Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Phòng chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân: Tiêm chủng là giải pháp
Như Loan - 19/11/2019 14:46
 
Mùa Đông - Xuân và những tháng cuối năm là thời điểm dễ lây truyền các dịch bệnh truyền nhiễm như: sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm A/H7N9, Mers-CoV... Nâng cao tỷ lệ tiêm chủng là một trong những biện pháp quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và lây lan rộng.

Bộ Y tế vừa tổ chức Hội nghị Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân và triển khai các nhiệm vụ y tế trọng tâm cuối năm 2019 với sự tham gia của lãnh đạo Bộ, đại diện Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), và các cơ sở y tế.

TS. Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, các bệnh truyền nhiễm hay gặp trong mùa Đông - Xuân là cúm, sởi, ho gà, liên cầu lợn, tiêu chảy cấp, cúm gia cầm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu, rubella… Đây cũng là các bệnh lưu hành tăng cao tại nhiều khu vực, đặc biệt tại châu Á – Thái Bình Dương.

.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị

Tiêm chủng là giải pháp             

Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết, công tác phòng chống dịch bệnh là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa tự giác tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng. Chính quyền một số địa phương chưa quan tâm, chưa quyết liệt chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch bệnh...

Các bệnh có vắc xin tiêm chủng mở rộng như sởi, bạch hầu, ho gà: nguy cơ xảy ra các ổ dịch tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

“Mục tiêu của ngành y tế là chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh, không để bùng phát dịch bệnh trong mùa Đông - Xuân và mùa lễ hội. Vì vậy, nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp, dịch bệnh dễ dàng bùng phát và lây lan rộng”, ông Tấn nhấn mạnh.

Bộ Y tế đã đưa ra nhiều giải pháp, đặc biệt trong đó là nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, đảm bảo tiêm đủ mũi, đúng lịch với các bệnh. Các chuyên gia y tế lưu ý các bệnh sởi, rubella, ho gà, bạch hầu cần phải tiêm vaccine phòng ngừa, đồng thời tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung nhằm đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95%...

Ngoài ra, sẽ tăng cường giám sát, phát hiện sớm các bệnh dịch nguy hiểm, các ổ dịch tại cộng đồng, xử lý kịp thời, hiệu quả. Nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, đạt 95% quy mô xã, phường. Sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị hạn chế thấp nhất tử vong. Tập huấn nâng cao năng lực các tuyến về giám sát, đáp ứng, điều trị. Đảm bảo hậu cần cho công tác phòng chống dịch.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Bắt đầu mùa Đông - Xuân, với dịch đáng sợ nhất là cúm mùa (H3N1). Bên cạnh đó là dịch sởi do tỷ lệ tiêm vaccine sởi tại một số vùng chưa cao. Một số ổ dịch bạch hầu đã bắt đầu xuất hiện. Nếu chúng ta không quyết liệt để đạt tỷ lệ bao phủ tiêm chủng thì chúng ta sẽ rất vất vả với các dịch bệnh ở trẻ em”.

.
Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra công tác tiêm chủng tại Trạm y tế xã Tượng Sơn, tỉnh Hà Tĩnh

Nguy cơ lây lan rộng

Theo các chuyên gia y tế, những loại bệnh truyền nhiễm gia tăng trong mùa Đông - Xuân bởi đây là mùa lễ hội, thường tập trung đông người và gia tăng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ gia cầm; thời tiết ẩm ướt kéo dài; gia tăng đi lại nên có nguy cơ xâm nhập các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; tỷ lệ tiêm chủng thấp khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, gia tăng giao thông thương mại quốc tế dẫn đến nguy cơ xâm nhập các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi.

Trong thời qua một số bệnh giảm sâu, nhưng vẫn xuất hiện các trường hợp mắc rải rác, các ổ dịch tản phát: sốt rét, sởi, tay chân miệng. Một số bệnh đã được khống chế nhưng vẫn ở mức cao như sốt xuất huyết, tay chân miệng. Riêng về bệnh sốt xuất huyết, cả nước đã có hơn 250.000 ca mắc, 49 ca tử vong.

Theo ông Tấn, không chỉ ở Việt Nam, tại nhiều quốc gia cũng ghi nhận số mắc hàng tuần liên tục tăng cao so với cùng kỳ 2018 và dự báo thời gian tới tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp với số mắc hàng tuần ghi nhận vẫn ở mức cao.

Thông báo về tình hình công tác y tế trong 10 tháng đầu năm, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết về vấn đề phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã chủ động và quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (đặc biệt là sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng), nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, huy động sự tham gia của các ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch, tập trung vào các hoạt động giám sát, truyền thông, quản lý và kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để bùng phát, lan rộng. Thực hiện các giải pháp tăng số ngày tiêm chủng tại trạm y tế xã, triển khai tiêm chủng lưu động.

Trong 10 tháng năm 2019, hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2018; riêng sốt xuất huyết theo chu kỳ nên số mắc, số chết tăng so với cùng kỳ; số mắc tay chân miệng tăng 0,5%.

Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia sẽ hoạt động từ 1/6
Chiều nay 24/3, tại Trung tâm hội nghị Quốc tế, Bộ Y tế đã phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tuyên bố chính thức đưa vào...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư