Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Cổ phiếu yếu "dậy sóng"
 
Bên cạnh nhóm cổ phiếu lớn được giao dịch tích cực, giúp VN-Index liên tiếp thiết lập đỉnh mới trong vòng 9 năm trở lại đây, thì dòng tiền trên thị trường cũng chảy vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Đáng chú ý, nhiều cổ phiếu tưởng chừng bị chìm trong quên lãng, hay cổ phiếu có kết quả kinh doanh sụt giảm, bất ngờ bứt phá mạnh về giá.
Có những doanh nghiệp thua lỗ nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh do nhà đầu tư kỳ vọng vào triển vọng tương lai
Có những doanh nghiệp thua lỗ nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh do nhà đầu tư kỳ vọng vào triển vọng tương lai

POM - Giá tăng 100% từ "vùng bình lặng"

Công ty cổ phần Thép Pomina (POM) không phải là cái tên xa lạ trong ngành thép xây dựng, công ty này từ lâu luôn nằm trong Top 3 đơn vị có thị phần lớn nhất cả nước và sở hữu nhà máy luyện phôi thép có quy mô hàng đầu khu vực. Do biến động bất lợi của giá nguyên vật liệu (thép phế, than, điện) và chi phí đầu tư cho nhà máy luyện phôi thép ở mức cao khiến Công ty liên tiếp lỗ lớn trong năm 2013 - 2014.

Năm 2016 vừa qua, khi nhóm cổ phiếu thép “làm mưa làm gió” trên thị trường chứng khoán thì mã POM ít được thị trường chú ý, thị giá hầu như đi ngang trong vùng 8.000 - 1.000 đồng/cổ phiếu, với thanh khoản khá thấp.

Tuy nhiên, sang năm 2017, tính đến hết phiên 20/2, thị giá cổ phiếu POM đã tăng 106,4% sau 11 phiên tăng trần liên tiếp và trở thành một trong những mã đem lại suất sinh lợi ấn tượng nhất cho nhà đầu tư. Nguyên nhân chủ yếu là do Công ty công bố kết quả kinh doanh 2016 khả quan.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2016, lũy kế cả năm 2016, doanh thu của POM đạt 9,297 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2015, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng gần 12 lần, đạt 301 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch. Nếu báo cáo kiểm toán không có nhiều thay đổi, mức lãi lớn này không chỉ giúp POM xóa lỗ lũy kế, mà còn có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 89 tỷ đồng. Theo đó, cổ phiếu POM có khả năng sẽ thoát khỏi diện cảnh báo và Công ty có thể chia cổ tức trở lại sau hơn 5 năm khó khăn.

Trước đó, ngày 6/2, POM công bố nhận quyết định cấp phép xây dựng nhà máy tôn có công suất 600.000 tấn/năm tại Bà Rịa - Vũng Tàu, với công nghệ hiện đại. Giai đoạn 1 sẽ khởi công trong năm 2017 và dự kiến đưa hoạt động vào năm 2018, công suất 200.000 tấn/năm. Giai đoạn 2 dự kiến đưa vào hoạt động vào năm 2020, nâng tổng công suất nhà máy lên 600.000 tấn/năm.

Với hai thông tin tích cực trên và triển vọng thị trường xây dựng, bất động sản tiếp tục được dự báo tăng trưởng cao trong năm 2017, một số nhà đầu tư kỳ vọng POM sẽ quay trở lại thời hoàng kim giai đoạn 2009 - 2011. Tuy nhiên, POM có cơ cấu cổ đông cô đặc, tập trung vào cổ đông sáng lập và ban điều hành, hoạt động tiếp xúc nhà đầu tư chia sẻ tin tức đến thị trường không nhiều nên dù giá cổ phiếu tăng, thanh khoản vẫn khá thấp. Hiện tại, chỉ số giá trên lợi nhuận (P/E) của cổ phiếu POM là gần 11 lần, không còn ở mức thấp so với các doanh nghiệp khác trong ngành.

Thị giá PVB, HAG, HNG đi ngược kết quả kinh doanh

Dù không phải lúc nào giá cổ phiếu cũng có diễn biến thuận chiều với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng thời gian vừa qua, thị trường không khỏi bất ngờ khi có những doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận sau thuế là con số âm, thậm chí lỗ “khủng” mà giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh.

