Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Phiên 27/3: Không phải FLC, HNG và VHG mới là tâm điểm của thị trường
 
Dù vẫn duy trì được sự sôi động và giữ được sắc xanh, nhưng FLC không có sự đột biến trong phiên giao dịch chiều, mà thay vào đó là HNG và VHG.

Trong phiên giao dịch sáng, với sự hỗ trợ của VNM, nhóm ngân hàng và một số mã lớn khác, VN-Index đã cố gắng chinh phục ngưỡng cản 725 điểm. Tuy nhiên, lực cản từ nhóm dầu khí, SAB, VIC đã khiến nỗ lực này không thành công.

Trong phiên giao dịch chiều, dù thị trường nhích nhẹ trở lại khi đà giảm của VIC, SAB được hãm bớt và 2 mã này về mức tham chiếu cuối phiên, nhưng với lực cung lớn tại nhiều mã khác, trong đó VCB, BID đảo chiều, VNM chỉ còn mức tăng nhẹ khiến VN-Index bị rung lắc mạnh, có thời điểm đã xuyên qua mốc tham chiếu, trước khi bất trở lại cuối phiên và giữ được sắc xanh nhạt.

Trong khi đó, dù nỗ lực bật trở lại với sự khởi sắc của SHB khi mã này có thời điểm được kéo lên mức trần. Tuy nhiên, với việc ACB nới rộng đà giảm sau đó, đã khiến HNX-Index bị đẩy lùi sâu xuống dưới tham chiếu và dù nỗ lực cuối phiên, HNX-Index cũng không đủ may mắn để thoái khỏi phiên giảm điểm hôm nay.

Trong phiên sáng FLC vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với 15,56 triệu cổ phiếu được khớp, đóng cửa tăng 1,84%, lên 8.300 đồng, cũng là mức giá mở cửa. Với diễn biến trong những phiên vừa qua, nhiều người kỳ vọng thông tin ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu sẽ giúp cổ phiếu FLC có đột biến về giá trong phiên chiều.

Trong phiên chiều, đúng là lực cầu vẫn duy trì khá tốt, giúp mã này có thêm hơn 12 triệu đơn vị được khớp lệnh và độc chiếm vị trí quán quân về thanh khoản trên cả 2 sàn. Tuy nhiên, FLC đã không thể tạo ra đột biến nào về giá khi chỉ giằng co nhẹ quanh ngưỡng 8.300 đồng. Đây cũng là mức giá đóng chốt phiên hôm nay của FLC.

Trong khi đó, mã gây đột biến lại là HNG khi đang ở mức tham chiếu khi chốt phiên sáng, HNG nhận được lực cầu đủ mạnh để hấp thụ hết lượng dư bán, kéo mã này lên mức trần 12.550 đồng và chốt phiên còn dư mua giá trần với 3,28 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, “người anh em” HAG cũng trở lại được mốc tham chiếu 9.900 đồng với 13,17 triệu đơn vị được khớp, dù có lúc trong ngày giảm hơn 4%.

Ngoài HNG, VHG cũng duy trì sắc tím trong phiên hôm nay dù phiên chiều nhận được lực cung rất lớn, khiến giao dịch rất sôi động. Chốt phiên, VHG đóng cửa ở mức 2.550 đồng với 7,17 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần hơn 1,4 triệu đơn vị.

TTF chỉ được giao dịch trong phiên chiều, nhưng đã có ngay sắc tím khi mở cửa và duy trì mức giá trần suốt phiên chiều, đóng cửa ở mức 8.590 đồng với gần 1 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần. TTF đã có chuỗi tăng mạnh trước đó sau thông tin ông Võ Trường Thành và con trai dùng tài sản cá nhân và gia đình để khắc phục hậu quả tại TTF. Cổ phiếu này lại tiếp tục nhận thông tin hỗ trợ khi giảm lỗ tới 350 tỷ đồng sau kiểm toán.

Một mã đáng chú ý khác là QCG cũng có được phiên tăng trần tiếp theo, lên 5.620 đồng, dù con đường tăng trần phiên hôm nay vất vả hơn rất nhiều so với phiên cuối tuần trước.

Cũng có giao dịch sôi động trong phiên chiều nay còn có ITA khi được khớp gần 21 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 0,95%, lên 4.240 đồng. HQC và KBC cũng có thanh khoản tốt khi được khớp 9,5 triệu đơn vị và hơn 9 triệu đơn vị và đều tăng giá, trong đó KBC tăng 4,1%, lên 15.250 đồng và khối ngoại mua ròng hơn 2 triệu đơn vị.

Trong các mã lớn, VNM chỉ còn tăng 0,2%, lên 142.000 đồng với hơn 1 triệu đơn vị được khớp, dù có lúc tăng lên mức 143.800 đồng. Trong khi VCB lại quay đầu giảm 0,79%, xuống 37.800 đồng, đúng bằng mức giá mở cửa, dù có thời điểm đã tăng hơn 1%.

Ngoài ra, sắc đỏ còn xuất hiện ở một số mã lớn khác như BID, nhóm dầu khí, FPT, REE, MBB khiến VN-Index rung lắc. Tuy nhiên, nhờ VIC và SAB trở lại tham chiếu, cùng đà tăng tốt tại ROS (+1,28%, lên 158.500 đồng với 4,6 triệu đơn vị được khớp), giúp VN-Index duy trì đà tăng.

Diễn biến VN-Index phiên 27/3
Diễn biến VN-Index phiên 27/3

Chốt phiên, VN-Index tăng 1,38 điểm (+0,19%), lên 723,52 điểm với 127 mã tăng và 133 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 233,19 triệu đơn vị, giá trị 4.255,69 tỷ đồng, trong đó giá trị giao dịch đóng góp 25,8 triệu đơn vị, giá trị 410,93 tỷ đồng.

Trong khi đó, dù nhận được sự hỗ trợ tích cực của SHB khi mã này có lúc lên mức trần 6.200 đồng, trước khi đóng cửa ở mức 6.100 đồng, tăng 7,02% với 14,5 triệu đơn vị được khớp, nhưng với việc ACB giảm 1,18%, xuống 25.200 đồng với 4,65 triệu đơn vị được khớp, đứng sau SHB, thậm chí có lúc xuống 24.900 đồng, HNX-Index đã không có được may mắn như VN-Index.

Chốt phiên, HNX-Index giảm nhẹ 0,02 điểm (-0,03%), xuống 91,35 điểm với 71 mã tăng và 96 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 53,8 triệu đơn vị, giá trị 561,7 tỷ đồng.

Ngoài ACB, nhóm dầu khí gồm PVC, PVS, PVB và một số bluechip như NTP, LAS, VCG cũng đóng cửa trong sắc đỏ.

Trên UPCoM, việc sắc đỏ duy trì ở HVN, ACV, VIB, MCH, VOC, VIB khiến UPCoM-Index dao động dưới tham chiếu suốt phiên chiều. Sự hỗ trợ của MSR, SDI, VEF, GEX, SEA chỉ giúp chỉ số này không giảm sâu hơn.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,31 điểm (-0,54%), xuống 57,21 điểm với 48 mã tăng và 53 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 4,19 triệu đơn vị, giá trị 75 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 1,18 triệu đơn vị, giá trị 29,4 tỷ đồng.

TIS, TOP, HVN và MSR là 4 mã có thanh khoản tốt nhất trên UPCoM với khối lượng giao dịch đạt lần lượt 747.000 đơn vị, 734.100 đơn vị, 714.100 đơn vị và 559.600 đơn vị. Trong đó, chỉ MSR tăng 8,23%, lên 17.100 đồng, còn lại đều giảm. 

Diễn biến các cổ phiếu cần quan tâm tuần qua: TRC giảm 10%, đúng theo lo ngại của KIS
Cùng với thị trường đón nhận một tuần khởi sắc, các công ty chứng khoán cũng khá thành công khi nhiều mã được khuyến nghị mua vào đã tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư