Tuy nhiên, do lực cầu yếu khiến thị trường thiếu động lực để bật cao. Ngay sau nhịp kéo lên mốc 975 điểm nhưng bất thành, thị trường đã hạ độ cao và diễn biến lình xình đi ngang trong thời gian còn lại của phiên sáng.
Bước sang phiên chiều, thị trường cũng không có thêm thông tin tích cực, giao dịch vẫn diễn ra với tâm lý thận trọng cao độ khiến chỉ số VN-Index tiếp diễn trạng thái đi ngang. Sau hơn 90 phút nỗ lực, sự khởi sắc của một số mã lớn, đặc biệt là đầu tàu VNM, đã kéo thành công VN-Index vượt thành công ngưỡng 975 điểm.
Đóng cửa, sàn HOSE vẫn phân hóa với 140 mã tăng và 152 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 5,11 điểm (+0,53%) lên 975,14 điểm. Thanh khoản sụt giảm với tổng khối lượng giao dịch đạt 138,47 triệu đơn vị, giá trị 3.407,84 tỷ đồng, giảm 17,74% về lượng và 15,2% về giá trị so với phiên cuối tuần trước.
Diễn biến VN-Index phiên 27/5 |
Thỏa thuận có đóng góp đáng kể với khối lượng đạt 42,57 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.232 tỷ đồng, trong đó EIB thỏa thuận 6,76 triệu đơn vị, giá trị 114,85 tỷ đồng, PNJ thỏa thuận hơn 2,44 triệu đơn vị, giá trị 280,62 tỷ đồng…
Trong khi đó, dòng tiền suy yếu cùng việc thiếu nâng đỡ từ nhóm cổ phiếu bluechip khiến HNX-Index duy trì trạng thái giảm suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,35 điểm (-0,33%) xuống 105,04 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 20 triệu đơn vị, giá trị 244,78 tỷ đồng, giảm hơn 38% về lượng và 42,29% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,64 triệu đơn vị, giá trị 22,35 tỷ đồng.
Sau khi đảo chiều thành công ngay từ đầu phiên sáng, cổ phiếu lớn VNM tiếp tục tiến bước. Mặc dù trong nửa cuối phiên chiều, VNM bị kéo tụt về sát mốc tham chiếu do áp lực bán gia tăng, nhưng trụ đỡ này đã nhanh chóng bật mạnh. Kết phiên, VNM tăng 2,7% lên mức cao nhất ngày 134.000 đồng/CP, là cánh tay phải đắc lực hỗ trợ giúp VN-Index dành lại được mốc 975 điểm.
Bên cạnh đó, một số mã bluechip khác cũng góp phần hỗ trợ thị trường như VCB tăng 1,4% lên 67.400 đồng/CP, GAS tăng 1,1% lên 107.700 đồng/CP, MSN tăng 1,4% lên 88.400 đồng/CP, SAB tăng 1,5% lên 265.000 đồng/CP…
Trái lại, trong khi VIC quay về mốc tham chiếu thì “người anh em” VHM lại đảo chiều giảm nhẹ, cùng một số mã lớn đóng vai trò là lực cản như TCB, FPT, BVH giảm 1,2% xuống 76.300 đồng/CP…
Cổ phiếu ROS đã đảo chiều thành công nhờ lực cầu tăng mạnh sau một tuần giảm mạnh, với mức tăng 1,3% và đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày 30.400 đồng/CP, cùng với đó là thanh khoản dẫn đầu thị trường đạt hơn 11,27 triệu đơn vị.
Tâm điểm đáng chú ý là nhóm cổ phiếu thị trường vừa và nhỏ. Đại diện HSG tiếp tục nới rộng biên độ tăng 1,72% lên 8.300 đồng/CP và khớp 6,76 triệu đơn vị, bên cạnh đó, các mã FLC, ITA, AAA… đều khởi sắc với khối lượng khớp một vài triệu đơn vị.
Ngoài ra, các mã quen thuộc như HAR, FIT, TSC, SGT, RIC được kéo lên kịch trần. Trong đó, HAR có phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp, khi đóng cửa tại 3.960 đồng/CP, tăng 6,7% và khối lượng khớp lệnh gần 0,93 triệu đơn vị, dư mua trần 32.760 đơn vị trong khi bên bán trắng sàn.
Trên sàn HNX, cổ phiếu VCS tiếp tục nhích bước với thông tin tích cực từ việc tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt 20%. Kết phiên, VCS tăng 1,94% lên 63.100 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh 119.800 đơn vị.
Mặt khác, nhiều mã lớn khác giao dịch thiếu tích cực như VCG, SHB đang đứng giá tham chiếu, trong khi ACB giảm 0,7% xuống 29.100 đồng/CP, PVI giảm 0,3% xuống 37.500 đồng/CP, NVB giảm 4,6% xuống mức giá thấp nhất 8.300 đồng/CP…
Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HNX gồm SHB khớp hơn 2,3 triệu đơn vị, PVS khớp 1,83 triệu đơn vị, MPT khớp hơn 1,5 triệu đơn vị, NVB khớp gần 1,5 triệu đơn vị và HUT khớp 1,41 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, sau những nỗ lực đầu phiên kéo UPCoM-Index chạm mốc tham chiếu, thị trường đã thoái lui do áp lực bán tăng.
Kết phiên, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,02 điểm (-0,04%) xuống 55,25 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 6,52 triệu đơn vị, giá trị 121,51 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,12 triệu đơn vị, giá trị 49,76 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn đứng giá tham chiếu 13.600 đồng/CP với khối lượng giao dịch lớn nhất và cũng là mã duy nhất trên thị trường UPCoM chuyển nhượng thành công hơn 1 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí thứ 2, VGI đạt khối lượng giao dịch 836.600 đơn vị và đóng cửa tăng 2,94% lên 28.000 đồng/CP.
Trong khi đó, các mã lớn khác như VEA, QNS, MPC, MSR… đều đóng cửa trong sắc đỏ.