Sau phiên bứt phá mạnh hôm qua, thị trường đã chịu những nhịp rung lắc mạnh do áp lực bán gia tăng. Chỉ số VN-Index liên tục lên xuống quanh mốc tham chiếu, thậm chí có thời điểm đe dọa mốc 970 điểm. Tuy nhiên, thị trường đã may mắn lấy lại sắc xanh ở cuối phiên nhờ lực đỡ đến từ một số cổ phiếu bluechip, với tâm điểm chính là VRE.

Với biên độ tăng khá hẹp khiến thị trường tiếp tục trải qua những nhịp rung lắc và liên tục đổi sắc. Sau hơn 90 phút lình xình quanh mốc tham chiếu, VN-Index bật ngược đi lên trong đợt khớp ATC và đã kết phiên tại mức cao nhất ngày, chính thức chinh phục thành công thử thách 975 điểm.

Nếu trong phiên sáng, họ nhà Vin chỉ duy nhất VRE đơn phương độc mã thì sang phiên chiều, sự đồng thuận của nhóm này là trụ đỡ chính dẫn dắt đà tăng cho thị trường. Cụ thể, VIC hồi nhẹ khi tăng 0,2% lên 116.700 đồng/CP, VHM đảo chiều tăng 1,2% lên mức cao nhất ngày 86.000 đồng/CP, đáng kể, VRE tiếp tục nới rộng biên độ với mức tăng 2,9% và cũng đã xác lập mức giá cao nhất ngày 35.750 đồng/CP.

Bên cạnh đó, VNM đã lấy lại được mốc tham chiếu, VCB đảo chiều hồi nhẹ, cùng sắc xanh ở các mã GAS, NVL, SAB, BVH, PLX… đã hỗ trợ giúp thị trường phá vỡ vùng cản mới.

Trái lại, ROS vẫn chưa thoát khỏi sự điều chỉnh khi giảm 1,5% và kết phiên tại mức giá 29.350 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn đạt 11,11 triệu cổ phiếu.

Với sự phân tích tích cực cùng khuyến nghị mua vào của CTCK Stanley Brothers (SBSI), cổ phiếu AAA đã có phiên giao dịch khởi sắc. Kết phiên, AAA tăng 2,1% lên mức 19.050 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 5,77 triệu đơn vị, chỉ đứng sau ROS về thanh khoản sàn HOSE.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, SJF vẫn duy trì sức nóng khi bảo toàn mức giá trần 3.730 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 2,48 triệu đơn vị và dư mua trần 565.330 cổ phiếu. Hay cổ phiếu tí hon TDG cũng bất ngờ được kéo trần với mức dư mua trần đạt 204.770 cổ phiếu.

Đóng cửa, sàn HOSE khá cân bằng với 152 mã tăng và 155 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 2,3 điểm (+0,24%) lên 975,34 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 137,92 triệu đơn vị, giá trị 3.416,06 tỷ đồng, giảm 27,37% về lượng và 22,1% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 20,73 triệu đơn vị, giá trị 704,19 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 5/7
Diễn biến VN-Index phiên 5/7

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng giữa phiên khiến HNX-Index rung lắc và quay đầu điều chỉnh, tuy nhiên chỉ số này đã hồi phục về cuối phiên.

Kết phiên, HNX-Index tăng nhẹ 0,04 điểm (+0,04%) lên 104,38 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 16,27 triệu đơn vị, giá trị 219,48 tỷ đồng, giảm 34,32% về lượng và 31,84% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 7,13 triệu đơn vị, giá trị 67,58 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu họ P giao dịch kém tích cực khi hầu hết đều giảm nhẹ như PVS, PVC, PVI, hay đứng giá tham chiếu như PVB, PGS, PLC.

Ở bộ 3 cổ phiếu ngân hàng là ACB, SHB và NVB cũng đều quay về mốc tham chiếu sau nhịp tăng nhẹ trong phiên sáng.

Trong khi đó, ở top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, VCS vẫn là tiêu điểm khi giữ mức tăng khá tốt 3,2% và đóng cửa tại 68.000 đồng/CP.

Dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX vẫn là SHB với khối lượng khớp 2,32 triệu đơn vị. Tiếp theo đó là PVS khớp 1,56 triệu đơn vị và TNG khớp 1,28 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sau hơn 30 phút lình xình đi ngang đã bật cao.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,82 điểm (+1,48%) lên 56,38 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 12,94 triệu đơn vị, giá trị 139,61 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 4,77 triệu đơn vị, giá trị 45,19 tỷ đồng.

Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường UPCoM, GVR đã có phiên giao dịch tích cực khi tăng mạnh 4,6% lên 13.600 đồng/CP với khối lượng giao dịch lớn nhất đạt 1,33 triệu đơn vị.

Ngoài GVR, thị trường còn nhận lực đỡ từ một số mã lớn khác như VGI tăng 2,2% lên 27.400 đồng/CP, MSR tăng 2,2% lên 18.800 đồng/CP…

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng phái sinh trái phiếu chính phủ với các mã hợp đồng GB05F1909 (đáo hạn ngày 13/9/2019), GB05F1912  (đáo hạn ngày 13/12/2019) và GB05F2003 (đáo hạn ngày 13/3/2020) đều được giao dịch 5 hợp đồng. .

Với sản phẩm phái sinh VN30, cả 4 hợp đồng đều giảm trong phiên này, trong đó VN30F1907 (đáo hạn ngày 18/7) giảm 3,5% xuống 882,5 điểm, VN30F1908 (đáo hạn 15/8) giảm 1,4% xuống 886,2 điểm, VN30F1909 (đáo hạn 19/9) giảm 1,9% lên 889,1 điểm và VN30F1912 (đáo hạn 19/12) tgiảm 0,7% xuống 890,6 điểm.

Về thanh khoản, VN30F1907 là hợp đồng có thanh khoản tốt nhất với 99.465 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 27.750 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, chỉ có 2 mã là CMBB1901 và CMBB1902 giữ được sắc xanh; còn lại 8 chứng quyền đều giảm giá.

Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất vẫn là CHPG1902 với 478.970 đơn vị được chuyển nhượng, và tiếp tục bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 206.650 đơn vị. Cũng bị khối ngoại bán ròng mạnh là CVNM1901 với 150.430 đơn vị, trong tổng khớp 304.630 đơn vị.