Chẳng hạn, tính đến hết phiên 20/2, cổ phiếu PVB của Công ty cổ phần Bọc ống dầu khí Việt Nam (PVB) đã tăng 39%, từ khi kết quả kinh doanh quý IV/2016 và cả năm 2016 được công bố. Theo đó, doanh thu thuần năm 2016 của PVB chỉ đạt 6,4 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 900 tỷ đồng năm 2015, khiến Công ty lỗ ròng 53,9 tỷ đồng, đây là kết quả lỗ đầu tiên trong vòng 8 năm qua.

Theo ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc PVB, hoạt động của Công ty mang tính đặc thù, gắn liền với dự án ngành dầu khí, việc giá dầu duy trì ở mức thấp trong năm 2016 khiến hầu hết các dự án đều dừng, giãn tiến độ. Điều này ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, dù Công ty đã cố gắng tìm kiếm một số dịch vụ nhỏ ngoài ngành, tiết giảm chi phí tiền lương, dịch vụ không cần thiết, cũng như giãn khấu hao tài sản.

Hiện tại, giá dầu đã tăng hơn 100% so với mức đáy trong năm 2016. Các nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vừa qua đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng, khiến Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, giá dầu có thể sẽ tăng hơn 20% trong năm 2017 so với mức giá bình quân 44 USD/thùng của năm 2016, nhờ đó thị trường các ngành dịch vụ dầu khí được dự báo sẽ khởi sắc trở lại.

Có lẽ đó là lý do khiến nhiều nhà đầu tư tăng mua cổ phiếu PVB cũng như nhiều mã dầu khí khác trong thời gian gần đây, nhằm đón đầu sự phục hồi này. Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp ngành dịch vụ thường có độ trễ từ 6 tháng đến 1 năm so với diễn biến của giá dầu bởi các công trình, hợp đồng cần thời gian để tái triển khai sau thời gian ngừng trệ.

Cổ phiếu HAG của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai và cổ phiếu HNG của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) cũng thu hút được sự chú ý của thị trường, dù doanh nghiệp công bố lỗ lớn lần đầu tiên kể từ khi niêm yết.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016 của HNG, doanh thu trong kỳ tăng 49% so với quý IV/2015, đạt 1.213 tỷ đồng, nhưng chi phí lãi vay cao vẫn là nguyên nhân chính khiến Công ty lỗ 303 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2016, con số lỗ là hơn 954 tỷ đồng. Nợ vay dài hạn trong năm 2016 tăng hơn 8.000 tỷ đồng.

Với HAG, trong quý IV/2016, doanh thu cao gấp 1,5 lần cùng kỳ năm 2015, đưa doanh thu cả năm 2016 đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, Công ty ghi nhận lỗ trước thuế gần 1.395 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do lãi vay trong kỳ lên đến 1.557 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2016, dư nợ dài hạn của Công ty tăng thêm 2.470 tỷ đồng.

Thị trường cho rằng, câu chuyện tăng giá của cổ phiếu HAG và HNG sau khi doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh thua lỗ là do nhà đầu tư đã dự báo được từ trước. Thực tế, những khó khăn trong hoạt động kinh doanh đã được thể hiện từ cuối năm 2015 đến nay và được phản ánh vào giá cổ phiếu.

Trong khi đó, đón nhận những thông tin tích cực từ việc giá cao su thiên nhiên phục hồi mạnh từ đầu quý IV/2016 sẽ giúp HAG và HNG có được kết quả kinh doanh khả quan hơn trong năm 2017. Mặt khác, các chủ nợ của HAG đã đồng ý gia hạn những khoản nợ đáo hạn, giúp giảm áp lực thanh toán nợ trong năm nay.

Theo đó, báo cáo tài chính quý IV/2016 không tích cực có thể là những thông tin xấu cuối cùng và nhiều nhà đầu tư tăng cường mua cổ phiếu HAG và HNG. Tính đến hết phiên 20/2, cổ phiếu HAG đã tăng giá 56%, tỷ lệ này tại cổ phiếu HNG là 51,2%, sau khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý IV/2016.

Mùa công bố kết quả kinh doanh 2016 kết thúc cũng là lúc các doanh nghiệp chuẩn bị tổ chức Đại hội đồng cổ đông và lên kế hoạch kinh doanh năm 2017. Những thông tin đột biến đã giúp nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ tăng giá phi mã, nhưng nếu không có sự cải thiện thực sự về kết quả kinh doanh, giá cổ phiếu hoàn toàn có thể rơi vào tình trạng “bạo phát, bạo tàn”, vốn là đặc điểm của nhóm cổ phiếu này.

Hòa Phát đặt kế hoạch "đi giật lùi" về lợi nhuận, cổ tức năm 2017
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa công bố các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư