Sau phiên điều chỉnh hôm qua, chỉ số VN-Index tiếp tục giảm điểm trong phiên sáng nay (3/5), thậm chí có lúc bị đẩy lùi về sát mốc 970 điểm. Sau đó, lực cầu gia tăng đã giúp VN-Index bật được đi lên, tuy nhiên dòng tiền chưa đủ mạnh để giúp chỉ số này bứt cao và chỉ diễn biến lình xình quanh mốc 975 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường không có thêm thông tin hỗ trợ tích cực, dòng tiền vẫn nhúc nhắc tham gia khiến VN-Index tiếp tục đi ngang quanh ngưỡng kháng cự 975 điểm.
Tuy nhiên, sau hơn 30 phút giằng co, áp lực bán gia tăng, trong đó nhóm cổ phiếu nhà Vin cùng BVH là gánh nặng chính khiến thị trường giảm sâu hơn. Mặc dù về cuối phiên, chỉ số VN30-Index lại được kéo lên cao, nhưng đã không đủ sức để giúp thị trường bảo toàn được mốc 975 điểm.
Đóng cửa, sàn HOSE có 118 mã tăng và 181 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 4,36 điểm (-0,45%) xuống 974,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 148,57 triệu đơn vị, giá trị 3.309,69 tỷ đồng, giảm nhẹ trên dưới 2% về lượng và giá trị so với phiên trước. Giao dịch thỏa thuận đạt 20,83 triệu đơn vị, giá trị 574,72 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 3/5 |
Nhóm VN30 cân bằng hơn với 13 mã tăng và 14 mã giảm. Các mã TCB, MSN, STB, SSI, HPG, FPT, NVL, VNM… đều tăng nhẹ, trong đó, VNM nới rộng biên độ với mức tăng 0,8% lên mức cao nhất ngày 131.000 đồng/CP; trong khi SAB và VJC đã lấy lại mốc tham chiếu.
Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn diễn biến phân hóa, trong đó STB tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Kết phiên, STB tăng 3,8% lên mức cao nhất ngày 12.350 đồng/CP với thanh khoản sôi động đạt 8,68 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, bộ 3 nhà Vin lại gia tăng sức cản khi nới rộng biên độ giảm, cụ thể VIC giảm 1% xuống 112.500 đồng/CP, VHM giảm 1,1% xuống mức thấp nhất ngày 90.400 đồng/CP, VRE giảm 1% xuống 36.100 đồng/CP.
Ngoài ra, BVH vẫn duy trì mức giảm 6,9% và đóng cửa tại mức giá 76.700 đồng/CP, là phiên giảm sàn thứ 2 và cũng là phiên giảm thứ 5 liên tiếp của cổ phiếu này. Khối lượng khớp lệnh của BVH chỉ đạt 86.250 đơn vị và dư bán sàn hơn 1,13 triệu đơn vị.
ROS vẫn là mã nằm trong top đầu về thanh khoản trên sàn HOSE với khối lượng khớp lệnh chỉ thấp hơn STB chút ít, đạt hơn 8,66 triệu đơn vị, tuy nhiên, đóng cửa cổ phiếu này vẫn giảm nhẹ 0,2% xuống 30.600 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, bên cạnh VHG bảo toàn sắc tím với lượng dư mua trần 165.840 đơn vị, cổ phiếu nhỏ OGC cũng đảo chiều tăng vọt sau phiên giảm hôm qua. Kết phiên, OGC tăng 6,8% lên mức giá trầm 3.950 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 2,23 triệu đơn vị.
Trái lại, PPI có phiên giảm sàn thứ 4 liên tiếp. Kết phiên, PPI giảm 6,9% xuống mức 940 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 405.400 đơn vị và dư bán sàn 833.480 đơn vị. Đáng kể, HVG tiếp diễn tình trạng dư bán sàn chất đống với hơn 4,21 triệu đơn vị, đây là phiên giảm sàn thứ 6 liên tiếp của cổ phiếu này.
Trên sàn HNX, áp lực bán dần gia tăng khiến thị trường rung lắc và đảo chiều giảm sau hơn 30 phút giao dịch của phiên chiều. Mặc dù sau đó, HNX-Index đã cố lấy lại thăng bằng nhưng ngay khi chạm mốc tham chiếu, chỉ số này lại bị đẩy lùi và kết phiên trong sắc đỏ.
Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,13 điểm (-0,12%) xuống 106,87 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 26 triệu đơn vị, giá trị 253,86 tỷ đồng, giảm 16,13% về lượng và hơn 34,2% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 2,1 triệu đơn vị, giá trị 45,48 tỷ đồng, trong đó VGC thỏa thuận 2 triệu đơn vị, giá trị 43,29 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu dầu khí trên sàn HNX cũng góp phần đẩy thị trường đi xuống khi hầu hết đều lùi về dưới mốc tham chiếu như PVS giảm 1,3% xuống 23.600 đồng/CP, PVI giảm 0,2% xuống 41.000 đồng/CP, PVB giảm 1,5% xuống 19.100 đồng/CP, PVC giảm 2,9% xuống 6.800 đồng/CP, PGS giảm 1,2% xuống 34.000 đồng/CP.
Bên cạnh đó, các mã bluechip khác cũng góp phần gia tăng gánh nặng cho thị trường khi hầu hết các cổ phiếu trong top 10 vốn hóa lớn nhất sàn đều giao dịch trong sắc đỏ như SHB, VCG, VCS, PHP.
Ngoại trừ ACB vẫn bảo toàn mức tăng 1% và đóng cửa tại mức giá 30.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 1,11 triệu đơn vị.
Cổ phiếu PVS dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với khối lượng khớp lệnh 2,52 triệu đơn vị; tiếp theo đó là MST, BII, SHB có khối lượng khớp hơn 2,2 triệu đơn vị…
Trên UPCoM, sắc đỏ xuyên suốt trong cả phiên chiều.
Kết phiên, UPCoM-Index giảm 0,13 điểm (-0,23%) xuống 55,77 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt gần 9,29 triệu đơn vị, giá trị chỉ hơn 137 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,95 triệu đơn vị, giá trị 14,78 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản với khối lượng giao dịch đạt hơn 2 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 1,4% xuống 13.700 đồng/CP.
Trong khi đó, LPB dù chịu sức ép cung ngoại khi bị bán ròng hơn 0,37 triệu đơn vị nhưng đã lấy lại mốc tham chiếu. Khối lượng giao dịch của LPB chỉ thua BSR, đạt hơn 1,1 triệu đơn vị.