ngờ bị đẩy về dưới mốc tham chiếu do áp lực bán gia tăng nhưng lực cầu khá tốt đã giúp HNX-Index bật tăng trở lại.
Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng góp công khá lớn với ACB tăng 1,3% lên 31.200 đồng/CP, SHB tăng 1,5% lên 6.900 đồng/CP, NVB tăng 1,2% lên 8.100 đồng/CP.
Ngoài ra, một số mã khác trong nhóm HNX30 cũng tăng khá tốt như L14 tăng 2,4% lên 56.300 đồng/CP, DP3 tăng 1,6% lên 63.000 đồng/CP, SLS tăng 3,3% lên 40.300 đồng/CP, TNG tăng 2,4% lên 21.600 đồng/CP…
Trái lại, VCS quay đầu trở lại điều chỉnh nhẹ khi giảm 0,3% xuống 78.800 đồng/CP, các cổ phiếu dầu khí cũng nới rộng biên độ giảm hơn như PVS giảm 1,7% xuống 22.900 đồng/CP, PVI giảm 1,4% xuống 36.500 đồng/CP, PVB giảm 1,5% xuống 19.900 đồng/CP…
Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất gồm PVS khớp lệnh hơn 5 triệu đơn vị, SHB khớp gần 3,3 triệu đơn vị, ACB khớp 2,88 triệu đơn vị, TNG khớp 1,73 triệu đơn vị, HUT khớp 1,36 triệu đơn vị.
Đóng cửa, HNX-Index tăng 0,33 điểm (+0,31%) lên 107,07 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 27,45 triệu đơn vị, giá trị 446,37 tỷ đồng, giảm 17,42% về lượng và 19,43% về giá trị so với phiên hôm qua (18/7). Giao dịch thỏa thuận có thêm gần nửa triệu đơn vị, giá trị hơn 9,6 tỷ đồng.
Trên UPCoM, diễn biến rung lắc mạnh vẫn tiếp diễn nhưng cũng như phiên sáng, chỉ số UPCoM-Index may mắn kết phiên trong sắc xanh.
Cụ thể, UPCoM-Index tăng 0,13 điểm (+0,22%) lên 57,54 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 15,46 triệu đơn vị, giá trị 240,99 tỷ đồng. Giao dịch thảo thuận đạt 10,45 triệu đơn vị, giá trị 124,52 tỷ đồng.
Sau phiên tăng mạnh hôm qua, cổ phiếu VGI đã bị xả bán và quay đầu giảm 6% xuống mức giá 28.400 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường UPCoM, đạt 2,36 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí tiếp theo, BSR đạt thanh khoản gần 1,85 triệu đơn vị, GVR đạt 1,22 triệu đơn vị và LPB với hơn 1 triệu đơn vị.
Một số mã lớn hỗ trợ tốt giúp thị trường hồi phục như BCM tăng 4,4% lên 28.200 đồng/CP, NCT tăng 3,6% lên 185.900 đồng/CP, ACV, VEA, OIL, QNS… đều tăng nhẹ.
Trên thị trường phái sinh, trong khi 3 hợp đồng trái phiếu chính phủ không có giao dịch thì ở 4 hợp đồng tương lai VN30 đều giao dịch khởi sắc, trong đó VN30F1908 đáo hạn ngày 15/8 vẫn được giao dịch sôi động nhất với 74.222 đơn vị, khối lượng mở 12.024 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, có 12 chứng quyền giảm và 4 chứng quyền tăng. Về thanh khoản, CHPG1902 dẫn đầu với 45.031 đơn vị được giao dịch thành công, tiếp đến là CMBB1901 với 44.192 đơn vị. Trong đó, CHPG1902 bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với 22.520 đơn vị.