Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Cần nâng cao liên kết của khu vực FDI với doanh nghiệp trong nước
Thị Hồng - 14/02/2019 17:53
 
“Việt Nam được một số tổ chức quốc tế đánh giá là 1 trong 12 quốc gia thành công nhất trên thế giới trong thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài đã bộc lộ một số vấn đề lớn”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại “Hội nghị tham vấn định hướng hoàn thiện thể chế về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới" được tổ chức tại Bình Dương hôm nay.

Hơn 27.300 dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đang hoạt động tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư cam kết trên 340 tỷ USD (Hơn 191 tỷ USD đã thực hiện). Khu vực này là nguồn vốn bổ sung quan trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội như ĐTNN nộp thuế tăng gần 3 lần, từ 59.030 tỷ lên 172.028 tỷ đồng. 

Nhằm khảo sát thực trạng thu hút ĐTNN, lắng nghe ý kiến, đề xuất của các địa phương về các cơ chế, chính sách liên quan tới ĐTNN, chiều 14/02, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và các cơ quan liên quan tổ chức “Hội nghị tham vấn định hướng hoàn thiện thể chế về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới" tại Bình Dương. 

Chủ trì Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá, kết quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài trong 30 năm qua là một minh chứng về thành tựu “Đổi Mới” và hội nhập. 

Đây là nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn và hiện đại hóa nền kinh tế, giữ vai trò chủ đạo trong xuất khẩu, từng bước đưa Việt Nam tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu,…

“Việt Nam được một số tổ chức quốc tế đánh giá là 1 trong 12 quốc gia thành công nhất trên thế giới trong thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài đã bộc lộ một số vấn đề lớn, cần nhìn nhận khách quan để có định hướng khắc phục”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh và đặt câu hỏi, phải chăng đang tồn tại rủi ro, một nền kinh tế có 2 khu vực kinh tế khác biệt khi tính kết nối chưa cao.

Thứ hai, mục tiêu tiếp thu công nghệ mới, tiên tiến từ các tập đoàn đa quốc gia chưa đạt kỳ vọng. 

“Việc chuyển giao công nghệ rất khó khăn và gần như không đạt được gì. Chỉ khoảng 5% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ cao. Máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất ở khu vực ĐTNN không quá vượt trội so với trong nước, đa số ở mức độ trung bình, hoặc trung bình tiên tiến của khu vực. Việc cập nhật công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho R&D còn hạn chế, chủ yếu là mua hơn là phát triển nâng cao và đổi mới công nghệ”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói. 

Cùng với đó là vấn đề doanh nghiệp ĐTNN có hành vi chuyển giá. Một số doanh nghiệp khai sai giá trị máy móc, thiết bị nhập khẩu góp vốn dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước, tăng nhập siêu, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Một số nhà ĐTNN trong doanh nghiệp liên doanh, công ty TNHH hai thành viên trở lên thực hiện hành vi thâu tóm thông qua quyền góp vốn chi phối, quản lý điều hành để tạo ra tình trạng lãi thật, lỗ giả, mất vốn điều lệ, buộc “Bên Việt Nam” chuyển nhượng phần vốn góp, chuyển thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, làm giảm hiệu quả chính sách khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam liên doanh, liên kết với nhà đầu tư nước ngoài. 

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, năm 2018, Thành phố thu hút được 7,63 tỷ USD (tăng 15,59% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2017. 

Tuy nhiên, ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh vào số liệu thu hút đầu tư nước ngoài vào Thành phố giai đoạn 2000-2017: Vốn đầu tư từ tư nhân vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo so với vốn FDI khi tăng 33 lần từ 7.400 tỷ đồng lên 250.000 tỷ đồng trong khi vốn đầu tư của khu vực FDI chỉ tăng 7,45 lần (từ 7.600 tỷ đồng lên 56.000 tỷ đồng). 

Nhìn rộng ra cả nước, nhiều tập đoàn kinh tế trong nước thời gian qua đã có sự lớn mạnh nhanh chóng, chiếm lĩnh thị trường va cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp FDI, ngay cả với những lĩnh vực mà từng nằm trong thế yếu như công nghệ viễn thông thế hệ mới, sản xuất ô tô,…

“Một vấn đề cần cân nhắc khi xây dựng chính sách kêu gọi đầu tư, đó là việc cần có một chính sách riêng để thu hút các đối tác đặc biệt. Chúng ta đã thu hút được rất nhiều các Nhà đầu tư lớn đến Việt Nam, song cái mà chúng ta chưa làm được là chưa kêu gọi được nhiều tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở điều hành hoặc trung tâm nghiên cứu phát triển chính tại Việt Nam. Điều này một phần do môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự chín muồi để các Tập đoàn tìm đến, một phần do chúng ta chưa có chính sách quyết liệt “dọn chỗ” thu hút “phượng hoàng” về làm tổ”, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nói. 

Bước ngoặt lớn trong chiến lược thu hút FDI
Lần đầu tiên, Bộ Chính trị sẽ có một nghị quyết riêng về định hướng chiến lược trong thu hút, sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư