Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Cổ phiếu ngân hàng chờ "ngôi sao" mới
 
Bên cạnh việc tuân thủ quy định thì tình hình kinh doanh cải thiện, thị trường chứng khoán hồi phục… cũng là những yếu tố tạo nên làn sóng niêm yết cổ phiếu ngân hàng thời gian qua. Theo đó, những cái tên đáng chú ý như VPB, LBP, VIB… đã lần lượt chào sàn. Hiện tại, nhà đầu tư đang mong đợi sự xuất hiện của những “ngôi sao mới”…
Trên sàn chứng khoán, không phải cổ phiếu ngân hàng nào cũng được săn đón
Trên sàn chứng khoán, không phải cổ phiếu ngân hàng nào cũng được săn đón

Những “ngôi sao mới” sắp lên sàn

Techcombank đã được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) cấp mã giao dịch là TCB vào năm ngoái. Tuy nhiên, sau đó, TCB đã xin ý kiến cổ đông lùi ngày niêm yết để tiếp cận nhà đầu tư tiềm năng hơn. Sau giai đoạn khó khăn 2012-213, kết quả kinh doanh những năm gần đây của TCB đã phục hồi nhanh chóng và hiện nằm trong nhóm ngân hàng có khả năng sinh lời tốt nhất. Được biết, cổ phiếu TCB đang được lùng sục trên sàn OTC với mức giá lên tới 50.000 đồng/CP, cao nhất “dòng bank” hiện nay.

Trong quý III/2017, thu nhập lãi thuần của TCB đạt 2.055 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với cùng kỳ 2016, nhưng nhờ các hoạt động kinh doanh khác đều tích cực, nên lợi nhuận trước thuế đạt 2.106 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, TCB đạt 4.840 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 70%.

Tại thời điểm 30/9/2017, tổng tài sản của TCB giảm nhẹ so với đầu năm, đạt 233.000 tỷ đồng do cho vay khách hàng giảm 3,5%, đạt mức 137.000 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng cũng giảm 4%, đạt mức 166.000 tỷ đồng; tổng nợ xấu là 2.656 tỷ đồng, chiếm 1,93% tổng dư nợ, tăng so đầu năm (1,57%).

Theo lãnh đạo TCB, niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán là việc làm cần thiết để tăng khả năng thanh khoản của cổ phiếu TCB, minh bạch thông tin và gia tăng uy tín Ngân hàng. Dù vậy, kế hoạch niêm yết cụ thể của TCB hiện vẫn chưa được tiết lộ.

Tương tự, HDBank cũng đã lên kế hoạch niêm yết từ những năm trước, nhưng do điều kiện thị trường chưa thuận lợi nên chưa triển khai. Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT HDBank, việc niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) sẽ thực hiện vào đầu năm 2018, sau khi bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trong 5 năm qua, kết quả kinh doanh của HDBank có sự bứt phá mạnh, tốc độ tăng trưởng bình quân 30-40%/năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9 đạt 1.912 tỷ đồng, tăng hơn 6 lần so với con số đạt được của năm 2013 (240 tỷ đồng) và gấp 3,5 lần cùng kỳ 2016. Dự báo cả năm nay, con số lợi nhuận của HDBank có thể cao gấp đôi năm trước (1.147 tỷ đồng), lọt top 5 ngân hàng cổ phần lãi cao nhất 2017.

Tính đến 30/9/2017, HDBank có tổng tài sản 174.594 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ 2016 (hoàn thành 98% kế hoạch năm); tổng vốn huy động đạt 156.419 tỷ đồng, tăng 27%; tổng dư nợ tín dụng đạt 104.233 tỷ đồng (hoàn thành 97% kế hoạch năm); tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, đạt 1,14% tổng dư nợ.

Ở nhóm ngân hàng nhỏ, tuy quy mô còn khiêm tốn với tổng tài sản khoảng 70.000 tỷ đồng và vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng, nhưng OCB gây chú ý khi có tốc độ ‘lớn” nhanh. Kết thúc 9 tháng đầu năm, OCB đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm 2017 với lợi nhuận trước thuế là 789 tỷ đồng, trong khi cả năm 2016 đạt chưa đầy 500 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm nay, cổ đông OCB đã thông qua việc niêm yết thẳng cổ phiếu trên HOSE. Hiện tại, HĐQT OCB đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục, hồ sơ cần thiết để chuẩn bị niêm yết. Theo Chủ tịch HĐQT OCB - ông Trịnh Văn Tuấn, việc niêm yết không chỉ tạo thanh khoản tốt hơn cho cổ phiếu OCB, mà còn nâng cao tính minh bạch, giúp hoạt động huy động vốn dễ dàng hơn.

“OCB còn nhiều mục tiêu để tiến tới, trong đó quan trọng nhất là đáp ứng ngày một tốt hơn kỳ vọng của các cổ đông và nhà đầu tư. OCB sẽ tiếp tục tăng tốc và hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh doanh để tạo thế và lực cho các năm tiếp theo”, đại diện OCB chia sẻ.

Không dễ được săn đón

Theo đánh giá của TS. Bùi Quang Tín - Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, hiện giá cổ phiếu ngân hàng đã được cải thiện so với trước đây, song khó có thể bật tăng mạnh, nhất là ở các nhà băng nhỏ, bởi đang phải đối mặt với dự phòng cao và làn sóng M&A khi ngành tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc.

“Bên cạnh đó, áp lực tăng vốn cũng đang đè nặng lên các ngân hàng do cổ đông không mấy mặn mà với việc rót thêm vốn, kể cả khi ngân hàng phát hành cổ phiếu với giá thấp hơn thị giá. Năng lực tài chính yếu cũng là một trong các nguyên nhân khiến cổ phiếu của ngân hàng kém sức hút”, ông Tín nói.

Mặt khác, cũng theo giới phân tích chứng khoán, lên sàn cũng chưa hẳn là động lực tốt nhất đẩy cổ phiếu ngân hàng tăng giá. Thực tế cho thấy, không phải cổ phiếu ngân hàng nào cũng được nhà đầu tư săn đón, sự chú ý chỉ tập trung tại một số nhà băng quy mô, lợi nhuận tăng tưởng tốt như VCB, CTG, BID, MBB, ACB…

Dồn dập lên sàn, cổ phiếu ngân hàng có “dội chợ”?
Từ đầu năm đến nay, đã có 4 ngân hàng lên sàn. “Chợ” cổ phiếu ngân hàng được dự đoán sẽ còn nhộn nhịp hơn trong những tháng cuối năm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư