Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Phiên 9/8: Tâm lý nhà đầu tư hoảng loạn, VN-Index giảm mạnh nhất trong gần 2 năm
 
Tâm lý hoảng loạn khiến thị trường lao dốc mạnh trong phiên 9/8, trong đó đáng chú ý là BID bị bán tháo mạnh và rơi xuống mức sàn khi chốt phiên, góp phần khiến VN-Index có phiên giảm mạnh nhất gần 2 năm.
Diễn biến VN-Index phiên ngày 9/8
Diễn biến VN-Index phiên ngày 9/8

Mặc dù dòng tiền vẫn chảy mạnh nhưng tâm lý hoảng loạn sau phiên lao dốc mạnh trong phiên sáng khiến thị trường không đặt nhiều kỳ vọng ở phiên chiều.

Áp lực bán tháo đã diễn ra ngay trong phiên chiều khiến VN-Index tiếp tục thủng ngưỡng kháng cực thấp hơn 775 điểm chỉ sau chưa đầy 1 giờ giao dịch. Mặc dù sau đó thị trường có bật nhẹ trở lại giúp thị trường thu hẹp đà giảm điểm, nhưng đà giảm sâu của nhòm cổ phiếu bluechip khiến VN-Index không đủ sức để vực dậy mốc 780 điểm.

Tuy nhiên, bước vào đợt khớp ATC, thị trường bị dội một gáo nước lạnh khi lực cung giá thấp ồ ạt đổ vào và tập trung vào nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn, tiếp tục đẩy VN-Index lùi sâu xuống mức thấp nhất ngày và chính thức chia tay mốc 775 điểm. Với việc để mất tới gần 18 điểm, VN-Index ghi nhận phiên giảm sâu nhất trong gần 2 năm qua (kể từ phiên 24/8/2015).

Đóng cửa, sàn HOSE có 201 mã giảm/82 mã tăng, VN-Index giảm mạnh 17,91 điểm (-2,2%) xuống mức 773,66 điểm. Thanh khoản tăng vọt đạt 306,23 triệu đơn vị, giá trị 5.315,43 tỷ đồng, tăng 33,78% về lượng và 25,88% về giá trị so với phiên hôm qua.

Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 13,8 triệu đơn vị, giá trị 560,87 tỷ đồng. Riêng GMD thỏa thuận 3,85 triệu đơn vị, giá trị 159,74 tỷ đồng, MSN thỏa thuận 5,14 triệu đơn vị, giá trị hơn 217 tỷ đồng.

VN30-Index cũng giảm tới 17,05 điểm (-2,25%) xuống mức 741,36 điểm khi có tới 27 mã giảm, chỉ 2 mã tăng nhẹ và 1 mã đứng giá. 

Bên cạnh đó, các mã có vốn hóa lớn cũng đua nhau giảm sâu như VNM giảm 1,3%, SAB giảm 4,3%, VCB và MSN cùng giảm 1,6%, GAS giảm hơn 1,7%, VIC giảm 3,12%, PLX giảm 2,5%, CTG giảm 4,3%, BVH giảm 2,09%..., đặc biệt là BID bị bán tháo mạnh và đóng cửa ở mức sàn xuống 20.400 đồng với 9,7 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn. 

Ở nhóm cổ phiếu đầu cơ vẫn nổi lên những điểm sáng đi ngược thị trường như TSC và OGC. Với mức tăng 6,88%, TSC tiếp tục có phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp và thanh khoản tăng vọt với 14,85 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công, dư mua trần 4,29 triệu đơn vị.

Cổ phiếu OGC cũng được kéo lên kịch trần nhờ lực cầu gia tăng mạnh. Kết phiên, OGC tăng 6,64% với khối lượng khớp 13,19 triệu đơn vị và dư mua trần 8,28 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu nóng bỏng tay HAI chính thức ngắt nhịp tăng sau 22 phiên liên tiếp khoe sắc tím. Với mức giảm 6,89%, HAI lùi về mức giá sàn 20.950 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh 11,35 triệu đơn vị, dư bán sàn 2,22 triệu đơn vị. Cổ phiếu HAR cũng có chung cảnh ngộ khi lao mạnh từ mức giá kịch trần xuống giá sàn trong phiên hôm nay.

Sàn HNX có phần ít tiêu cực hơn nhờ lực cầu hấp thụ gia tăng về cuối phiên, tuy nhiên gánh nặng từ nhóm cổ phiếu bluechip vẫn khiến chỉ số sàn mất hơn 1% trong phiên hôm nay.

Đóng cửa, HNX-Index giảm 1,22 điểm (-1,19%) xuống 101,07 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 117,31 triệu đơn vị, giá trị 897,76 tỷ đồng, tăng 42,73% về lượng và 49,2% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 3,32 triệu đơn vị, giá trị 26,34 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 giảm 3,19 điểm (-1,68%) xuống 186,61 điểm khi có tới 20 mã giảm, 5 mã tăng và 4 mã đứng giá. Trong đó, ACB giảm 1,5%, SHB giảm 4,3%, PVS giảm 2,3%, PVC giảm 2,1%, PGS giảm 3%, VCG giảm 3,3%...

KLF duy trì mức giá 4.000 đồng/CP, tăng 5,26% với thanh khoản dẫn đầu thị trường đạt 25,88 triệu đơn vị. Trong khi đó, các mã vừa và nhỏ khác như PVX, KVC, DCS, ACM… cũng chịu áp lực bán và quay đầu giảm điểm.

Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là SHB với khối lượng khớp lệnh đạt 18,63 triệu đơn vị. Tiếp đó, PVX khớp 9,54 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, đà giảm duy trì đến hết phiên.

Cụ thể, UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,3%) xuống 55,03 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 9,9 triệu đơn vị, giá trị 101,28 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 3 triệu đơn vị, giá trị 63,56 tỷ đồng.

Cổ phiếu TOP tiếp tục dẫn đầu thanh khoản trên sàn với khối lượng giao dịch đạt hơn 3,5 triệu đơn vị và đóng cửa tại mức giá 2.600 đồng/CP, tăng 8,33%. Đây cũng là cổ phiếu duy nhất chuyển nhượng tới đơn vị triệu cổ phiếu.

Đứng ở vị trí thứ 2, DRI có khối lượng giao dịch 778.500 đơn vị và đóng cửa giảm 1,43% xuống mức giá 13.800 đồng/CP.

Các cổ phiếu lớn như GEX, HVN, LTG, VIB, VGT, DVN… đều đứng dưới mốc tham chiếu, trong đó LTG giảm 3,43%.

Thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc nhờ giảm thêm lãi suất
Báo cáo về tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, xu hướng trung và dài hạn của TTCK vẫn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư