Ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, áp lực xả hàng đã gia tăng mạnh, khiến đà giảm của VN-Index tăng lên nhanh chóng, có lúc chỉ số giảm hơn 12 điểm, thủng mốc 940 điểm. Tuy nhiên, tại mức đáy này, lực cầu bắt đáy gia tăng, kéo VN-Index theo chiều thẳng đứng, nhưng cũng chỉ đủ sức kéo VN-Index trở lại mức điểm của phiên sáng, chứ không thể giúp chỉ số thoát khỏi phiên giảm điểm.

Đóng cửa, với 110 mã tăng và 163 mã giảm, VN-Index giảm 3,2 điểm (-0,34%) xuống 948,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 125,89 triệu đơn vị, giá trị 3.146,16 tỷ đồng, giảm 4% về khối lượng, nhưng tăng 17% về giá trị so với phiên 5/6.

Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 25 triệu đơn vị, giá trị gần 939 tỷ đồng. Đáng chú ý có các thỏa thuận của 2,4 triệu cổ phiếu VNM, giá trị 303,8 tỷ đồng; 3,4 triệu cổ phiếu SBT, giá trị 59,5 tỷ đồng...

Diễn biến VN-Index phiên 6/6
Diễn biến VN-Index phiên 6/6

Sức cầu tốt ở nhóm bluechips giúp nhiều mã trong nhóm này hồi phục, qua đó hạn chế đà giảm của VN-Index, có thể kể tới như CTG, TCB, VPB, EIB, VRE, MSN, FPT, DHG..., trong đó FPT +2,1% lên 44.500 đồng, EIB +3,4% lên 18.350 đồng; CTG +1% lên 20.300 đồng...

Các mã VIC, SAB, VJC, PNJ, CTD, REE... cũng về được tham chiếu. GAS -2,2% về 99.800 đồng, HPG -4,6% về 22.700 đồng; HVN -1,2% về 41.500 đồng, VNm -0,8% về 126.500 đồng... là các mã tạo sức ép nhiều nhất lên chỉ số.

Về thanh khoản, ROS dẫn đầu sàn HOSE với 12,64 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 0,2% về 30.050 đồng. Tiếp đó là HPG với 7,08 triệu đơn vị. Trong nhóm cổ phiếu khớp lệnh cao nhất, lượng khớp của 2 mã này vượt khá xa so với nhóm còn lại phổ biến từ 1-3,8 triệu đơn vị, nhưng có điểm chung là hầu hết giảm điểm.

SRC tiếp tục đi ngược thị trường với sắc tím sau thông tin liên quan đến đấu giá cổ phần. Đây cũng là phiên tăng trần thứ 2 của mã này, đạt 28.600 đồng, khớp lệnh 0,35 triệu đơn vị. Tính từ đầu năm đến nay, thị giá cổ phiếu này đã tăng hơn gấp đôi.

Một số mã khác cũng đạt sắc tím như TRC, TIP, KSH...

Trên sàn HNX, chỉ số sàn này giao dịch trong sắc đỏ trong suốt phiên giao dịch trước áp lực bán trên diện rộng, sức cầu hạn chế nhưng thanh khoản vẫn cải thiện nhẹ.

Đóng cửa, với 43 mã tăng và 74 mã giảm, HNX-Index giảm 0,51 điểm (-0,49%) xuống 103,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,18 triệu đơn vị, giá trị 253 tỷ đồng, tăng 4% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên 5/6. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn gần 3 triệu đơn vị, giá trị 32,4 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu bluechips, có khá nhiều mã tăng như PVS (+0,5% lên 21.700 đồng), NVB (+1,3% lên 8.100 đồng), DBC (+9,5% lên 22.000 đồng), SHS (+0,9% lên 11.300 đồng)..., nhưng chưa đủ bù cho các mã giảm như ACB (-1,4% về 28.500 đồng), VCG (-1,5% về 26.200 đồng), PVI (-2,2% về 35.300 đồng), PHP (-1,9% về 10.300 đồng), CEO (-1,8% về 11.100 đồng)...

Toàn sàn chỉ có 3 mã khớp lệnh từ 1 triệu đơn vị, trong đó dẫn đầu là PVS với 2,19 triệu đơn vị, HUT và MPT cùng khớp trên 1,1 triệu đơn vị và đều giảm điểm.

Trên sàn UPCoM, diễn biến cũng tương tự như trên HNX khi thời gian giao dịch hầu hết là dưới tham chiếu, sức cầu yếu.

Đóng cửa, với 82 mã tăng và 71 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,11 điểm (-0,02%) về 54,43 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 9,73 triệu đơn vị, giá trị tỷ đồng, giảm 27% về khối lượng và 25% về giá trị so với phiên 5/6. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,2 triệu đơn vị, giá trị 24,7 tỷ đồng.

GVR, VGG, SEA, KLP... là số ít mã lớn còn tăng điểm, trong khi giảm điểm chiếm ưu thế như QNS, VGT, LPB, VEA, DVN, MPC...

OIL, BSR đều đứng giá tham chiếu, trong đó BSR khớp 1,25 triệu dẫn đầu sàn cũng là mã duy nhất đạt lượng khớp từ 1 triệu đơn vị trở lên.

Đáng chú ý, nhiều mã thủy điện tăng giá như QTP, BSA, HND...