Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Phiên 3/7: "Quả ngư lôi" ngân hàng đánh chìm VN-Index
Phiên giao dịch ngày hôm nay (3/7), nhóm cổ phiếu ngân hàng chính là "quả ngư lôi" đánh chìm VN-Index khi có tới 5 mã giảm sàn là TCB, VPB, CTG, BID, STB.
Diễn biến VN-Index phiên ngày 3/7
Diễn biến VN-Index phiên ngày 3/7

Nhiệt độ tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc hôm nay đạt xấp xỉ 40 độ C, đó là nhiệt độ đo trong lều khí tượng, còn nhiệt độ thực tế ngoài trời lên tới gần 50 độ C, mức nóng nhất từ đầu mùa. Một chiều hè nóng bỏng bên ngoài ô cửa, và bên trong phòng lạnh, bảng điện tử cũng rực đỏ một màu.

Lo ngại về chu kỳ kinh tế 10 năm sớm đã được các chuyên gia và cả các nhà quản lý cao cấp khẳng định khó xảy ra với Việt Nam, sự khẳng định này là dựa trên những dữ liệu kinh tế nội tại của Việt Nam chứ không phải là một sự "trấn an". Thế nhưng những thông tin về nguy cơ cuộc chiến thương mại toàn cầu mà tâm điểm là Mỹ - Trung, đến những câu chuyện nội tại dù dừng ở mức hoài nghi về một "bàn tay vô hình nào đó" đang chi phối các chỉ số là một sự ám ảnh không nhỏ cho các nhà đầu tư.

Bất chấp thông tin tích cực là MSCI có thể nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ thì thị trường vẫn giảm điểm, giảm rất mạnh ngày hôm nay. Cú sụt giảm về sát mốc 900 điểm của VN-Index có thể kích hoạt tâm lý đám đông bán tháo, và sau đó là một chuỗi phản ứng từ việc dừng bắt đáy, margin call hay force,...
Trong điều kiện thị trường hiện tại, mua đuổi giá xuống có thể là một chiến lược ưa thích với các mã cổ phiếu tốt đã giảm sâu, nhưng tiếc rằng không nhiều nhà đầu tư có thể tự tin làm điều này vì tâm lý "đánh nhanh thắng nhanh" vẫn là xu hướng chủ đạo của một Thị trường Chứng khoán Việt Nam sắp kỷ niệm 18 năm vận hành.

Nhìn lại diễn biến giao dịch phiên 3/7 có thể thấy tín hiệu tiêu cực đã sớm xuất hiện. Thị trường căng như dây đàn khi một mặt tâm lý nhà đầu tư tỏ rõ sự thận trọng cao độ khiến dòng tiền vào thị trường hết sức dè dặt, mặt khác áp lực bán lớn vẫn đang trực chờ. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt giảm mạnh, sự căng thẳng này nhanh bung vỡ và VN-Index bắt đầu lao dốc kể từ hơn nửa sau phiên sáng và kết phiên với mức giảm hơn 18 điểm.

Diễn biến tiêu cực này tiếp tục diễn ra trong phiên chiều khi ngay sau giờ nghỉ trưa, áp lực xả lại ồ ạt xuất hiện và dìm VN-Index xuống sâu hơn. Đà giảm giá rất mạnh này dường như đã kích hoạt trạng thái "call margin" khiến hàng chục cổ phiếu nằm sàn. Bảng điện tử rực lửa với số lượng mã giảm gấp gần 5 lần số mã tăng, trong khi sức mua hạn chế, VN-Index kết phiên 3/7 với mức giảm hơn 41 điểm - mạnh nhất trong hơn 2 tháng qua.

Đóng cửa, với 248 mã giảm (45 mã giảm sàn) và 63 mã tăng, VN-Index giảm 41,14 điểm (-4,34%) xuống 906,01 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 179,05 triệu đơn vị, giá trị 4.421,16 tỷ đồng, tăng 6,5% về khối lượng và 8,2% về giá trị so với phiên 2/7. Giao dịch thoả thuận đóng góp hơn 4,22 triệu đơn vị, giá trị 162,3 tỷ đồng.

Có thể nói, nhóm ngân hàng chính là "quả ngư lôi" đánh chìm VN-Index phiên này khi có tới 5 mã giảm sàn là TCB, VPB, CTG, BID, STB về tương ứng 81.800 đồng (-6,9%), 25.800 đồng (-6,9%), 21.500 đồng (-6,7%), 23.100 đồng (-6,7%), 10.600 đồng (-6,8%). Trong đó, CTG bị khối ngoại bán ròng tới hơn 3,1 triệu đơn vị.

Các mã MBB và HDB đều giảm hơn 5%. VCB dù được khối ngoại mua ròng hơn 1,1 triệu đơn vị, song vẫn giảm 3,6% về 56.000 đồng. EIB và TPB cũng hơn 3%.

Các cổ phiếu ngân hàng cũng là các mã có thanh khoản cao. CTG khớp 12,6 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HOSE. STB và MBB cùng khớp hơn 6,5 triệu đơn vị. Ngoại trừ TPB và EIB, các mã khác khớp từ 2-5 triệu đơn vị.

Cũng là tác nhân không nhỏ trong việc dìm thị trường là VIC-VHM khi cặp đôi này cũng đều giảm sàn về 99.700 đồng (-7%) và 103.600 đồng (-6,9%), trong đó VIC khớp 3,2 triệu đơn vị.

Trong nhóm bất động sản - xây dựng, ngoài các mã đầu ngành như VIC và VHM, nhiều mã khác cũng giảm sàn như HBC, DXG, DIG, LDG, PDR...

Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu dẫn dắt khác như chứng khoán (SSI, HCM...), dầu khí (GAS, PVD, PXL...), vật liệu xây dựng (HSG, HPG...) cũng đều giảm mạnh.

Tương tự, sắc đỏ cũng bao phủ các mã thị trường như FLC, HQC, SCR, HAG, HNG, ITA, KBC, HAI, FIT...

Tân binh YEG có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp về 276.000 đồng (-7%) song vẫn là mã có thị giá cao nhất thị trường.

Trong bối cảnh thị trường đỏ lửa, vẫn có những cái tên đi ngược thị trường như SBT tăng 1,7% lên 14.700 đồng, AAA tăng 0,3% lên 18.300 đồng... thậm chí tăng trần như CVT. SBT khớp 1,8 triệu đơn vị, AAA khớp 3,1 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sau những nỗ lực kéo chỉ số tăng điểm trong nửa đầu phiên sáng, tín hiệu xấu từ HOSE cũng kéo HNX chìm sâu từ nửa sau phiên sáng, cũng như toàn bộ phiên chiều. Chỉ số HNX-Index cũng kết phiên ở mức thấp nhất ngày, nhưng thanh khoản giảm khá mạnh.

Đóng cửa, với 126 mã giảm và 42 mã tăng, HNX-Index giảm 3,97 điểm (-3,86%) xuống 98,8 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 39,76 triệu đơn vị, giá trị gần 591 tỷ đồng, giảm 9,2% về khối lượng và 16,8% về giá trị so với phiên 2/7. Giao dịch thoả thuận đóng góp khiêm tốn với 1,7 triệu đơn vị, giá trị 28,4 tỷ đồng.

Tuy không giảm sàn, nhưng đa phần các cổ phiếu lớn trên sàn HNX đều giảm điểm mạnh như ACB giảm 6,9% về 31.000 đồng; SHB giảm 6,4% về 7.300 đồng; SHS giảm 8,3% về 11.800 đồng; NTP giảm 9,6% về 40.400 đồng; PVS giảm 4,2% về 16.000 đồng; PVI giảm 3,1% về 28.100 đồng...

Cũng như các cổ phiếu ngân hàng khác, mã NVB giảm 2,7% về 7.200 đồng.

SHB dẫn đầu thanh khoản sàn HNX với 7,7 triệu đơn vị được khớp. Đứng sau là ACB với 7,3 triệu đơn vị được sang tên. PVS khớp 2,8 triệu đơn vị, đứng thứ 3.

Ngược lại, VGC và VCS bất ngờ đi ngược thị trường với mức tăng gần 1% lên 20.900 đồng và 85.300 đồng, trong đó VGC khớp 2,46 triệu đơn vị, đứng thứ 4.

Các mã DST, PVX, KVC, NHP, DCS, SPI, HKB, VIG, PVL... cùng giảm sàn, trong đó DST khớp 1,3 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, chỉ số UPCoM-Index cũng chìm trong sắc đỏ kể từ nửa cuối phiên sáng đến khi kết phiên giao dịch. Tuy nhiên, chỉ số này ghi nhận sự hồi phục nhẹ trong cuối phiên, thanh khoản giảm nhẹ.

Đóng cửa, với 105 mã giảm và 63 mã tăng, UPCoM-Index giảm 0,86 điểm (-1,69%) xuống 49,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 9,55 triệu đơn vị, tương đương phiên 2/7; giá trị giao dịch 155 tỷ đồng, giảm 21% so với phiên 2/7. Giao dịch thoả thuận có thêm 4,9 triệu đơn vị, giá trị 140,5 tỷ đồng.

Trong Top 20 mã có thanh khoản từ 100.000 đơn vị trở lên, chỉ có 2 mã tăng là MPC và PXL, còn lại đều không tăng (trong đó có 5 mã đứng giá). Với "vua tôm" Minh Phú - MPC, phiên tăng này (đạt 39.800 đồng, +2,1%) cũng chấm dứt chuỗi 5 phiên không tăng liên tiếp.

BSR khớp lệnh 2 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản sàn UPCoM, tiếp đó là LPB và POW với lượng khớp 1,65 triệu và 1,19 triệu đơn vị.

Cả 3 mã này đều giảm, về tương ứng 16.900 đồng (-3,4%), 10.500 đồng (-4,5%) và 12.400 đồng (-3,1%).

Cũng như LPB, mã VIB giảm 3,8% về 25.000 đồng, trong khi BAB và KLB đứng giá tham chiếu là 22.000 đồng và 11.000 đồng.

Thị trường chứng khoán 6 tháng: Khối ngoại mua ròng hơn 40.500 tỷ đồng
Theo Ủy ban chứng khoán Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2018, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 40.539 tỷ đồng trên thị trường chứng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư