Trong phiên chiều, lực cầu hoạt động tích cực hơn, trong khi bên bán không còn đẩy mạnh bán hàng giá thấp giúp VN-Index hồi phục và đi thẳng lên trên mốc tham chiếu sau gần 40 phút giao dịch, với sự hồi phục của một số mã lớn như VHM, GAS, MSN, TCB. Tuy nhiên, nỗ lực để có phiên đảo chiều của VN-Index bất thành khi lực cầu chưa đủ mạnh, cùng với việc VIC đảo chiều khiến VN-Index nhanh chóng trở lại dưới tham chiếu và chấp nhận phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp, dù mức giảm ít hơn phiên hôm qua và điều quan trọng là ngưỡng hỗ trợ 977,4 điểm (MA50) vẫn đang thể hiện được vai trò hỗ trợ cứng của mình.
Cụ thể, chốt phiên, VN-Index giảm 1,73 điểm (-0,18%), xuống 977,63 điểm với 129 mã tăng, trong khi có 188 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 157,39 triệu đơn vị, giá trị 3.801,8 tỷ đồng, giảm 15,6% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 35,56 triệu đơn vị, giá trị 1.309,85 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 4/9 |
Trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường, diễn biến đã tích cực hơn so với phiên sáng. Trong đó, VHM sau khi lình xình và đóng cửa không đổi trong phiên sáng đã tăng vọt sau ít phút bước vào phiên chiều, xác lập mức đỉnh của ngày tại 89.200 đồng trước khi đóng cửa ở mức 89.000 đồng, tăng 1,6% với 0,86 triệu đơn vị.
Cổ phiếu MSN cũng tăng mạnh trong đầu phiên chiều xác lập mức đỉnh của ngày tại 75.500 đồng, trước khi đóng cửa ở mức 75.000 đồng, tăng 1,35% với 0,26 triệu đơn vị.
TCB cũng có diễn biến tương tự khi tăng mạnh đầu phiên chiều lên mức đỉnh của ngày 21.800 đồng, trước khi đóng cửa ở mức 21.700 đồng, tăng 1,4% với 1,99 triệu đơn vị được khớp, dù phiên sáng lình xình dưới tham chiếu.
Cũng có sắc xanh khi chốt phiên là GAS với mức tăng 0,6% lên 100.400 đồng với 0,24 triệu đơn vị được khớp.
Tuy nhiên, VIC lại đi theo chiều ngược lại khi tăng điểm hỗ trợ cho thị trường trong phiên sáng, nhưng sang phiên chiều lại đảo chiều giảm 0,49% xuống 122.400 đồng với 0,39 triệu đơn vị.
Trong khi đó, SAB giảm sâu 3,27% xuống 263.500 đồng, mức thấp nhất ngày với thanh khoản thấp. Các mã khác giảm giá như VNM, VCB, BID, VRE, nhưng mức giảm không lớn.
Trong Top 30 mã vốn hóa, số mã tăng cũng đã xuất hiện nhiều hơn so với phiên sáng, nhưng chỉ tăng dưới 1%, trong khi dù số mã giảm ít đi, nhưng biên độ giảm của một số mã lại được nới rộng, như HVN giảm 2,36% xuống 35.150 đồng, VPB giảm 2,46% xuống 19.800 đồng.
ROS thu hẹp đà giảm khi chỉ còn giảm 2,95% xuống 26.300 đồng với 11,33 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu HOSE về thanh khoản.
HPG cũng có giao dịch sôi động với 5,85 triệu đơn vị được khớp và đóng cửa giảm 0,23% xuống 21.600 đồng. Trong đó, khối ngoại bán ròng gần 2 triệu đơn vị.
FLC đứng tiếp theo về thanh khoản với gần 4,2 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa giảm 1,61% xuống 3.670 đồng.
Các mã ITA, DLG, SCR, MBB có thanh khoản trên 3 triệu đơn vị, trong đó chỉ có MBB đóng cửa với sắc xanh nhạt.
Trong khi đó, sàn HNX không có cơ hội bật dậy, mà chỉ giằng co nhẹ quanh mức giá đóng cửa cuẩ phiên sáng.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,46 điểm (-0,45%), xuống 100,95 điểm với 47 mã tăng và 89 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,67 triệu đơn vị, giá trị 513 tỷ đồng, tăng 4,4% về khối lượng và 24% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,9 triệu đơn vị, giá trị 184,4 tỷ đồng.
Trong Top 10 mã vốn hóa, dù số sắc xanh cũng xuất hiện nhiều hơn so với phiên sáng và ưu chiếm với, nhưng do 2 mã có vốn hóa lớn nhất thị trường là ACB và VCS giảm nên HNX-Index không có cơ hội đảo chiều.
Trong đó, ACB giảm 0,45% xuống 22.000 đồng với 0,37 triệu đơn vị được khớp, còn VCS giảm mạnh tới 6,17% xuống 82.100 đồng với 0,86 triệu đơn vị được khớp.
Các mã tăng là VCG, PVS, PVI, SHB, trong đó SHB tăng mạnh nhất 1,61% lên 6.300 đồng với 2 triệu đơn vị được khớp. Các mã còn lại tăng dưới 1%.
Mã có thanh khoản tốt nhất vẫn là CEO với 3,2 triệu đơn vị và cũng đứng giá tham chiếu 9.900 đồng như phiên sáng.
Ngoài 2 mã trên, sàn HNX hôm nay chỉ có thêm 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là PVS, NVB và HUT, trong đó PVS và HUT tăng giá, còn NVB đứng giá tham chiếu.
Trên UPCoM, dù nỗ lực, nhưng chỉ số chính của sàn này cũng chỉ lấy lại được chút ít điểm đã mất.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,21 điểm (-0,36%), xuống 57,1 điểm với 62 mã tăng và 113 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21 triệu đơn vị, giá trị 487 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,45 triệu đơn vị, giá trị 153,8 tỷ đồng.
Trên thị trường này chỉ có 2 mã có thanh khoản đến 1 triệu đơn vị là GVR và VGI với 1,68 triệu đơn vị và 1,14 triệu đơn vị. Cả 2 đều đóng cửa trong sắc đỏ với GVR giảm 0,68% xuống 14.500 đồng, VGI giảm 4,27% xuống 33.600 đồng.
Trong các mã đáng chú ý khác, chỉ có OIL và VGT về lại được giá tham chiếu, còn lại vẫn đóng cửa trong sắc đỏ như ACV, BSR, CTR, VIB, GEG, VBB, SDI, MSR, MCH.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, dù VN30 giảm 0,21%, nhưng các mã hợp đồng tương lai VN30 đều tăng khá tốt, trong đó tăng mạnh nhất là VN30F1912 với mức tăng 0,45% lên 887,5 điểm. Tiếp đến là VN30F1909 đáo hạn ngày 19/9 với mức tăng 0,44% lên 887 điểm với 54.121 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 19.246 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, có 6 mã tăng, 1 mã đứng giá và 9 mã giảm giá. Trong đó, có thanh khoản tốt nhất là CHPG1901 với 297.840 đơn vị. Tiếp đến là CFPT1901 với 275.390 đơn vị, CMBB1901 với 247.630 đơn vị, CMBB1902 với 227.510 đơn vị.