Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Phiên 24/12: FLC lên đỉnh từ mức giá sàn
T.Lê - 24/12/2013 17:29
 
Từ mức dư bán sàn hàng triệu đơn vị, FLC đã được kéo thẳng lên mức giá trần khi đóng cửa phiên giao dịch chiều 24/12.

Bước vào phiên giao dịch chiều, lực bán gia tăng, đẩy thị trường giảm mạnh, xuống mức gần thấp nhất trong ngày, rồi bật ngược trở lên. Tuy nhiên, về cuối phiên, nhất là trong đợt ATC, các mã bluechip đồng loạt mất phong độ khiến VN-Index đóng cửa thấp nhất trong ngày.

Kết thúc phiên chiều, VN-Index giảm 3,06 điểm (-0,6%), xuống 505,62 điểm. VN30-Index giảm 3,13 điểm (-0,55%), xuống 562,85 điểm, cũng là mức thấp nhất trong ngày của chỉ số này. HNX-Index giảm 0,18 điểm (-0,27%), xuống 68,12 điểm. HNX30-Index giảm 0,48 điểm (-0,37%), xuống 129,44 điểm. Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam giảm 1,70 điểm (-0,34%), xuống 497,66 điểm.

Cũng như phiên sáng, tâm điểm chú ý của phiên giao dịch chiều đều dồn hết về FLC và các mã bất động sản khác.

Sau khi thất bại trong việc đẩy FLC lên mức trần trong phiên sáng, bên nắm giữ tiền mặt đã quyết định dồn lực vào phiên chiều, nhất là trong cuối phiên, giúp FLC leo lên mức trần 11.000 đồng/cổ phiếu với tổng khối lượng khớp lên tới hơn 13 triệu đơn vị, mức cao nhất từ khi lên sàn HOSE.

Như vậy, mức biến động giá của FLC trong ngày giao dịch hôm nay là 14,58%. Với khoảng gần 7 triệu đơn vị được chuyển nhượng ở mức giá sàn, những nhà đầu tư tháo chạy ở đầu phiên sáng đã đánh mất gần 10 tỷ đồng.

Trở lại với phiên sáng, FLC bị giới đầu cơ tháo chạy khi đồng loạt rao bán ở mức giá sàn, tiếp nối đà bán mạnh của 2 phiên trước đó. Tưởng rằng FLC sẽ có phiên giảm mạnh thứ 3 liên tiếp và là phiên giảm sàn thứ 2, thì bất ngờ, thông tin kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận năm 2013 tăng gấp 5 lần so với năm 2012, đạt 110 tỷ đồng được tung ra đúng lúc.

Chỉ sau khoảng 30 phút thông tin này được đăng tải, lực mua bắt đầu mạnh dần, vét sạch hàng triệu cổ phiếu đang treo ở mức giá sàn. Đến cuối phiên sáng, FLC được nhấc qua tham chiếu và lên sát mức giá trần. Tuy nhiên, do lực bán còn mạnh, trong khi bên mua chưa đủ lực, nên FLC đóng chốt phiên sáng với mức tăng dưới 3%.

Ngoài FLC, HQC cũng là mã bất động sản thu hút được nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên, do lực mua và bán khá cân bằng, nên HQC chỉ lình xình trên mức tham chiếu. Kết thúc phiên, HQC được khớp hơn 6,6 triệu đơn vị, đứng ở mức giá 8.000 đồng, tăng 200 đồng.

Ngoài ICF và VNH vẫn duy trì được mức giá trần, sắc tím cũng xuất hiện thêm một số mã nhỏ khác trong phiên chiều như PXM, PXI, HAX, PGI…

Trong nhóm bluechip, ngoài PNJ, PVD được lực cầu ngoại hỗ trợ nên duy trì được đà tăng, đa số mã còn lại đều giảm giá, trong đó có sự góp mặt đầy đủ của tự trụ là MSN, VIC, VCB, VNM. Ngoài ra, còn có thêm nhiều mã vốn hóa lớn khác như FPT, DPM, CTG, BVH.

Trong đó, CTG vừa công bố thông tin ĐHCĐ thông qua điều chỉnh giảm một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh, trong đó, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế giảm 1.100 tỷ đồng, từ 8.600 tỷ đồng, xuống 7.500 tỷ đồng.

QCG sau thông tin đào hầm thị công công trình tòa nhà Quốc Cường Gia Lai Sài Gòn làm sập tòa nhà ở Tòa án Nhân dân TP. HCM, vẫn giữ được giá khá tốt. Cổ phiếu này chỉ bị bán mạnh trong phiên đầu tuần, khiến giảm nhẹ 100 đồng/cổ phiếu, bước sang phiên hôm nay, QCG đứng ở tham chiếu 6.600 đồng/cổ phiếu với thanh khoản thấp quen thuộc, gần 70.000 cổ phiếu được chuyển nhượng.

Trên HNX, sau khi ồ ạt chốt lời trong phiên sáng, nhưng thấy bên mua không hề bị nao núng, mà ôm hết lượng cổ phiếu được bán ra, bên nắm giữ cổ phiếu SHN không còn đẩy hàng ra, hoặc cũng có thể, lượng cung cổ phiếu SHN cũng đã cạn kiệt, nên SHN duy trì được đà tăng trần thứ 17 liên tiếp và còn dư mua giá trần hơn 3 triệu cổ phiếu. Tổng khối lượng khớp không thay đổi nhiều so với phiên sáng là 8,6 triệu đơn vị.

Trong khi đó, PVX vẫn còn 16 triệu cổ phiếu được treo mua ở mức giá trần và ATC. Dù lượng du mua rất lớn, nhưng tổng giá trị dư mua ở mức giá này cũng chỉ khoảng 48 tỷ đồng và nhiều nhà đầu tư biết rằng, khó có thể mua được PVX trong phiên hôm nay khi lực bán là không nhiều, nhưng vẫn đặt lệnh mua treo để tô đẹp thêm bảng điện tử.

Thanh khoản trên 2 sàn vẫn giữ được mức khá tốt với 91,4 triệu đơn vị, giá trị 1.254 tỷ đồng trên HOSE và 73,8 triệu đơn vị, giá trị 625,4 tỷ đồng trên HNX.

Ngoài FLC, HQC, PVX và SHN, thị trường phiên hôm nay cũng gây chú ý ở phiên thỏa thuận khi trên HNX có tới 21 triệu đơn vị được sang tên trong phiên nay, giá trị 203,8 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là thỏa thuận hơn 9 triệu cổ phiếu NVB, giá trị 67 tỷ đồng, 6 triệu cổ phiếu APG, giá trị 23,4 tỷ đồng…, còn trên HOSE là 1,5 triệu cổ phiếu PVD, giá trị 90 tỷ đồng, 2,7 triệu cổ phiếu VRC, giá trị 12,58 tỷ đồng.

Phiên 23/12: Kẻ khóc, người cười
Trong khi các cổ đông của VIC bỏ túi hơn 3.700 tỷ đồng, thì tài sản của các nhà đầu tư FLC bị bốc hơi 54 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư