Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Phó thống đốc NHNN: VAMC không phải là “cây đũa thần”
Mạnh Bôn - 28/08/2014 17:53
 
Trả lời báo chí liên quan đến xử lý nợ xấu, bà Nguyễn Thị Hồng - lần đầu tiên tham dự họp báo Chính phủ thường kỳ trên cương vị Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 6/2014, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng là 4,17%.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Ngân hàng dè dặt bán nợ cho VAMC
VAMC sẽ bán nợ bằng đàm phán tay đôi?
VAMC mua 100.000 tỷ đồng nợ xấu
Phó thống đốc NHNN thôi chức Chủ tịch VAMC

“Như vậy, so với cuối tháng 5/2014, nợ xấu đã tăng nhẹ, từ mức 4,07% lần 4,17%. Còn so với 31/12/2013, nợ xấu đã tăng đáng kể (cuối năm 2013 tỷ lệ nợ xấu mới có 3,61%).

  Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến cuối tháng 6/2014, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng là 4,17%.  
  Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến cuối tháng 6/2014, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng là 4,17%.  

Giải thích về việc nợ xấu gia tăng, bà Hồng cho biết, nguyên nhân cơ bản là hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn còn hết sức khó khăn, nhiều khoản nợ đến hạn nhưng các tổ chức tín dụng không có nguồn để trả.

“Ngoài ra còn có nguyên nhân nữa là thực hiện Thông tư 09/2014/TT-NHNN về việc phân loại dự phòng rủi ro và phân loại nợ, theo đó các tổ chức tín dụng phải thực hiện  quy trình cơ cấu lại, phân loại nợ với phạm vi rộng hơn. Cụ thể, theo quy định cũ, các tổ chức tín dụng chỉ đánh giá nợ xấu tính trên dư nợ cho vay, nhưng theo quy định mới thì cả khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cũng phải xếp hạng nợ vì thế nợ xấu mới gia tăng”, bà Hồng lý giải.

Để xử lý nợ xấu, các tổ chức tín dụng phải thực hiện nhiều công cụ khác nhau theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước trong đó, theo bà Hồng, biện pháp mà các tổ chức tín dụng tích cực thực hiện theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước là xử lý bằng dự phòng rủi ro, bán tài sản bảo đảm tiền vay của khách hàng... “Với cách thức xử lý này, trong 8 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng đã xử  lý 33.000 tỷ đồng”.

Liên quan đến xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), bà Hồng cho biết, tính từ tháng 10/2013 đến nay, VAMC mua được 55.000 tỷ đồng nợ xấu. VAMC đặt mục tiêu trong năm nay xử lý được khoảng 70.000 nợ xấu.

“VAMC không phải là cây đũa thần, hơn nữa do ngân sách có cấp vốn cho VAMC có hạn nên xử lý nợ xấu qua VAMC cũng chỉ là một trong những giải pháp xử lý nợ xấu mà thôi”, bà Hồng giải thích về việc số tiền nợ xấu mà VAMC mua được quá ít so với tổng số nợ xấu của hệ thống ngân hàng, mặc dù vậy, theo bà Hồng, cách thức xử lý nợ xấu như VAMC là phù hợp, bởi tạo điều kiện điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay, giảm lãi suất cho vay, qua đó góp phần đáng kể hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư