Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam "bốc thuốc" cho ngành y tế
Bá Thư - 09/08/2014 08:42
 
() Dự Hội nghị trực tuyến 63 tỉnh, thành phố sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 và định hướng kế hoạch năm 2015 do Bộ Y tế tổ chức ngày 8/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo một số vấn đề "nóng".
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Bố chị Huyền: Nếu kết quả ADN đúng, đó là điều diệu kỳ!
"Mổ" máy xét nghiệm y tế: Vỏ Đức, ruột Tàu
Bộ trưởng Y tế: "Giá thuốc ở Việt Nam rẻ hơn Trung Quốc"
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lo... thừa bác sỹ
Bộ trưởng Tiến vi hành, nghe chuyện bệnh nhân bị nhân viên y tế mắng xơi xơi
Xét nghiệm "oan" hay mánh khóe của dịch vụ y tế?

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian qua của ngành Y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, “còn có những việc mới triển khai được nửa chặng đường, chưa đến kết quả cuối cùng, cần làm nhanh hơn, tập trung hơn, để khi hoàn thành thì người dân, xã hội sẽ thấy có những chuyển biến tốt”.

  Phó thủ tướng Vũ Đức Đam  
     

Đó là, Thông tư mới của ngành Y tế quy định về đấu thầu mua thuốc tại Bệnh viện đã kéo giá thuốc trúng thầu giảm tới 35% và với một số loại thuốc cơ bản, thuốc Việt Nam còn rẻ hơn nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, tuy nhiên, mới kéo giảm giá thuốc được một mức. Bên cạnh việc kéo giảm giá thuốc, phải chú ý các khía cạnh như phát triển sản xuất thuốc trong nước và quan trọng nhất là có thuốc điều trị phù hợp với người bệnh.

"Có những loại thuốc có giá 1 đồng 1 lọ, nhưng tiêm 10 lọ bệnh nhân chưa khỏi, trong khi loại thuốc có giá cao hơn, số lần tiêm ít hơn, người bệnh khỏi nhanh hơn thì việc lựa chọn thuốc điều trị phải tính đến quyền lợi của người bệnh", Phó Thủ tướng nói.

Về việc xây dựng văn bản, chính sách, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Bộ Y tế cần rà soát lại, khắc phục những điểm chưa sát với thực tế, người dân chưa hài lòng, từ đó, hạn chế các bất cập nảy sinh. Bộ Y tế, các địa phương phải kiểm tra, xem xét nghiêm túc các vụ việc như lạm dụng bảo hiểm y tế, lạm dụng kỹ thuật cao, thuốc biệt dược trong khám chữa bệnh… qua đó, ban hành những quy định cần thiết để ngăn chặn, hạn chế.

Ngành Y tế phải đứng từ góc nhìn của người dân trong quá trình xây dựng, thực hiện các chủ trương, chính sách nhằm cải thiện, nâng cao công tác khám chữa bệnh để mang lại hiệu quả thực sự, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Liên quan đến vụ việc đấu thầu mua thiết bị y tế tại bệnh viện Thường Tín (Hà Nội) đã được báo chí phản ánh, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, “ngành Y tế, cũng như các địa phương phải rà soát, kiểm tra, thanh tra toàn bộ trên địa bàn của mình với tinh thần trách nhiệm cao nhất, công khai, minh bạch tất cả” và “phải xử lý nghiêm túc”, trong đó, có xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư; đồng thời cho rằng, sẽ triệu tập cuộc họp với sự tham gia của các cơ quan liên quan như Hải quan, Công an để bàn về vấn đề này.

Về cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp trong ngành Y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ sắp tới sẽ ban hành Nghị định về dịch vụ sự nghiệp công và cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, chủ yếu liên quan đến vấn đề tài chính trong các cơ sở, đơn vị sự nghiệp công (trong đó có đơn vị sự nghiệp ngành Y tế) theo tinh thần tính đúng, tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công theo nguyên tắc thị trường, có lộ trình cụ thể, phù hợp với điều kiện phát triển, phù hợp với túi tiền của người dân.

Các đơn vị sự nghiệp công (chủ yếu là y tế, giáo dục) tiến tới cơ chế hạch toán tương tự như doanh nghiệp, có quyền tự chủ cao. Cơ sở hạch toán trên tinh thần tạo môi trường thuận lợi cho huy động nguồn lực xã hội tốt hơn, khắc phục những nhược điểm của xã hội hóa y tế trong bệnh viện hiện nay.

Nếu cho phép hạch toán sòng phẳng, minh bạch, tính đúng, tính đủ thì câu chuyện vay vốn của ngân hàng không còn là vấn đề lớn, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét khẩn trương, quyết liệt vấn đề này, chọn một số mô hình để triển khai, sau đó đánh giá, tổng kết mặt được, chưa được để có những điều chỉnh chính sách cần thiết.

Về quy hoạch bệnh viện, không triển khai theo tư duy cũ, như phong trào vùng (bệnh viện vùng, đại học vùng) mà theo xu hướng mới là các đơn vị sự nghiệp công. Như việc đầu tư xây dựng bệnh viện vệ tinh, không chỉ theo hình thức “công với công” mà cả “công với tư”, thu hút đầu tư xã hội vào các phương tiện kỹ thuật công nghệ cao, có thể khám chữa bệnh từ xa chứ không chỉ đơn thuần quy hoạch dựa trên yếu tố dân số, giường bệnh.

Tại hội nghị, Bộ Y tế đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, trong đó tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng mở rộng; đẩy mạnh thực hiện Quyết định 1313 về quy trình khám bệnh, tiếp tục nghiên cứu để đơn giản hóa thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh;

Cải tạo nâng cấp khu vực khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, giảm số lượt khám trong ngày của bác sỹ để từng bước giảm tình trạng quá tải, nằm ghép;

Tập trung triển khai 15 dự án Bệnh viện vệ tinh của các chuyên khoa ung bướu, tim mạch, nhi, sản khoa, ngoại khoa và chấn thương chỉnh hình; tăng cường giáo dục y đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của nhân viên y tế.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư