Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 26 tháng 12 năm 2024,
Phiên 8/7: VN-Index "bay" gần 9 điểm
 
Áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường tiếp tục chìm sâu, đặc biệt chỉ số VN-Index suýt chút nữa để mất mốc 965 điểm với gánh nặng chính là cặp đôi VHM và VNM.
Diễn biến VN-Index phiên ngày 8/7
Diễn biến VN-Index phiên ngày 8/7

Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, thị trường đã nhanh chóng quay đầu sau tuần tăng mạnh đầu tháng 7. Áp lực bán xuất hiện ngay từ đầu phiên và tăng dần về cuối phiên đã khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Bên cạnh sàn niêm yết HNX và thị trường UPCoM cùng lùi sâu hơn về dưới mốc tham chiếu, nhóm cổ phiếu bluechip là tội đồ chính đẩy VN-Index giảm sâu hơn và chia tay mốc 970 điểm trong phiên sáng đầu tuần.

Bước sang phiên giao dịch chiều, sau khi nỗ lực cứu vãn ngưỡng kháng cự trên bất thành, bên nắm giữ dường như mất kiên nhẫn đã tung ra lượng hàng lớn đã nhấn chìm thị trường giảm sâu. Sau gần 1 giờ giao dịch, chỉ số VN-Index để mất hơn 11 điểm và tiếp thủng thủng mốc 965 điểm.

Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy nhập cuộc tích cực đã giúp thị trường bật ngược trở lại. Sự thiếu vắng của dòng tiền mạnh cùng lực bán vẫn khá lớn khiến thị trường khó lên cao và VN-Index đã may mắn dành lại được ngưỡng hỗ trợ 965 điểm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 189 mã giảm và 108 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 8,99 điểm (-0,92%) xuống 966,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 165,88 triệu đơn vị, giá trị 3.482 tỷ đồng, tăng 20,27% về lượng và 1,93% về giá trị so với phiên cuối tuần trước.  Giao dịch thỏa thuận đạt 46,82 triệu đơn vị, giá trị 797,77 tỷ đồng, riêng NKG thỏa thuận 19 triệu cổ phiếu, giá trị 110,77 tỷ đồng.

Sau 6 phiên giao dịch khởi sắc, tiếp sức tốt cho thị trường bật cao, cổ phiếu VHM đã bị bán mạnh trong phiên hôm nay, là một trong những nhân tố chính đẩy thị trường giảm sâu. Kết phiên, VHM giảm 3,5% xuống mức thấp nhất ngày 83.000 đồng/CP.

Trong khi đó, 2 người anh em còn lại trong gia đình Vin chỉ biến động nhẹ và trái chiều nhau với VIC giảm 0,6% xuống 116.000 đồng/Cp, còn VRE vẫn nhích nhẹ 0,1% lên 35.800 đồng/CP.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vua sau khi le lói sáng trong tuần đầu tháng 7 cũng đã chịu sức ép mạnh khi đồng loạt quay đầu đi xuống với VCB giảm 1,8% xuống 71.300 đồng/CP, TCB giảm 2,1% xuống 20.900 đồng/CP, MBB giảm gần 1% xuống 21.100 đồng/CP, CTG giảm 1,2% xuống 20.900 đồng/CP, BID, HDB…

“Ông lớn” VNM cũng gia tăng gánh nặng khi tiếp tục lùi sâu hơn với mức giảm 1,6% và kết phiên tại mức giá 124.200 đồng/CP. Ngoài ra, các mã lớn khác như GAS, MSN, PLX, MWG, HPG… cũng đều giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Trái với diễn biến thiếu tích cực ở hầu hết các cổ phiếu trong nhóm bluechip, ROS hồi phục thành công nhờ lực cầu tăng mạnh. Đóng cửa, ROS tăng nhẹ 0,2% lên 29.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 8,65 triệu cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu thị trường có phần khởi sắc hơn với HAG tăng 1,1% lên 5.490 đồng/CP và khớp gần 6,55 triệu đơn vị, FLC và KBC cùng đảo chiều tăng nhẹ 0,5% với khối lượng khớp lệnh vài ba triệu đơn vị, HNG tăng 4,6% lên 18.700 đồng/CP và khớp 1,56 triệu đơn vị…

SJF bảo toàn sắc tím khi kết phiên tại mức giá 3.990 đồng/CP và khớp lệnh 1,33 triệu đơn vị, cùng lượng dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị. Ngoài ra, nhiều mã nhỏ khác như CCL, TDG, DAH, QBS… cũng kết phiên tại mức giá trần.

Trên sàn HNX, sắc đỏ duy trì trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,57 điểm (-0,54%) xuống 103,81 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 14,77 triệu đơn vị, giá trị 241,18 tỷ đồng, giảm 9,22% về lượng nhưng tăng 9,89% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 1,5 triệu đơn vị, giá trị 38,21 tỷ đồng.

Bên cạnh các mã như VCG, VCS, BVS, CEO đã lấy lại được mốc tham chiếu thì một số cổ phiếu lớn khác lại nới rộng biên độ như ACB giảm 0,7% xuống 29.000 đồng/CP, PVI giảm 2,7% xuống 36.300 đồng/CP, PVB giảm 1,1% xuống 18.600 đồng/CP, TNG giảm 2,3% xuống 21.400 đồng/CP, DHT giảm 1,7% xuống 34.400 đồng/CP…

Cổ phiếu PVS rung lắc và cũng đảo chiều điều chỉnh nhẹ 0,4% xuống 23.300 đồng/CP và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất sàn HNX với hơn 2,7 triệu cổ phiếu được khớp lệnh thành công.

Tiếp theo đó là TNG khớp gần 1,7 triệu cổ phiếu, NDN khớp 870.100 cổ phiếu, SHB khớp 766.800 cổ phiếu…

Sắc tím vẫn chủ yếu ở các mã vừa và nhỏ như DPS, KSQ, PTS, MCO, MBG, CMS…

Trên UPCoM, thị trường không có nhiều biến động và gần như đi ngang suốt cả phiên chiều.

Kết phiên, UPCoM-Index giảm 0,7 điểm (-1,24%) xuống 55,68 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 7,97 triệu đơn vị, giá trị 127,24 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 407.430 đơn vị, giá trị 10,12 tỷ đồng.

Cổ phiếu GVR vẫn dẫn đầu thanh khoản với khối lượng giao dịch đạt 916.900 đơn vị và đóng cửa tại mức giá 13.100 đồng/Cp, giảm 2,24%.

Bên cạnh đó, các mã lớn khác cũng nới rộng biên độ giảm hơn như ACV giảm 2,3% xuống 81.700 đồng/CP, VTP giảm 2% xuống 135.500 đồng/CP, BCM giảm 1,2% xuống 24.000 đồng/CP, VGI giảm 1,1% xuống 27.000 đồng/CP, VGT giảm 1,8% xuống 10.700 đồng/CP…

Với sản phẩm phái sinh VN30, cả 4 hợp đồng đều giảm trong phiên này, trong đó VN30F1907 (đáo hạn ngày 18/7) giảm 1,02% xuống 873,5 điểm, VN30F1908 (đáo hạn 15/8) giảm 0,81% xuống 879 điểm, VN30F1909 (đáo hạn 19/9) giảm 0,78% xuống 882,2 điểm và VN30F1912 (đáo hạn 19/12) giảm 0,63% xuống 885 điểm.

Về thanh khoản, VN30F1907 là hợp đồng có thanh khoản tốt nhất với 102.246 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 28.447 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, cả 10 chứng quyền đều giảm giá, trong đó, CHPG1903 giảm mạnh nhất 13,61% về mức 1.310 đồng/CQ.

Chứng quyền CVNM1901 dẫn đầu thanh khoản với 654.760 đơn vị được chuyển nhượng và đóng cửa tại mức giá 1.200 đồng/CQ và tiếp tục bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 103.580 đơn vị. Cũng bị khối ngoại bán ròng mạnh là CHPG1902 với 145.040 đơn vị.

Thị trường chứng khoán: Áp dụng chiến lược "Mua cận dưới, bán cận trên"
Các nhóm ngành dẫn dắt vẫn chưa tạo được sự kỳ vọng cao về khả năng tích cực trở lại, nên các chỉ số chung sẽ còn những nhịp rung lắc....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư