Thứ Bảy, Ngày 10 tháng 05 năm 2025,
Tiêu điểm đầu tư tuần qua
Phương án làm cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum 44.355 tỷ đồng; Khởi công nhà máy phụ tùng ô tô 1.400 tỷ đồng
Hạnh Nguyên (tổng hợp ) - 10/05/2025 09:01
 
Đề xuất phương án đầu tư tuyến cao tốc Quảng Ngãi- Kon Tum vốn 44.355 tỷ đồng; Ninh Bình khởi công nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô gần 1.400 tỷ đồng… Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Sẽ khởi công, khánh thành đồng loạt các dự án lớn kỷ niệm 80 năm Quốc khánh

Chính phủ dự kiến tổ chức lễ khởi công, khánh thành đồng loạt các công trình, dự án quy mô lớn trên toàn quốc vào ngày 19/8/2025 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm chào mừng 80 năm Quốc khánh 2/9.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cắt băng khởi công, khánh thành các Dự án lớn chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính cắt băng khởi công, khánh thành các dự án lớn chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: VGP

Theo Công điện 57/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty được yêu cầu khẩn trương chuẩn bị ít nhất 2 công trình đủ điều kiện khởi công hoặc khánh thành; báo cáo danh mục về Văn phòng Chính phủ và Bộ Xây dựng trước 31/7/2025. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp xây dựng kịch bản, kết nối các điểm cầu, cùng Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức truyền hình trực tiếp sự kiện.

Song song, Chính phủ cũng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia (Hà Nội), phản ánh thành quả phát triển suốt 80 năm qua. Các địa phương, bộ ngành gửi nội dung trước 20/6/2025 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó thủ tướng Mai Văn Chính sẽ trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị cho hai sự kiện quan trọng này.

Dự án Điện khí LNG Hiệp Phước chưa xong Hợp đồng mua bán điện

Dự án Nhà máy điện khí LNG Hiệp Phước (giai đoạn 1 công suất 1.200 MW, tổng công suất 1.500 MW), dù dự kiến phát điện từ năm 2026, đến nay vẫn chưa hoàn tất đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN - yếu tố then chốt để thu xếp vốn đầu tư. Vướng mắc chủ yếu nằm ở việc chưa thống nhất được sản lượng hợp đồng (Qc) hàng năm.

Chủ đầu tư - Công ty TNHH Điện lực Hiệp Phước đã hoàn tất thi công kho cảng LNG và ký hợp đồng mua thiết bị chính, nhưng vẫn đang chờ phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 để điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi.

Từ năm 2024, Bộ Công thương đã cảnh báo nhiều dự án điện khí LNG, trong đó có Hiệp Phước, đều gặp điểm nghẽn ở khâu đàm phán Qc. Các chủ đầu tư đề nghị tỷ lệ Qc đạt 72-90% để đảm bảo khả năng trả nợ và vận hành ổn định. Trong khi đó, theo Nghị định 56/2025/NĐ-CP, tỷ lệ Qc tối thiểu cho phép chỉ là 65% trong thời hạn tối đa 10 năm trả nợ.

Hiện tại, UBND TP.HCM vẫn chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đất triển khai dự án, khiến tiến độ tiếp tục chậm lại, dù đây là dự án điện nền quan trọng trong Quy hoạch Điện VIII.

Vĩnh Long mời gọi nhà đầu tư Hàn Quốc và châu Âu quan tâm đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2025, tập trung thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao trong các lĩnh vực nông nghiệp sạch, công nghiệp chế biến nông - thủy sản, hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ và du lịch.

Hạ tầng khu - cụm công nghiệp là một trong những lĩnh vực được tỉnh Vĩnh Long ưu tiên thu hút đầu tư. Trong ảnh: Khu công nghiệp Hòa Phú (Ảnh: Công Danh).
Hạ tầng khu - cụm công nghiệp là một trong những lĩnh vực được tỉnh Vĩnh Long ưu tiên thu hút đầu tư. Trong ảnh: Khu công nghiệp Hòa Phú (Ảnh: Công Danh).

Tỉnh ưu tiên chiến lược tiếp cận nhà đầu tư đầu chuỗi cung ứng, hướng đến tạo giá trị gia tăng, đảm bảo tính cạnh tranh và bền vững. Song song, Vĩnh Long chú trọng xúc tiến tại chỗ thông qua hỗ trợ giải ngân, tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng, cấp phép và đẩy nhanh tiến độ các dự án hiện hữu.

Trong năm 2025, tỉnh sẽ tổ chức 2 đoàn xúc tiến đầu tư ra nước ngoài: tại Hàn Quốc (quý II) và Pháp cùng một số nước châu Âu (quý IV). Các lĩnh vực kêu gọi đầu tư gồm nông nghiệp, chế biến, logistics, công nghiệp phụ trợ, đô thị, môi trường, năng lượng sạch và thích ứng biến đổi khí hậu.

Năm 2024, Vĩnh Long đã cấp mới cho 9 dự án với tổng vốn 1.475 tỷ đồng và 1,72 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn cho 9 dự án khác. Qua chương trình xúc tiến, tỉnh kỳ vọng thu hút dòng vốn chiến lược từ Hàn Quốc và châu Âu để tạo đột phá phát triển kinh tế.

Kinh tế toàn cầu biến động, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực

Bất chấp biến động kinh tế toàn cầu, 4 tháng đầu năm 2025, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 13,82 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn điều chỉnh tăng gần 3,9 lần, góp vốn mua cổ phần tăng gấp 2,1 lần, bù đắp sự sụt giảm của vốn đăng ký mới.

Tập đoàn Qualcomm của Mỹ trong cuộc gặp với Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã bày tỏ mong muốn được đầu tư trung tâm R&D tại Việt Nam. (Ảnh VGP)
Tập đoàn Qualcomm của Mỹ trong cuộc gặp với Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã bày tỏ mong muốn được đầu tư trung tâm R&D tại Việt Nam. (Ảnh VGP)

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, số dự án mới, dự án điều chỉnh vốn và giao dịch góp vốn đều tăng, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường kinh doanh trong nước. Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cũng khẳng định, nhiều tập đoàn lớn từ Mỹ, EU như Qualcomm đang đẩy mạnh đầu tư, mở rộng hiện diện tại Việt Nam.

Hiện có 81 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với hơn 3,2 tỷ USD, tiếp theo là Hàn Quốc và Trung Quốc. Ngành chế biến, chế tạo thu hút mạnh nhất với 8,9 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đăng ký, tiếp đến là bất động sản và các ngành dịch vụ.

Về địa bàn, Bắc Ninh, Đồng Nai và TP.HCM dẫn đầu thu hút FDI. Tổng vốn giải ngân 4 tháng đạt 6,74 tỷ USD, tăng 7,3%, cho thấy dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Bổ sung thêm 71.700 tỷ đồng vốn đầu tư công cho năm 2025

Đến cuối tháng 4/2025, tổng vốn đầu tư công đã phân bổ chi tiết đạt 869.750 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 71.700 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu Thủ tướng giao. Tuy nhiên, còn khoảng 27.860 tỷ đồng (3,37%) chưa được phân bổ do vướng mắc tại 19 bộ và 22 địa phương.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt 15,56%, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 nhưng giá trị giải ngân vẫn tăng 16,3%. Nhiều đơn vị vẫn chậm giải ngân do thiếu hướng dẫn cho các dự án không có cấu phần xây dựng, chậm giải phóng mặt bằng, vướng cơ chế chính sách và ảnh hưởng bởi giá vật liệu tăng, thời tiết bất lợi.

Tổng chi ngân sách nhà nước 4 tháng đạt 595.400 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển đạt khoảng 128.500 tỷ đồng. Ngân sách trung ương đã sử dụng 5.850 tỷ đồng từ nguồn dự phòng cho các nhiệm vụ cấp bách và hỗ trợ địa phương.

Bộ Tài chính kiến nghị các giải pháp quyết liệt hơn: lập kế hoạch giải ngân theo tháng, siết giám sát dự án lớn, đẩy mạnh phân cấp, tăng thu từ đất đai để bảo đảm nguồn lực. Đầu tư công tiếp tục là động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế trong năm 2025.

UBND Quảng Trị phê duyệt dự án điện gió SCI Hướng Việt theo hình thức đấu thầu

UBND tỉnh Quảng Trị vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện gió SCI Hướng Việt tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa theo hình thức lựa chọn nhà đầu tư qua đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Một Dự án điện gió trên địa bàn huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị.
Một dự án điện gió trên địa bàn huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị.

Dự án có công suất 26 MW, diện tích sử dụng khoảng 9,09 ha và tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.018 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động 50 năm, dự kiến khởi công vào quý IV/2025 và vận hành vào quý IV/2026. UBND tỉnh giao Sở Công Thương lập, trình hồ sơ mời quan tâm và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, đồng thời theo dõi, tháo gỡ vướng mắc để đảm bảo tiến độ.

Hiện Quảng Trị đã có 20 dự án điện gió vận hành thương mại với tổng công suất 742,2 MW. Ngoài ra, 1 dự án đã thi công xong, đang hoàn tất thủ tục vận hành; 10 dự án khác với tổng công suất 394 MW đang triển khai đầu tư. Theo Quy hoạch điện VIII, công suất điện gió tại Quảng Trị được phân bổ lũy kế đến năm 2030 là 1.800 MW, và sẽ tăng thêm 560 MW theo điều chỉnh quy hoạch.

TP.HCM và Đồng Nai thống nhất đầu tư hàng loạt dự án giao thông kết nối chiến lược

TP.HCM và Đồng Nai đã thống nhất đầu tư loạt dự án giao thông trọng điểm nhằm tăng cường kết nối giữa hai địa phương.

Trong đó, hai bên đồng ý xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái, giao UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư. Cầu Phú Mỹ 2 sẽ do TP.HCM triển khai, còn cầu Đồng Nai 2 do Đồng Nai làm chủ quản.

TP.HCM và Đồng Nai thống nhất xây cầu Cát Lái để thay phà Cát Lái - Ảnh: Lê Quân
TP.HCM và Đồng Nai thống nhất xây cầu Cát Lái để thay phà Cát Lái. Ảnh: Lê Quân

Về đường sắt đô thị, Đồng Nai đang lập báo cáo nghiên cứu tuyến metro kết nối với tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), được TP.HCM ủng hộ và hỗ trợ tối đa. Hai bên cũng thống nhất xây dựng tuyến đường sắt nối Sân bay Tân Sơn Nhất với Sân bay Long Thành, đảm bảo đồng bộ sau khi được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.

Ngoài ra, hai địa phương sẽ phối hợp bổ sung các tuyến xe buýt, vận tải hành khách đường thủy theo hướng xanh, hiện đại và kêu gọi đầu tư sau khi hoàn tất sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh theo kế hoạch.

Đề xuất duyệt Dự án tuyến metro số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai

Bộ Tài chính vừa kiến nghị Chính phủ phê duyệt Đề xuất Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai, dài 8,7 km đi ngầm hoàn toàn theo hành lang Trần Hưng Đạo - Nguyễn Tam Trinh, với 7 ga ngầm và 1 khu lập tàu tại Yên Sở.

Các đoàn tàu thuộc Dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.
Các đoàn tàu thuộc Dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Dự án sử dụng vốn vay từ ADB, AFD và KfW với tổng vốn vay khoảng 1.258 triệu USD (tương đương 29.130 tỷ đồng). UBND TP. Hà Nội sẽ vay lại toàn bộ khoản vay này và là đơn vị chủ quản đầu tư.

Bộ Tài chính cho biết dự án đáp ứng đầy đủ quy định pháp lý và điều kiện theo Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công và các nghị định hiện hành. Sau phê duyệt của Thủ tướng, UBND TP. Hà Nội sẽ phối hợp với các nhà tài trợ để lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

Tuyến metro số 3 giữ vai trò trục kết nối phía Tây – trung tâm – phía Nam Hà Nội, dự kiến phục vụ 488.000 hành khách/ngày, góp phần giải quyết ùn tắc, nâng cao năng lực vận tải công cộng và cải thiện môi trường đô thị.

Chấp thuận đầu tư Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải mở rộng

UBND tỉnh Quảng Nam vừa chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư cho Dự án Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải mở rộng tại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, với tổng vốn hơn 1.433 tỷ đồng.

Dự án do Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển hạ tầng KCN và Đô thị Chu Lai Trường Hải làm chủ đầu tư, có quy mô 114,78 ha, thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai. Trong đó, 44,25 ha chưa nằm trong quy hoạch sẽ chỉ triển khai sau khi được phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất hợp pháp.

Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải mở rộng.
Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải mở rộng.

Dự án nhằm xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp theo mô hình chuyên ngành cơ khí ô tô. Chủ đầu tư phải hoàn trả chi phí đầu tư khu đất 61,8 ha đã thực hiện trước đó và giải quyết các tồn tại liên quan.

Tỉnh yêu cầu triển khai dự án đúng quy hoạch, tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng và an ninh quốc phòng. Ban Quản lý các Khu kinh tế và KCN Quảng Nam sẽ hướng dẫn, giám sát việc thực hiện dự án.

Dự án được kỳ vọng thúc đẩy phát triển công nghiệp cơ khí, ô tô và công nghiệp hỗ trợ, góp phần đưa Quảng Nam trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực này.

Đà Nẵng đã giải ngân hơn 2.100 tỷ đồng vốn đầu tư công

Trong 4 tháng đầu năm 2025, Đà Nẵng đã giải ngân hơn 2.103 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 24,4% kế hoạch, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng kế hoạch vốn cả năm của thành phố là hơn 8.744 tỷ đồng.

Ngay từ đầu năm, Đà Nẵng đã phân bổ chi tiết kế hoạch vốn, huy động mọi nguồn lực và đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng. Cơ cấu vốn gồm 1.517 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh, 441 tỷ đồng vốn Trung ương hỗ trợ, 95 tỷ đồng từ xổ số kiến thiết và 10 tỷ đồng vốn khác.

Thành phố Đà Nẵng đang tập trung đẩy nhanh nhiều Dự án, công trình trọng điểm.
Thành phố Đà Nẵng đang tập trung đẩy nhanh nhiều dự án, công trình trọng điểm.

Thành phố đã khởi công nhiều dự án mới như cải tạo hệ thống thoát nước, hạ ngầm cáp thông tin, nâng cấp công viên 29/3, cải tạo đường nội thị quận Thanh Khê và Liên Chiểu.

Đồng thời, các dự án trọng điểm được thúc đẩy tiến độ, như Cảng Liên Chiểu (đã giải ngân hơn 2.200/3.426 tỷ đồng), tuyến đường nối cảng (giải ngân hơn 530/1.203 tỷ đồng), hệ thống thu gom nước thải Hòa Xuân (được bố trí 110 tỷ đồng năm 2025), và Trung tâm Y tế Liên Chiểu giai đoạn 2 (đã giải ngân 185/455 tỷ đồng).

Giải ngân vốn đầu tư công mới đạt hơn 16%, Chủ tịch Quảng Ngãi chỉ đạo tháo gỡ

Tính đến cuối tháng 4/2025, Quảng Ngãi mới giải ngân khoảng 870 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 16,3% kế hoạch. Trong đó, ngân sách địa phương đạt 14,9% và ngân sách Trung ương đạt 21,3%. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang đánh giá tiến độ còn chậm, yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, nhất là với các dự án trọng điểm.

Một số Dự án trọng điểm ở Quảng Ngãi bị vướng mặt bằng, ảnh hướng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Một số dự án trọng điểm ở Quảng Ngãi bị vướng mặt bằng, ảnh hướng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh khó khăn trong giải ngân, kinh tế - xã hội tỉnh vẫn ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh, tăng 21,46% trong 4 tháng; thương mại, dịch vụ, vận tải tăng trưởng hai con số. Doanh nghiệp thành lập mới tăng 28,8%, doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng hơn 23%. Du lịch khởi sắc với lượt khách quốc tế tăng gấp 5 lần, tổng doanh thu tăng 93%.

Về an sinh xã hội, tỉnh đã triển khai 4.200 căn nhà xóa nhà tạm, trong đó đã hoàn thành 1.714 căn, đạt hơn 63%. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị rà soát kế hoạch, đề xuất điều chuyển vốn kịp thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội toàn diện trong nửa cuối năm.

Triển khai đầu tư xây dựng 124,13 km đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa chỉ đạo triển khai Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước), với tổng chiều dài 124,13 km.

Tuyến bắt đầu từ Km1923+400 (xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) và kết thúc tại thị xã Chơn Thành, Bình Phước. Trong đó, đoạn qua Đắk Nông dài 23,10 km, đoạn qua Bình Phước dài 101,03 km.

Tuyến cao tốc có quy mô hoàn chỉnh 6 làn xe, nền đường rộng 32,25 m (riêng đoạn qua TP. Đồng Xoài rộng 33 m). Giai đoạn phân kỳ sẽ xây dựng 4 làn xe.

Phó Thủ tướng yêu cầu đảm bảo tiến độ, chất lượng, chống lãng phí, tiêu cực và xác định mức thu phí hợp lý, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Dự án dự kiến khởi công trong năm 2025, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027.

Nghiên cứu, bổ sung Cảng hàng không Măng Đen, Cảng hàng không Vân Phong vào quy hoạch

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa đồng ý chủ trương nghiên cứu, bổ sung Cảng hàng không Măng Đen (Kon Tum) và Cảng hàng không Vân Phong (Khánh Hòa) vào Quy hoạch hệ thống cảng hàng không quốc gia.

Bộ Xây dựng được giao rà soát, đảm bảo đủ căn cứ điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn quy định tại Luật Quy hoạch sửa đổi năm 2024. Khi đủ điều kiện, Bộ sẽ phê duyệt điều chỉnh và báo cáo Thủ tướng.

Phối cảnh Cảng hàng không Vân Phong.
Phối cảnh Cảng hàng không Vân Phong.

Cảng hàng không Măng Đen dự kiến đặt tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, diện tích 350 ha, công suất đến năm 2030 đạt 1 triệu hành khách/năm, cấp sân bay 4C theo ICAO.

Cảng hàng không Vân Phong dự kiến tại xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, diện tích 497,1 ha, công suất 1,5 triệu hành khách/năm vào 2030, tầm nhìn đến 2050 đạt 2,5 triệu hành khách/năm, cấp sân bay 4E.

Theo Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không giai đoạn 2021–2030, Măng Đen và Vân Phong được xác định là vị trí tiềm năng phát triển sân bay, góp phần kết nối vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.

Hải Dương giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đạt 22,3%, trên mức bình quân cả nước

Tính đến ngày 30/4/2025, Hải Dương đã giải ngân hơn 2.300 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 22,3% kế hoạch Thủ tướng giao – cao hơn mức bình quân cả nước (15,56%). Mục tiêu cả năm là giải ngân 99,7% trên tổng kế hoạch 10.421,7 tỷ đồng.

Dự án cấp tỉnh đạt tỷ lệ giải ngân 25,2%, cấp huyện và xã đạt 21,6%. Một số dự án giải ngân vượt tiến độ như cải tạo đường tỉnh 390 (82,1%), tuyến đường Vạn - Triều (65,9%), nút giao quốc lộ 17B - quốc lộ 5 (50,6%).

Ông Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo tại cuộc họp về tiến độ thực hiện các Dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh ngày 6/5.
Ông Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo tại cuộc họp về tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh ngày 6/5.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt yêu cầu hoàn tất 26 dự án chậm tiến độ trước 30/6 và quyết toán chi phí trước 30/5. Đồng thời, tỉnh đặt mục tiêu khởi công 36 dự án trong năm nay, trong đó có các công trình chào mừng Quốc khánh 2/9.

Kế hoạch giải ngân theo quý được điều chỉnh sát thực tiễn, trong đó quý II đạt 50% kế hoạch, quý III đạt 70,8%, và phấn đấu đến tháng 1/2026 hoàn thành giải ngân gần 100%. Tổng vốn ngân sách bố trí năm 2025 gần 8.500 tỷ đồng, tập trung cho 25 dự án đang thi công và 10 dự án mới.

Đã có khung giá cho thủy điện tích năng, điện rác và nhập khẩu điện từ Trung Quốc

Bộ Công Thương vừa ban hành các quyết định phê duyệt khung giá phát điện năm 2025 cho ba loại hình: thủy điện tích năng, điện rác và nhập khẩu điện từ Trung Quốc.

Theo Quyết định 1198/QĐ-BCT, khung giá tối đa cho thủy điện tích năng là 3.457,02 đồng/kWh (chưa VAT), dựa trên công suất tính toán 1.188 MW, tuổi thọ 40 năm, điện năng giao nhận bình quân 1,556 tỷ kWh/năm, tỷ lệ điện bơm/phát là 1,44 lần.

Nhà máy điện rác Sóc Sơn, Hà Nội.
Nhà máy điện rác Sóc Sơn, Hà Nội.

Tại Quyết định 1251/QĐ-BCT, khung giá tối đa cho điện rác (chất thải rắn) là 2.575,18 đồng/kWh (chưa VAT), áp dụng theo hướng dẫn tại Thông tư 09/2025/TT-BCT về hồ sơ, trình tự xây dựng và phê duyệt khung giá phát điện.

Với điện nhập khẩu, Quyết định 1231/QĐ-BCT quy định mức giá tối đa là 9,3 UScent/kWh cho điện nhập từ Trung Quốc qua lưới điện quốc gia.

Bộ Công thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các bên liên quan căn cứ khung giá này để đàm phán, ký hợp đồng mua bán điện theo đúng phương pháp tính giá phát điện được quy định.

Quảng Nam giải quyết vướng mắc các dự án tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng vừa chỉ đạo giải quyết loạt vướng mắc tại các dự án trong Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn.

