Không nằm ngoài nhận định của giới phân tích, thị trường vẫn giao dịch khá buồn tẻ khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới do tâm lý nhà đầu tư thận trọng.

Mặc dù dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài quan sát khiến thị trường có những nhịp rung lắc khi áp lực bán gia tăng, nhưng diễn biến tích cực ở nhóm cổ phiếu dầu khí cùng một số mã lớn đã kéo VN-Index đi lên, đứng vững trên mốc 990 điểm khi chốt phiên.

Sang phiên chiều, sau gần 1 giờ giao dịch thăm dò lình xình đi ngang, lực cầu gia tăng mạnh ở một số trụ đỡ đã tiếp sức giúp thị trường tăng vọt. Tuy chưa thể tiếp cận ngưỡng kháng cự mạnh 1.000 điểm do dòng tiền thiếu sôi động nhưng thị trường đã có phiên giao dịch khởi sắc và chỉ số VN-Index cũng đóng cửa tại mức cao nhất ngày.

Một trong những tác nhân chính giúp VN-Index tăng vọt là VHM. Cổ phiếu này đã đi ngan trong gần hết phiên giao dịch và dựng thẳng đứng trong nửa cuối phiên chiều. Kết phiên, VHM tăng 2,2% lên mức giá cao nhất 94.600 đồng/CP.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng hỗ trợ tích cực khi hầu hết đều nới rộng đà tăng và giao dịch sôi động trong phiên chiều. Cụ thể, GAS tăng 3,1% lên mức cao nhất ngày 107.000 đồng/CP và khớp 0,89 triệu đơn vị, PLX tăng 2% lên 62.600 đồng/CP và khớp 1,41 triệu đơn vị, POW tăng 1% lên 15.550 đồng/CP với khối lượng khớp 2,36 triệu đơn vị, PVD tăng 4,1% lên 20.300 đồng/CP và khớp gần 5,7 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, sắc xanh ở các mã lớn cũng được tô đậm hơn, điển hình là VCB tăng 2,3% lên mức giá cao nhất ngày 69.700 đồng/CP, CTG tăng 1,8% lên 22.300 đồng/CP; BID, MBB cũng tiến bước; trong khi đó, TCB, HDB, VPB vẫn giao dịch dưới mốc tham chiếu. Thanh khoản ở nhóm bank cũng cải thiện với các mã hầu hết đều có lượng khớp một vài triệu đơn vị.

Ngoài ra, các bluechip khác như VNM, VIC, SAB, BVH, NVL… cũng đều kết phiên tăng nhẹ.

Ở nhóm cổ phiếu đáng quan tâm, theo thông tin vừa được ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường Xanh An Phát tiết lộ riêng trong quý I/2019, lợi nhuận trước thuế lên tới 270 tỷ đồng, vượt cả năm 2018 (253 tỷ đồng), cổ phiếu AAA đã có màn tăng ngoạn mục dù mở cửa trong sắc đỏ.

Đóng cửa, AAA được kéo lên kịch trần 18.900 đồng/CP, với mức tăng 6,8% và là cổ phiếu có thanh khoản lớn nhất thị trường, đạt gần 9,6 triệu đơn vị.

Trái lại, YEG tiếp tục lao dốc mạnh, ngắt quãng sau 5 phiên tăng mạnh với mức giảm 5,7% và đóng cửa tại mức giá 115.000 đồng/CP, thậm chí có thời điểm rơi xuống sát giá sàn.

Trong nhóm cổ phiếu thị trường, nhiều mã quen thuộc cũng tăng kịch trần với lượng dư mua trần khá lớn trong khi bên bán trắng sàn như QCG, TSC, SGT, HOT hay trường hợp quen thuộc trong nhiều phiên gần đây tại VHG, PPI.

Đóng cửa, sàn HOSE có 148 mã tăng và 128 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 8,3 điểm (+0,84%) lên 997,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 163,69 triệu đơn vị, giá trị 3.429,2 tỷ đồng, giảm 13,52% về lượng và 11,73% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, diao dịch thỏa thuận đạt 16,73 triệu đơn vị, giá trị 519,6 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 8/4
Diễn biến VN-Index phiên 8/4

Diễn biến trên sàn HNX cũng khá tương tự khi chỉ số HNX-Index cũng được kéo tăng vọt và đóng cửa tại mức cao nhất ngày.

Cụ thể, HNX-Index tăng 1,05 điểm (+0,98%) lên 108,93 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 35,42 triệu đơn vị, giá trị 557,64 tỷ đồng, tăng 28,43% về lượng và 56,67% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đạt 4,38 triệu đơn vị, giá trị gần 87,5 tỷ đồng.

ACB vừa công bố tài liệu ĐHCĐ thường niên với các mục tiêu kinh doanh năm 2019 được đưa ra đạt 7.279 tỷ đồng lợi nhuận và chia cổ tức 30%, ngoài ra, Ngân hàng dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua phương án bán cổ phiếu quỹ để thưởng cho nhân viên. Những thông tin này đã hỗ trợ tốt giúp cổ phiếu ACB tiếp tục nới rộng đà tăng trong phiên chiều. Kết phiên, ACB tăng 2% lên 30.800 đồng/CP và khớp 2,22 triệu đơn vị.

Trong khi đó, người anh em SHB cũng tiến bước khi tăng 2,7% lên 7.700 đồng/CP và khớp 2,86 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu dầu khí trên sàn HNX vẫn tiếp tục tỏa sáng, trong đó tâm điểm là PVS được kéo lên mức giá cao nhất ngày 23.500 đồng/CP, với mức tăng 4,9% và đã chuyển nhượng thành công hơn 8 triệu đơn vị, là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HNX và cũng là mã được mua ròng mạnh nhất trên sàn này, đạt hơn 1,7 triệu đơn vị.

Trái lại, VCG đảo chiều giảm 1,1% xuống 27.200 đồng/CP, VGC giảm 3% xuống 19.600 đồng/CP, VCS cũng chịu áp lực bán chốt lời và giảm 1,8% xuống 69.500 đồng/CP…

Trên UPCoM, giao dịch vẫn thiếu tích cực, sắc đỏ duy trì đến hết phiên.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,29%) xuống 56,76 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 12,12 triệu đơn vị, giá trị 214,87 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,38 triệu đơn vị, giá trị 15,41 tỷ đồng.

Cổ phiếu C4G là một trong những điểm sáng với mức tăng khá ấn tượng cùng giao dịch sôi động. Kết phiên, C4G tăng 7,2% lên mức cao nhất ngày 11.900 đồng/CP và khối lượng giao dịch lớn nhất thị trường, đạt hơn 1,59 triệu đơn vị.

Trong khi đó, BSR có khối lượng giao dịch 1,53 triệu đơn vị và đóng cửa tại mức giá 13.300 đồng/CP, tăng 2,3%.

Trái lại, một số mã lớn vẫn đóng vai trò lực cản thị trường như MCH giảm 1% xuống 97.500 đồng/CP, MSR giảm 0,9% xuống 21.000 đồng/CP, VEA giảm 4,3% xuống 48.500 đồng/CP, GVR giảm 1,6% xuống 12.100 đồng/CP…