Trong phiên giao dịch chiều, đã không có thêm nhịp rung lắc nào xảy ra, mà VN-Index bứt tốc hẳn ngay từ đầu phiên, nhẹ nhàng bay qua ngưỡng 900 điểm. Sau một phút thận trọng trước khi kết thúc đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index đã bứt trở lại trong đợt ATC để đóng cửa ở mức cao nhất ngày với thanh khoản giữ ở mức cao.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch đầu tuần mới, VN-Index tăng 12,86 điểm (+1,44%), lên 903,55 điểm với 143 mã tăng và 129 mã giảm. Đây là phiên tăng mạnh nhất về số tương đối kể từ phiên 14/12/2016 và là phiên tăng mạnh nhất về điểm số kể từ ngày 13/7/2016.
Tổng khối lượng giao dịch đạt phiên hôm nay đạt 175,97 triệu đơn vị, giá trị 5.664,81 tỷ đồng, giảm nhẹ 6,7% về khối lượng, nhưng tăng nhẹ 5,7% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 30,96 triệu đơn vị, giá trị 1.954,62 tỷ đồng, tăng 51,6% về khối lượng và hơn 70% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận hôm nay cũng đến chủ yếu từ giao dịch 6,4 triệu cổ phiếu VNM ở mức sàn 170.400 đồng, giá trị 1.090,56 tỷ đồng. Tiếp đến là 5 triệu cổ phiếu VIC được sang tay ở mức giá 70.000 đồng, giá trị 350 tỷ đồng.
Dù có giá giao dịch thỏa thuận thấp, nhưng cả VNM và VIC đều tăng tốt trong phiên khớp lệnh. Trong đó, VIC đứng ở mức trần 76.300 đồng với gần 2 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần. Với phiên tăng mạnh hôm nay, VIC đã chính thức vượt qua SAB để trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 2 thị trường sau VNM với tổng giá trị vốn hóa hơn 201.257 tỷ đồng.
Trong khi đó, dù không giữ được mức giá cao nhất ngày, nhưng VNM cũng tăng mạnh 2,07%, lên 187.000 đồng khi đóng cửa phiên hôm nay với gần 1 triệu đơn vị được khớp, dù dù có lúc giảm xuống 181.500 đồng trong phiên sáng.
Cùng với VIC, VRE cũng giữ được mức giá trần 47.700 đồng khi chốt phiên chiều này với 3,18 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần hơn 0,78 triệu đơn vị.
Ngoài 3 mã trên, trong top 10 mã có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE còn có 5 mã nữa tăng giá, như SAB tăng 0,21%, lên 280.600 đồng, VCB tăng 1,35%, lên 45.000 đồng, GAS tăng 2,93%, lên 80.800 đồng, CTG tăng 0,97%, lên 20.800 đồng và MSN tăng 1,9%, lên 57.400 đồng.
Trong khi đó, chỉ có 2 mã giảm nhẹ là ROS giảm 0,33%, xuống 181.400 đồng và BID giảm 0,21%, xuống 24.000 đồng.
Ngoài ra, VN-Index còn nhận được sự hỗ trợ của PLX, MBB, FPT, SSI, MWG, DPM, BHN… Trong khi các mã BVH, VPB, NVL, HBC, HPG, HSG cản bước tiến của thị trường.
Trong nhóm cổ phiếu thị trường, FLC đã vượt qua OGC trở thành cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất với 9,77 triệu đơn vị, nhưng đà tăng của mã này lại bị hãm nhiều khi chỉ còn tăng 0,8%, lên 6.310 đồng. OGC do không có nhiều lực cung thêm, nên thanh khoản chững lại từ nửa cuối phiên sáng với tổng khớp cả ngày đạt 7,3 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần (2.200 đồng) hơn 1,7 triệu cổ phiếu.
Trong khi đó, không nhận được sự hỗ trợ của các mã lớn, sàn HNX chỉ dao động dưới tham chiếu trong suốt phiên chiều và đóng cửa trong sắc đỏ.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,2 điểm (-0,18%), xuống 108,11 điểm với 39,9 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, giá trị 563,2 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 30,5% về khối lượng và giảm 22,7% về giá trị so với phiên cuối tuần trước.
Trong khi top 10 mã vốn hóa lớn nhất HOSE nâng đỡ VN-Index, thì top 10 mã vốn hóa lớn nhất HNX lại là tác nhân khiến HNX-Index giảm điểm.
Cụ thể, trong nhóm này, có 5 mã giảm giá, 2 mã đứng giá và 3 mã tăng. Trong đó, cả 3 mã có vốn hóa lớn nhất sàn đều giảm là ACB giảm 0,91%, xuống 32.800 đồng, VCS giảm 1,19%, xuống 223.300 đồng và VCG giảm 0,79%, xuống 25.000 đồng. Các mã tăng chỉ có VGC tăng 1,3%, lên 23.300 đồng, PVS tăng 3,01%, lên 17.100 đồng và DL1 tăng 2,43%, lên 38.000 đồng.
Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất là PVS với 8,4 triệu đơn vị, tiếp đến là SHB với 4,38 triệu đơn vị (đóng cửa giảm 1,23%, xuống 8.000 đồng).
Tương tự sàn HOSE, UPCoM cũng nới rộng đà tăng trong phiên chiều, nhưng về cuối phiên bị hãm bớt. Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,34 điểm (+0,64%), lên 53,32 điểm với tổng khớp đạt 8,1 triệu đơn vị, giá trị 147,83 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,76 triệu đơn vị, giá trị 327 tỷ đồng.
Hai mã có thanh khoản tốt nhất sàn UPCoM là ART (1,5 triệu đơn vị) và LPB (1,38 triệu đơn vị) đóng cửa trái ngược nhau về giá. Trong khi ART đảo chiều thành công để tăng 1,91%, lên 16.000 đồng, thì LPB vẫn giảm 1,53%, xuống 12.900 đồng.
Các mã lớn khác tăng mạnh có thể kể đến SDI tăng 9,35%, lên 90.000 đồng, VIB tăng 2,73%, lên 22.600 đồng, ACV tăng 1,09%, lên 83.300 đồng…