Tương tự phiên giao dịch sáng, VN-Index đã rung lắc trong thời gian đầu của phiên chiều khi tiếp cận mốc 720 điểm, nhưng với sự ổn định của nhiều mã vốn hóa lớn, đặc biệt là VNM, nên chỉ số này đã không gặp trở ngại đáng kể để duy trì đà tăng.
Có thể khẳng định, VNM là nhân tố đóng góp lớn nhất trong phiên phục hồi mạnh của VN-Index hôm nay, khi đóng cửa ở mức cao gần nhất ngày 140.200 đồng/CP, tức tăng 2,6% và khớp lệnh 2,05 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua ròng tới gần 1,6 triệu đơn vị. Đây cũng là phiên tăng mạnh thứ 3 liên tiếp của VNM.
Khối ngoại cũng tập trung mua các mã cơ bản, vốn hóa lớn như MSN, HPG, DPM, NT2, STB, KDC, BID, SSI… song không lớn như VNM. Mặc dù vậy, nhờ lực cầu ngoại tốt, nhóm cổ phiếu này đa phần đều tăng điểm, tạo động lực chính cho VN-Index.
Trong số 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn, ngoại trừ SAB giảm điểm, còn lại đều tăng. Ngoài VNM, các mã thanh khoản mạnh khác là BID (3,45 triệu đơn vị), ROS (3,46 triệu đơn vị), VCB (1,64 triệu đơn vị), VIC (1,02 triệu đơn vị).
Đáng chú ý, STB có đột biến về thanh khoản khi được khớp 9,56 triệu đơn vị và tăng mạnh 6% lên 11.400 đồng/CP, có thời điểm thậm chí còn tăng trần.
SSI được khối ngoại thỏa thuận hơn 3 triệu đơn vị, bên cạnh khớp lệnh 2,26 triệu đơn vị, kết phiên tăng 0,9% lên 22.750 đồng/CP. AGR tăng trần lên 4.050 đồng/CP và khớp 1,79 triệu đơn vị.
Với sự đồng thuận cao của nhóm cổ phiếu lớn, VN-Index đã có phiên hồi phục mạnh mẽ. Đóng cửa, với 140 mã tăng và 108 mã giảm, VN-Index tăng 6,62 điểm (+0,93%) lên 719,56 điểm. Thanh khoản đã giảm mạnh so với phiên kỷ lục hôm qua, tuy nhiên vẫn ở mức cao, khi tổng khối lượng giao dịch đạt 192,34 triệu đơn vị, giá trị 4.054,45 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá đáng kể với 15,47 triệu đơn vị, giá trị hơn 584 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 23/3 |
Thanh khoản phiên này giảm mạnh chủ yếu là do giao dịch ở nhóm cổ phiếu thị trường giảm. Chẳng hạn, FLC vẫn dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường, nhưng phiên này chỉ khớp 22,6 triệu đơn vị, bằng 42% so với phiên kỷ lục hôm qua (56,19 triệu đơn vị). Đóng cửa giảm 0,5% về 8.200 đồng/CP.
Mặc dù vậy, có nhiều mã có đột biến về điểm số hay thanh khoản. Chẳng hạn, lực cầu lớn bất ngờ giúp cổ phiếu QCG khớp lệnh tới 1,485 triệu đơn vị, tăng vọt so với thời gian dài trước đó, đồng thời lên trần từ sớm. Tương tự, HNG cũng tăng trần lên 11.750 đồng/CP và khớp 3,4 triệu đơn vị. Ngược lại, GTN đo sàn ở mức 15.850 đồng/CP và khớp xấp xỉ 2 triệu đơn vị.
Ngoài ra, nhiều mã có thanh khoản cao khác như HAG (10,45 triệu đơn vị), HQC (10,8 triệu đơn vị), ITA (9,87 triệu đơn vị), DXG (4,85 triệu đơn vị), HID (4,57 triệu đơn vị)…
Khác với HOSE, sàn HNX có phiên giao dịch “vất vả”, chỉ số HNX-Index chỉ tăng trong những phút cuối phiên. Đóng cửa, với 72 mã tăng và 75 mã giảm, HNX-Index tăng 0,11 điểm (+0,12%) lên 89,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt hơn 33 triệu đơn vị, giá trị 415,94 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn 30 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu lớn chưa đồng thuận, trong khi áp lực là khá lớn, là một trong những nguyên nhân khiến sàn HNX diễn biến trồi sụt mạnh. Chỉ số sàn này chỉ hồi phục trong thời điểm cuối phiên, khi các mã trụ như NTP, HUT, CEO, VCG, PVS, SHB… giữ được sắc xanh. SHB và HUT khớp lần lượt 3,05 triệu và 2,4 triệu đơn vị.
Dẫn đầu thanh khoản sàn HNX là ACB với 3,08 triệu đơn vị được khớp, nhưng giảm 0,4% về 24.900 đồng/CP, qua đó tạo lực cản lớn cho chỉ số sàn này.
HKB có phiên tăng trần thứ 2 liên tục và khớp 2,7 triệu đơn vị. HHC chính thức giảm sàn ở phiên này về 47.600 đồng/CP, sau 4 phiên tăng trần liên tiếp trước đó nhờ việc Vinataba thoái vốn.
Tương tự, trên sàn UPCoM, cổ phiếu HNF hay SEA cũng giảm sàn khi hiệu ứng Vinataba qua đi. Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu lớn như HVN, ACV, VIB, MSR, GEX, MCH, SDI… cũng đều giữ sắc đỏ, nên sàn này tiếp tục giảm điểm.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,06 điểm (-0,1%), xuống 57,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 5,11 triệu đơn vị, giá trị 75,87 tỷ đồng.
Mã có thanh khoản tốt nhất sàn là PFL với 1,049 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, đóng cửa tăng trần lên 1.600 đồng/CP. HVN đứng thứ 2 với 0,722 triệu đơn vị khớp lệnh.