Bên cạnh đó, nỗi lo ngại ám ảnh bởi câu nói “Sell in May and go away” đã không còn nặng nề như trước đây khi năm ngoái, VN-Index đã có mức tăng khá ấn tượng trong tháng 5, với mức tăng khoảng 4%. Theo đánh giá của ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS), câu nói trên sẽ có thêm một lần nữa không còn chính xác.
Tâm lý lo ngại của giới đầu tư phần nào được loại bỏ giúp dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào thị trường trong phiên giao dịch chiều. Sắc xanh vẫn chiếm áp đảo trên thị trường với sự dẫn dắt của các cổ phiếu bluechip đã giúp VN-Index duy trì đà tăng ổn định suốt cả phiên và chính thức lấy lại mốc 710 điểm.
Đóng cửa, sàn HOSE có 170 mã tăng, gấp gần 2 lần số mã giảm (86 mã), VN-Index tăng 2,46 điểm (+0,36%) lên 710,04 điểm. Thanh khoản cải thiện so với phiên trước với khối lượng giao dịch đạt 142,34 triệu đơn vị, giá trị 3.488,4 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 7,98 triệu đơn vị, giá trị 327,79 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 26/4 |
Tương tự, sàn HNX có 106 mã tăng và chỉ 60 mã giảm, HNX-Index tăng 0,7 điểm (+0,79%) lên 88,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 47,78 triệu đơn vị, giá trị 507,36 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 4,18 triệu đơn vị, giá trị 29,96 tỷ đồng, trong đó, SHB thỏa thuận hơn 2,6 triệu đơn vị, giá trị 21,58 tỷ đồng.
Trong khi VCB, MSN, KDC, HPG còn giảm nhẹ thì hầu hết các cổ phiếu bluechip đều khởi sắc. Tuy nhiên, đà tăng còn khá hạn chế khiến thị trường thiếu sức bật cao, cụ thể VNM tăng 0,35%, VIC tăng 0,12%, GAS tăng 1,49%, BID tăng 0,92%, CTG tăng 0,58%, MWG tăng 0,37%, BVH đứng giá tham chiếu…
Trái với sự hồi phục của các bluechip, mã lớn ROS sau 1 tuần tăng khá mạnh đã quay đầu điều chỉnh. Lực bán tăng mạnh về cuối phiên đã đẩy ROS về mức giá thấp nhất ngày khi giảm 2,4%, kết phiên tại mức giá 160.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 7,11 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, các mã thị trường tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ như FLC tăng 0,27% lên 7.520 đồng/CP và duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn với 12,91 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công. Các mã khác như HQC tăng 0,4%, ITA tăng 2,8%, HAG và HHS cùng tăng 3%, DLG tăng 1,8%...
Tâm điểm đáng chú ý trong phiên chiều là STB. Sau khi tăng tốt trong phiên sáng, lực cầu hấp thụ mạnh về cuối phiên chiều đã giúp cổ phiếu này nới rộng đà tăng và kết phiên tại mức giá trần 11.850 đồng/CP, tăng 6,8% với khối lượng khớp đạt 8,43 triệu đơn vị và còn dư mua trần 634.690 đơn vị.
Được biết, STB vừa chính thức công bố danh sách ứng viên HĐQT với điểm đáng chú ý là sự xuất hiện của thành viên mới - ông Nguyễn Đức Hưởng, nguyên là Phó chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank vừa từ nhiệm ở ngân hàng này ngày 24/4.
Trên sàn HNX, các mã lớn hỗ trợ đà tăng cho thị trường như ACB tăng 2,71%, CEO tăng 1,75%, HUT tăng 4,62%, LAS tăng 3,88%, PVS tăng 1,2%, VCG tăng 2,07%, VCS tăng 1,28%...
Trong khi hầu hết các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng đều đi lên thì SHB lại quay đầu giảm giá. Diễn biến cổ phiếu SHB khá giằng co với những phiên tăng giảm trong gần 2 tuần nay, tuy nhiên, giao dịch vẫn sôi động nhờ lực cầu hấp thụ tích cực. Kết phiên, SHB giảm 2,6% xuống mức 7.400 đồng/CP với khối lượng khớp lớn nhất thị trường, đạt 19,26 triệu đơn vị.
KLF sau phiên khới sắc hôm qua cũng đã quay lại mốc tham chiếu 2.400 đồng/CP và chỉ chuyển nhượng thành công 1,39 triệu đơn vị.
Trái với 2 sàn chính, trên sàn UPCoM, sau nhịp tăng đầu phiên sáng, thị trường đã quay đầu đi xuống và không có cơ hội hồi phục. Diễn biến trong phiên chiều tiếp tục ảm đạm.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,25 điểm (-0,44%) xuống 57,36 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,49 triệu đơn vị, giá trị 64,79 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,68 triệu đơn vị, giá trị 68,6 tỷ đồng, trong đó, riêng GEX thỏa thuận 2,55 triệu đơn vị, giá trị 63,63 tỷ đồng.
Cổ phiếu HVN sau 4 phiên giảm liên tiếp đã đảo chiều thành công trong hôm nay. Cụ thể, HVN tăng 1,6% lên mức 26.100 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 311.700 đơn vị. Ngoài ra, cổ phiếu họ hàng không khác là ACV cũng đảo chiều tăng 1,2%, sau những phiên giảm hoặc đứng giá tham chiếu.
Trái lại, SWC tiếp tục quay đầu đi xuống sau 4 phiên tăng liên tiếp. Kết phiên, SWC giảm 2,7% xuống mức 21.400 đồng/CP và khối lượng giao dịch lớn nhất sàn đạt 399.600 đơn vị.