Sau 2 phiên giảm rất mạnh liên tiếp, áp lực giải chấp khiến VN-Index lại đỏ lửa ngay khi mở cửa phiên hôm nay và chỉ số nhanh chóng rơi về vùng 915 điểm. Lúc này, cầu bắt đáy được khởi động, VN-Index theo đó dần hồi trở lại và tăng điểm khi kết phiên sáng.

Với đà hưng phấn sẵn có, lực cầu ồ ạt chảy vào thị trường ngay khi bước vào phiên chiều. Đón dòng tiền mạnh mẽ nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng và nhờ đó, hàng loạt mã được kéo lên mức trần. Sự tích cực từ nhóm  ngân hàng không chỉ lan tỏa ra nhiều nhóm cổ phiếu khác như chứng khoán, dầu khí, bất động sản - xây dựng...

Theo đó, VN-Index leo một mạch lên cùng 960 điểm, tức tăng 45 điểm so với mức thấp nhất phiên ghi nhận trong buổi sáng. Sau nhịp tăng nóng, đã có những e ngại nhất định khi áp lực bán mạnh xuất hiện và đẩy VN-Index trở lại vùng 940 điểm. Tuy nhiên, với sự ổn định của nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán...  VN-Index vẫn kết phiên với mức tăng cao gần nhất ngày.

Thị trường phiên này tuy dao động với biên độ rất lớn, nhưng đà tăng vẫn khá ổn định sau mỗi nhịp giảm phần nào cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang có sự cải thiện sau thời gian liên tục bán tháo trước đó. Một yếu tố tích cực khác là dòng tiền đã mạnh dạn trở lại, hoạt động lan tỏa hơn. Những yếu tố này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường trong những phiên giao dịch tới.

Đóng cửa, với 232 mã tăng, trong đó có 37 mã tăng trần, chiếm áp đảo so với 66 mã giảm (6 mã giảm sàn), VN-Index tăng 20,43 điểm (+2,19%) lên 938,68 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 183,98 triệu đơn vị, giá trị  5.339,82 tỷ đồng, giảm 16% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên 28/5.

Diễn biến VN-Index phiên 29/5
Diễn biến VN-Index phiên 29/5

Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 28,68 triệu đơn vị, giá trị 1.093 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 9,5 triệu cổ phiếu VRE, giá trị 399 tỷ đồng và 4,264 triệu cổ phiếu NVL, giá trị 237 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, dòng tiền tập trung tại nhóm cổ phiếu ngân hàng trên HOSE, giúp 7/9 mã tăng trần là CTG (đạt 26.500 đồng, tăng 6,98%), BID (đạt 27.600 đồng, tăng 6,98%), VCB (đạt 50.000 đồng, tăng 6,84%), VPB (đạt 41.500 đồng, tăng 7%), STB (đạt 11.600 đồng, tăng 6,9%), MBB (đạt 28.100 đồng, tăng 6,8%), HDB (đạt 35.500 đồng, tăng 6,9%). Mã TPB không trần, nhưng cũng tăng tới 6,3% lên 28.800 đồng, còn EIB đứng giá 14.500 đồng.

Sự bùng nổ của nhóm ngân hàng tạo lực đẩy chính và cũng là nguồn lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu dẫn dắt khác như chứng khoán (SSI tăng trần lên 29.400 đồng, +6,9%; HCM tăng trần lên 62.000 đồng, +6,9%), dầu khí (PLX tăng trần 7% lên 59.900 đồng), bất động sản - xây dựng (CTD, HBC... tăng trần)..., góp phần giúp VN-Index bay cao.

Trong rổ VN30, các mã DHG, NVL, HPG... chỉ mất sắc tím trong những phút cuối phiên. Bên cạnh đó, nhiều mã midcap như VND, IMP, SJF, TGG... cũng đều ở mức trần.

Về thanh khoản, VPB khớp 7,7 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HOSE. Tiếp theo là STB, CTG và MBB với lượng khớp là 7 triệu, 6,8 triệu và 6,3 triệu đơn vị. Các mã VCB, BID và HDB khớp từ 2-3 triệu đơn vị. Mã SSI khớp hơn 5 triệu đơn vị.

Trong khi VRE có mức tăng tốt, thì 2 người anh em VIC và VHM lại giảm khá mạnh, cùng với SAB, GAS, ROS trở thành "tội đồ" trong phiên này. Trong đó, các mã VRE, GAS, VIC cùng khớp trên 1 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sắc tím cũng lan tỏa ở nhiều mã như FLC, DXG, HHS, VHG, HAR, FIT..., bên cạnh sắc xanh đậm của KBC, DIG, IDI, SCR, HAG, HNG, ASM, HQC... Thanh khoản của nhóm này khá tốt, từ 1-5 triệu đơn vị được khớp.

Đi ngược thị trường, HVG giảm sàn về 2.690 đồng (-6,9%) và khớp 1,02 triệu đơn vị. HOSE vừa đưa cổ phiếu HVG vào diện bị kiểm soát đặc biệt để bảo vệ nhà đầu tư

Cổ phiếu HVG của Hùng Vương bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt để bảo vệ nhà đầu tư do liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện bị cảnh báo do vi phạm công bố thông tin.