Sang phiên chiều, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh giúp nhà đầu tư kỳ vọng hơn vào đà hồi phục của thị trường, nhưng chưa kịp chạm mốc tham chiếu, chỉ số VN-Index lại bị kéo xuống bởi sức ép của các cổ phiếu lớn.
Đóng cửa, sàn HOSE có 104 mã tăng và 152 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 2,4 điểm (-0,33%) xuống mức 714,47 điểm. Thanh khoản vẫn khá cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 232,8 triệu đơn vị, giá trị 3.629,26 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đạt 1,65 triệu đơn vị, giá trị 58,61 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 24/2 |
Nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là gánh nặng chính, trong nhóm VN30 có tới 18 mã giảm, 8 mã tăng và 4 mã đứng giá, trong đó có tới 3 mã giảm sàn. Chỉ số VN30-Index giảm 5,61 điểm (-0,84%) xuống 661,81 điểm.
Trong khi diễn biến các cổ phiếu lớn trong nhóm ngân hàng vẫn giằng co quanh mốc tham chiếu, thì STB lại trải qua “cú sốc”.
Áp lực bán ồ ạt đã đẩy STB xuống thẳng mức giá sàn. Đóng cửa, STB giảm 6,8% xuống mức giá 10.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10,6 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ ngày 16/12/2016 và còn dư bán sàn hơn 0,6 triệu đơn vị trong khi bên mua vắng bóng.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, chiều nay, cổ phiếu của bầu Đức sau một thời gian tăng mạnh bất chấp kết quả kinh doanh thua lỗ (lần đầu tiên sau 10 năm), HAG cũng đã điều chỉnh mạnh. Với mức giảm 6,9%, HAG chốt phiên tại mức giá sàn 7.580 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt 14,28 triệu đơn vị.
Ngoài STB và HAG, trong nhóm VN30 còn có CII cũng chịu cùng cảnh ngộ giảm sàn, bởi lực bán ồ ạt. Sau 9 phiên tăng liên tiếp, CII quay đầu giảm 6,96% và đóng cửa tại mức giá 35.450 đồng/CP.
Tuy nhiên, sức ép chính lên thị trường vẫn là các mã lớn, điểm hình là GAS. Sau 4 phiên liên tiếp đóng vai trò hỗ trợ thị trường, trong phiên cuối tuần, GAS đã đảo chiều giảm khá mạnh. Đóng cửa, GAS giảm 2,1% xuống mức 61.700 đồng/CP và khớp lệnh gần 0,75 triệu đơn vị.
Trái lại, “ông lớn” VNM tiếp tục đóng vai trò là má phanh chính của thị trường. Lực cầu nội và ngoại khá mạnh giúp VNM nới rộng đà tăng điểm trong phiên chiều và đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày 131.900 đồng/CP, tăng 1,23%.
Dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu thị trường, đẩy hàng loạt mã tăng trần như FIT, ITA, LGL… Trong đó, FLC vẫn duy trì đà tăng mạnh cùng thanh khoản tăng vọt lên tới 44,43 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.
Không chỉ các mã lớn trên sàn HOSE yếu thế, áp lực bán cũng khiến nhiều cổ phiếu bluechip trên sàn HNX quay đầu giảm điểm, đã thu hẹp đà tăng điểm của HNX-Index, thậm chí có lúc rơi xuống dưới mốc tham chiếu.
Đóng cửa, HNX-Index tăng nhẹ 0,05 điểm (+0,06%) lên 86,32 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 50.25 triệu đơn vị, giá trị 483,.48 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 0,14 điểm (-0,09%) xuống 157,46 điểm khi có 10 mã tăng, 14 mã giảm và 5 mã đứng giá.
ACB vẫn duy trì sắc xanh nhưng đà tăng đã hạ đáng kể, chỉ còn tăng nhẹ 0,45%, đóng cửa tại mức giá 22.700 đồng/CP và khớp lệnh hơn 2 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các cổ phiếu trong nhóm dầu khí có dấu hiệu hồi phục, là động lực tốt giúp thị trường bảo toàn sắc xanh, cụ thể, PVC tăng nhẹ 1,1%, PGS tăng 3,87%, PLC tăng 1,74%, PVS cũng đã quay lại mốc tham chiếu.
Điểm nóng KLF vẫn chưa có dấu hiệu chững lại khi lực cầu tiếp tục hấp thụ mạnhHNX. Đóng cửa, KLF đứng tại mức giá trần 2.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 8,19 triệu đơn vị và dư mua trần lên tới 5,8 triệu đơn vị trong khi bên bán trắng sàn.
Trên sàn UPCoM, UPCoM-Index vẫn đứng vững trên mốc tham chiếu với mức tăng 0,43 điểm (+0,78%), đóng cửa tại mức 55,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch trên sàn đạt 8,88 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 98,56 tỷ đồng.
Các cổ phiếu trong nhóm hàng không hầu hết đều giảm điểm, trong đó, HVN giảm 9%, SAS giảm 1,9%, NAS giảm 4,6%, ngoại trừ ACV tăng nhẹ 0,2%. Trong đó, HVN vẫn là cổ phiếu giao dịch mạnh nhất trên sàn với 6,42 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.
Đứng vị trí tiếp theo về thanh khoản trên sàn là TOP và AVF, lần lượt giao dịch thành công 1,43 triệu đơn vị và 1,11 triệu đơn vị. Đóng cửa, AVF đứng tại mức giá tham chiếu 400 đồng/CP, còn TOP tăng 4,76% lên mức 2.200 đồng/CP.