Trong phiên sáng, diễn biến thị trường giống với phiên trước đó khi giằng co nhẹ quanh tham chiếu do nhà đầu tư cả bên bán và bên mua đều có tâm lý thận trọng. Giao dịch diễn ra chậm và biên độ dao động giá của đa số các mã không lớn.

Sang phiên chiều, lực bán gia tăng khiến VN-Index đảo chiều mất điểm, có lúc xuống thử thách ngưỡng 915 điểm. Tuy nhiên, ở ngưỡng hỗ trợ này, lực cung giá thấp đã được tiết giảm, trong khi lực cầu tại một số mã lớn tương đối tốt giúp VN-Index bật trở lại, nhưng vẫn giữ sắc đỏ khi hết đợt khớp lệnh liên tục.

Trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), với đà tăng tốt tại VHM, VNM, cùng một số mã ngân hàng và sự trở lại của VIC đã giúp VN-Index thoát khỏi phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp trong gang tấc.

Chốt phiên hôm nay (7/11), VN-Index tăng nhẹ 0,11 điểm (+0,01%), lên 922,16 điểm với 109 mã tăng, trong khi có tới 167 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 143 triệu đơn vị, giá trị 3.163,2 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên trước đó. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,3 triệu đơn vị, giá trị 551 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 7/11
Diễn biến VN-Index phiên 7/11

Như đã đề cập, việc VN-Index đảo chiều thoát hiểm trong ít phút cuối phiên hôm nay nhờ sự hỗ trợ của một số mã lớn. Trong Top 10 mã vốn hóa lớn, chỉ có VCB và GAS giảm nhẹ, cùng CTG đứng giá tham chiếu, còn lại đều tăng giá. Cụ thể, VIC tăng 0,21% lên 96.000 đồng, VHM tăng 0,97% lên 72.700 đồng, VNM tăng 1,53% lên 119.500 đồng, VCB giảm 0,54% xuống 55.500 đồng, GAS giảm 2,06% xuống 99.800 đồng, SAB tăng 0,76% lên 225.000 đồng, BID tăng 1,41% lên 32.450 đồng, MSN tăng 0,83% lên 84.700 đồng, TCB tăng 0,19% lên 27.000 đồng.

Ngoài ra, trong nhóm ngân hàng còn có sắc xanh đáng chú ý tại STB với mức tăng 3,67% lên 12.700 đồng, khớp 11,33 triệu đơn vị, lớn nhất thị trường. HDB cũng tăng 1,07% lên 33.200 đồng.

Trong nhóm cổ phiếu nhỏ, FLC và OGC có giao dịch khá sôi động với hơn 5,5 triệu đơn vị được khớp và đóng cửa trong sắc xanh, trong đó FLC tăng 4,24% lên 5.410 đồng và OGC tăng 2,63% lên 3.120 đồng.

Tân binh FIR đã dừng lại chuỗi phiên tăng trần liên tiếp kể từ ngày chào sàn ở con số 14 khi áp lực chốt lời hôm nay khá mạnh. Tuy nhiên, dù không giữ được sắc tím, nhưng FIR vẫn có mức tăng mà nhiều mã khác mơ ước. Cụ thể, chốt phiên, FIR tăng 6,83%, lên 36.750 đồng với 358.700 đơn vị được khớp, lớn nhất kể từ ngày chào sàn.

Trên HNX, diễn biến cũng khá giống HOSE khi lực cung gia tăng ngay đầu phiên chiều đẩy HNX-Index xuống dưới tham chiếu và lùi xuống dưới 103,7 điểm trước khi bật trở lại. Tuy nhiên, không may mắn như VN-Index, HNX-Index không nhận được sự trợ giúp của nhóm vốn hóa lớn nên không thể thoát khỏi sắc đỏ.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,36 điểm (-0,34%), xuống 104,2 điểm với 59 mã tăng và 72 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 30,56 triệu đơn vị, giá trị 423 tỷ đồng, giảm 17% về khối lượng và 16% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,4 triệu đơn vị, giá trị 16,3 tỷ đồng.

Hôm nay là phiên thứ 3 sàn HNX áp dụng lệnh PLO – cho nhà đầu tư đặt lệnh giao dịch sau khi thị trường đóng cửa phiên ATC (mức giá giao dịch ở mức đóng cửa của cổ phiếu đó), nhưng thanh khoản không cải thiện.

Như đã đề cập, sàn HNX không thể đảo chiều thanh công do không nhận được sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu lớn. Cụ thể, ACB giảm 0,34% xuống 29.300 đồng với 2,9 triệu đơn vị khớp; VCS giảm 4,18% xuống 75.700 đồng; PVS giảm 0,53% xuống 18.800 đồng với 3,8 triệu đơn vị khớp, dẫn đầu sàn HNX. SHB, PVI và PHP đứng ở mức giá tham chiếu. May mắn hơn, VCG tăng 0,53% lên 19.100 đồng, VGC tăng 0,63% lên 16.100 đồng, NTP tăng 1,97% lên 41.500 đồng.

Trên UPCoM, diễn biến cũng giống sàn HNX khi bị đẩy mạnh ngay khi bước vào phiên chiều và dù nỗ lực, nhưng không thể đảo chiều thành công.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,13%) xuống 51,57 điểm với 73 mã tăng và 55 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 10 triệu đơn vị, giá trị 171 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,55 triệu đơn vị, giá trị 34 tỷ đồng.

Hôm nay, sàn UPCoM không có mã nào được khớp đến 1 triệu đơn vị, 5 mã thanh khoản tốt nhất là BSR, VGT, GV, IDC và MPC từ hơn 0,5 triệu đến gần 1 triệu đơn vị, chỉ duy nhất MPC đóng cửa với sắc xanh nhạt (tăng 1,05%, lên 48.000 đồng), còn lại đều đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng mức giảm không lớn.

Trên thị trường phái sinh, hôm nay chỉ có hợp đồng VN30F1811 đáo hạn 15/11 tăng nhẹ 0,09% lên 894,8 điểm với 162.816 lượt hợp đồng được chuyển nhượng. Ngoài ra, hợp đồng này còn khối lượng mở 17.244 hợp đồng. Các loại hợp đồng khác giảm nhẹ với thanh khoản không cao.