Thị trường bước vào phiên giao dịch cuối tuần khá thận trọng, dòng tiền tham gia có phần hạn chế khiến các chỉ số diễn biến rung lắc. Tuy nhiên, sự trở lại nhanh chóng của một số mã lớn, đặc biệt là màn bứt phá ngoạn mục của ROS sau cú co giật mạnh đầu phiên, đã kéo VN-Index thẳng tiến qua mốc 833 điểm.

Về cuối phiên, đà tăng có phần thu hẹp lại nhưng chỉ số này vẫn đứng vững trên ngưỡng kháng cự mạnh 830 điểm nhờ sự nâng đỡ của ROS và các mã lớn như GAS, PLX, VJC, VIC cùng sự hồi nhẹ của dòng bank.

Bên cạnh sự tác động tích cực của một số mã lớn ở trên, cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 2 thị trường là SAB cũng là một trong những nhân tố tác động tới diễn biến lên xuống của thị trường trong phiên sáng nay. Sau những nhịp rung lắc, SAB đã lấy lại cân bằng và chốt phiên tại mốc tham chiếu.

Tuy nhiên, sang phiên chiều, SAB trở nên tiêu cực hơn khi thủng sâu dưới mốc tham chiếu và đóng cửa với mức giảm 8.000 đồng (-2,9%) xuống mức thấp nhất ngày 270.000 đồng/CP.

Không chỉ SAB, hàng loạt mã lớn bé trên sàn cũng đua nhau lao dốc trước áp lực bán gia tăng mạnh, đã đẩy các chỉ số lần lượt đảo chiều giảm điểm.

Trên sàn HOSE, có tới 178 mã giảm, gấp gần 2 lần số mã tăng (90 mã), chỉ số VN-Index giảm 2,09 điểm (-0,25%) xuống mức 826,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 196,37 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 4.764,36 tỷ đồng.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp tới 20,78 triệu đơn vị, giá trị 857,6 tỷ đồng, trong đó ngoài GMD và MWG thỏa thuận hơn 100 tỷ đồng trong phiên sáng, còn có thêm sự góp mặt của 4,41 triệu cổ phiếu MSN thỏa thuận, với tổng giá trị 251,37 tỷ đồng, NVL thỏa thuận 1,32 triệu đơn vị, giá trị 82,76 tỷ đồng và VNM thỏa thuận hơn 99 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 20/10
Diễn biến VN-Index phiên 20/10

Trong khi các mã lớn như SAB, BVH, VNM, NVL, MWG nới mạnh biên độ giảm, thì ROS không hề bị “lung lay” bởi sức cầu khá lớn. Kết phiên, ROS duy trì sắc tím với mức tăng 6,96% và khối lượng khớp lệnh đạt 4,29 triệu đơn vị, dư mua trần hơn 3 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng như BID, VCB, STB cùng một số mã như GAS, VIC, VJC duy trì đà tăng nhẹ, cũng là một trong những má phanh góp sức giúp thị trường không bị giảm sâu trước áp lực chốt lời gia tăng ồ ạt.

Nhóm cổ phiếu đầu cơ cũng rơi mạnh, trong đó, HAI đánh mất hết thành quả có được trong phiên hôm qua khi quay đầu giảm 6,7% xuống mức giá sàn 11.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 6,63 triệu đơn vị và dư bán sàn 0,56 triệu đơn vị.

FLC cũng đảo chiều giảm 3,5% xuống mức 7.350 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tăng đột biến đạt 29,56 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường và cao nhất kể từ đầu tháng 9 đến nay.

Trên sàn HNX, cùng với sức cầu khá yếu trong khi áp lực bán gia tăng và mạnh dần về cuối phiên khiến sắc đỏ cũng bao trùm bảng điện tử, chỉ số sàn cũng lao nhanh về dưới mốc tham chiếu.

Kết phiên, sàn HNX có 101 mã giảm và 55 mã tăng, HNX-Index giảm 0,94 điểm (-0,86%) xuống 108,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 42,35 triệu đơn vị, giá trị 456,95 tỷ đồng, giảm 12,45% về lượng và 19,62% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,24 triệu đơn vị, giá trị 22,7 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30 cũng có tới 19 mã giảm, chỉ còn 5 mã tăng và 5 mã đứng giá. Trong đó, ACB tiếp tục tạo sức ép lớn trên thị trường khi giảm 2,2% xuống mức 31.700 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt 2,33 triệu đơn vị.

Các mã lớn khác như PVC, PVS, LAS cũng nới rộng biên độ giảm, đáng kể VCS giảm 1,36%.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cũng giống HAI, sau phiên tăng trần hôm qua cổ phiếu KLF đã đảo chiều giảm 6,7% xuống sát mức giá sàn 4.200 đồng/CP và tiếp tục dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với 8,32 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là SHB với khối lượng khớp 5,77 triệu đơn vị và đóng cửa duy trì mức giá 8.100 đồng/CP, giảm 1,22%.

Trên sàn UPCoM, sắc đỏ cũng duy trì trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,16 điểm (-0,29%) xuống 54,38 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 7,49 triệu đơn vị, giá trị hơn 118 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,68 triệu đơn vị, giá trị 27,68 tỷ đồng.

Cổ phiếu LPB đã lấy lại cân bằng khi kết phiên tại mức giá tham chiếu 13.000 đồng/CP và vẫn là mã có khối lượng giao dịch sôi động nhất sàn UPCoM đạt 716.200 đơn vị.

Các mã lớn như DVN, GEX, VIB, LTG, TLT, FOX, ART… đều đóng cửa trong sắc đỏ. Trong đó, ART đứng thứ 2 về thanh khoản khi chuyển nhượng thành công 466.800 đơn vị và đóng cửa tại mức giá 21.600 đồng/CP, giảm 5,26%.

Chứng khoán phái sinh phiên 20/10 có 11.243 hợp đồng được chuyển nhượng, giá trị 918,94 tỷ đồng, tăng mạnh 49,31% so với phiên 19/10.