Đối với Dự án khu nhà ở cho người thu nhập thấp do Công ty TNHH BĐS Châu Âu làm chủ đầu tư, tỉnh giữ nguyên mục tiêu dự án, không chấp thuận thay đổi tên, mục tiêu hay bàn giao lại quỹ đất nhà ở xã hội. Chủ đầu tư được điều chỉnh tiến độ nếu thực hiện ký quỹ bổ sung 50% theo quy định.

UBND thị xã Điện Bàn được yêu cầu giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, GPMB. Nếu không thể triển khai hạ tầng kết nối, cần đề xuất điều chỉnh quy hoạch theo hướng chỉnh trang đô thị.

Sở Xây dựng chủ trì phối hợp các sở ngành liên quan hoàn thiện báo cáo, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Kiểm toán Nhà nước.

Với Dự án Khu đô thị Lam (Công ty Khởi Nguyên) và Khu đô thị An Nam (Công ty Địa ốc Hà An), tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư báo cáo tiến độ, hồ sơ pháp lý, công tác bồi thường GPMB. Sở Tài chính và các đơn vị liên quan rà soát tính pháp lý, đề xuất xử lý nếu có vi phạm quy định hiện hành.

Tiệm cận mục tiêu thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư

Cục Đường bộ Việt Nam đang tiến gần mục tiêu bắt đầu thu phí 5 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư gồm: Mai Sơn – Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây từ cuối năm 2025.

Việc thu phí được thực hiện sau khi Bộ Xây dựng phê duyệt Đề án Khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ với thời hạn khai thác 7 năm. Hình thức khai thác là Cục Đường bộ trực tiếp tổ chức, đảm bảo phù hợp chức năng quản lý, không phát sinh bộ máy mới và giúp nguồn thu ổn định, linh hoạt điều chỉnh theo chính sách kinh tế - xã hội.

Tuyến đường bộ cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45.
Tuyến đường bộ cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45.

Công tác chuẩn bị đang được triển khai, bao gồm xây dựng trạm thu phí, hệ thống ITS, ETC, trạm dừng nghỉ và các thiết bị điều hành giao thông. Cục Đường bộ cũng đang tổ chức đấu thầu rộng rãi công tác bảo dưỡng và sửa chữa đường bộ cao tốc, đảm bảo minh bạch trong thu phí.

Hiện cả nước có 35 tuyến cao tốc với 13 tuyến đang thu phí. Các tuyến mới thu phí sẽ góp phần tạo nguồn thu ổn định, nâng cao hiệu quả khai thác và hoàn vốn đầu tư cho các tuyến đường do Nhà nước xây dựng.

Quảng Trị phát triển năng lượng tái tạo với dự án điện gió SCI Tân Thành

UBND tỉnh Quảng Trị đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy điện gió SCI Tân Thành tại các xã Húc, Ba Tầng, Hướng Lộc (huyện Hướng Hóa), với công suất phát điện 30 MW.

Dự án có tổng vốn đầu tư 1.262,5 tỷ đồng, diện tích sử dụng khoảng 10,49 ha, thời gian hoạt động 50 năm. Công trình sẽ được khởi công trong quý IV/2025 và vận hành từ quý IV/2026. Nhà đầu tư sẽ được lựa chọn theo hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Một Dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Một dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Dự án thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư, được triển khai tại khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định.

Trước đó, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt dự án Nhà máy điện gió SCI Hướng Việt công suất 26 MW tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tổng vốn đầu tư 1.018,51 tỷ đồng, cũng theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Việc phát triển các dự án điện gió thể hiện định hướng chiến lược của Quảng Trị trong thúc đẩy năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.

Đề xuất phương án đầu tư tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum vốn 44.355 tỷ đồng

Bộ Xây dựng đề xuất đầu tư tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Kon Tum dài khoảng 144 km, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80–100 km/h, với tổng vốn đầu tư khoảng 44.355 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công.

Tuyến có điểm đầu tại huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) và điểm cuối tại TP. Kon Tum, đi qua địa hình khó khăn ở đèo Violắk và đèo Măng Đen. Đây là dự án quan trọng kết nối Đông – Tây giữa Quảng Ngãi và Kon Tum, đồng thời liên kết các cửa khẩu Lào – Campuchia với các trục dọc Bắc – Nam, khu kinh tế ven biển và các điểm du lịch như Măng Đen, Lý Sơn.

Dự án phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ và quy hoạch phát triển hai địa phương giai đoạn 2021–2030. Bộ Xây dựng đã hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi, đề xuất đầu tư toàn tuyến theo quy hoạch.

Nếu thực hiện theo quy định hiện hành, dự án có thể khởi công vào tháng 12/2026 và hoàn thành cuối năm 2029; nếu áp dụng cơ chế đặc thù, thời gian có thể rút ngắn, khởi công từ tháng 10/2026 và hoàn thành vào tháng 9/2029.

Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng quyết định cơ quan chủ quản dự án, theo hướng giao địa phương quản lý để đảm bảo thống nhất trong toàn bộ quá trình đầu tư.

TP. Đông Hà bắt đầu cải tạo giao thông khu thu nhập thấp

Sáng 8/5, UBND TP. Đông Hà khởi công hạng mục giao thông thuộc Dự án cải tạo các khu thu nhập thấp trong khuôn khổ Dự án Phát triển đô thị ven biển miền Trung hướng đến tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu.

Các đại biểu làm lễ Khởi công công trình Cải tạo các khu thu nhập thấp (LIA) - hạng mục giao thông. Ảnh: Hồng Hà
Các đại biểu làm lễ Khởi công công trình Cải tạo các khu thu nhập thấp (LIA) - hạng mục giao thông. Ảnh: Hồng Hà

Dự án do UBND TP. Đông Hà làm chủ đầu tư, được Cơ quan Phát triển Pháp tài trợ, triển khai từ 2024–2027 với tổng vốn hơn 1.152 tỷ đồng. Hạng mục giao thông là phần việc đầu tiên, cải tạo 67 tuyến đường, tổng chiều dài hơn 16,4 km, mặt đường từ 5–10 m, sử dụng bê tông nhựa, tổng giá trị hợp đồng hơn 111,4 tỷ đồng.

Công trình do liên danh hai doanh nghiệp Quảng Trị thi công, dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2027.

Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND TP. Đông Hà Hồ Sỹ Trung nhấn mạnh, dự án sẽ góp phần cải thiện điều kiện sống, kết nối hạ tầng, đảm bảo an toàn giao thông và hiện thực hóa mục tiêu phát triển đô thị xanh đến năm 2045. TP. Đông Hà cam kết chỉ đạo sát sao để đảm bảo tiến độ, chất lượng và hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Bộ Xây dựng đã giải ngân 13.201 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt khoảng 15,88% kế hoạch năm 2025

Tính đến ngày 30/4/2025, Bộ Xây dựng đã giải ngân khoảng 13.201 tỷ đồng, đạt 15,88% kế hoạch năm, tương đương mức bình quân cả nước. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt 78,1% kế hoạch giải ngân đăng ký.

Riêng tháng 4, các chủ đầu tư chỉ giải ngân được 4.639/8.754 tỷ đồng cần thiết (gồm phần kế hoạch và bù phần chậm tháng trước), thấp hơn tháng 3 và không đạt cả chỉ tiêu tháng. Nguyên nhân chính là do chậm nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành.

Thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Trong tháng 5, các đơn vị dự kiến giải ngân 5.872 tỷ đồng, cộng thêm 3.694 tỷ đồng chậm lũy kế, nâng tổng nhu cầu tháng lên hơn 9.500 tỷ đồng – gấp gần ba lần bình quân tháng trước, tạo áp lực rất lớn.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 Bộ Xây dựng được giao là hơn 83.700 tỷ đồng, dự kiến tăng lên 95.014 tỷ đồng nếu được bổ sung từ vốn tăng thu và vốn kéo dài. Để đạt mục tiêu giải ngân, từ nay đến tháng 1/2026, mỗi tháng cần giải ngân hơn 10.200 tỷ đồng – bằng cả 4 tháng đầu năm cộng lại.

Ninh Bình khởi công nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô gần 1.400 tỷ đồng

Ngày 8/5, tại Cụm công nghiệp Văn Phong (huyện Nho Quan), Công ty TNHH Công nghệ BEI KE YUAN (BKY) phối hợp cùng Công ty TNHH Thiên Phú tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô và thiết bị công nghệ cao, tổng vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng.

Dự án triển khai trên khu đất 15,6 ha, gồm các hạng mục sản xuất phụ tùng ô tô, linh kiện điện tử, thiết bị bán dẫn, hệ thống xử lý môi trường và dịch vụ cho thuê nhà xưởng. Nhà máy dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động từ quý I/2027, góp phần tạo việc làm chất lượng cao, tăng thu ngân sách và thúc đẩy phát triển công nghiệp địa phương.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công xây dựng nhà máy. Ảnh: Báo Ninh Bình
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công xây dựng nhà máy. Ảnh: Báo Ninh Bình

Đại diện BEI KE YUAN đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và nỗ lực cải cách hành chính. Ninh Bình được lựa chọn nhờ vị trí chiến lược, kết nối thuận lợi với các trung tâm công nghiệp lớn và gần các đối tác Hàn Quốc, giúp tối ưu chi phí logistics và hiệu quả chuỗi cung ứng.

Dự án được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn trong chiến lược thu hút đầu tư công nghệ cao, thân thiện môi trường và phát triển bền vững của tỉnh.

Vốn FDI đổ vào TP.HCM tăng vọt so với cùng kỳ

Trong 4 tháng đầu năm 2025, TP.HCM thu hút hơn 1,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng 64,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 12 dự án đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D) với tổng vốn 52 triệu USD.

Để tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại, Thành phố sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, ứng dụng công nghệ cao và phát triển chương trình chuyển đổi số.

Nhân viên của Intel thực hiện đóng gói chip tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn
Nhân viên của Intel thực hiện đóng gói chip tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Theo ông Lê Văn Thinh, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza), thành phố đang triển khai cơ chế thu hút đầu tư đặc biệt, đồng thời rà soát, phát triển quỹ đất mới với mục tiêu mở rộng thêm 1.000 ha trong 3 năm tới. Năm nay, TP.HCM sẽ đầu tư hạ tầng cho 4 khu công nghiệp và đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp.

TS. Trương Minh Huy Vũ nhận định, giai đoạn chuẩn bị hợp nhất với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ hội lớn để TP.HCM đón làn sóng đầu tư mới. Đồng thời, cần đi đầu trong thực hiện các sáng kiến phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết 68-NQ/TW, tạo đà bứt phá cho tăng trưởng kinh tế.

Dự án Đại Hùng giai đoạn 3 đón dòng dầu thương mại đầu tiên

Ngày 7/5/2025, Dự án phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 3 chính thức khai thác dòng dầu thương mại đầu tiên với lưu lượng 6.000 thùng/ngày, về đích sớm 20 ngày so với kế hoạch hiệu chỉnh. Đây là dấu mốc quan trọng đúng dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Petrovietnam.

Mỏ Đại Hùng thuộc Lô 05-1(a), bể Nam Côn Sơn, do PVEP sở hữu 100% quyền lợi và PVEP POC điều hành. Từ năm 2003 đến nay, mỏ đã khai thác gần 75 triệu thùng dầu, đóng góp lớn vào nguồn thu quốc gia.

Toàn cảnh Giàn WHP-DH01, thuộc Dự án phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 3.
Toàn cảnh Giàn WHP-DH01, thuộc dự án phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 3.

Dự án giai đoạn 3 được Thủ tướng phê duyệt FDP năm 2022. Toàn bộ các công đoạn như thiết kế, thi công, giám sát... đều do người Việt trong hệ sinh thái Petrovietnam thực hiện. Tổng thầu là liên doanh Vietsovpetro, cùng PTSC và PV Drilling.

Dự án không chỉ giúp duy trì sản lượng khai thác, nâng cao hiệu quả kinh tế, mà còn mở ra cơ hội mở rộng thăm dò tại lô 05.1(a) và các lô lân cận, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và chủ quyền quốc gia. Đây là minh chứng cho năng lực nội lực mạnh mẽ và tinh thần tự lực bền bỉ của Petrovietnam sau 50 năm phát triển.

Gấp rút hoàn tất thủ tục, cầu Tứ Liên sẽ khởi công đúng kế hoạch

Dự án cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu nối từ nút giao Nghi Tàm đến nút giao Trường Sa (Hà Nội) đang được triển khai gấp rút, với mục tiêu ký hợp đồng tổng thầu và tư vấn giám sát vào ngày 18/5 và khởi công vào ngày 19/5/2025.

Ban Quản lý dự án đã phát hành hồ sơ mời thầu quốc tế EPC từ ngày 11/4, đặt mục tiêu đóng thầu vào 16/5 và hoàn tất thẩm định, ký hợp đồng đúng tiến độ theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 77/NQ-CP. Việc giải phóng mặt bằng có nhiều tiến triển, với phần mốc giới sông Hồng, sông Đuống sẽ được bàn giao đầy đủ trước 15/5.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên đang được gấp rút triển khai.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên đang được gấp rút triển khai.

Sở Xây dựng đã hoàn tất thẩm định thiết kế kỹ thuật tổng thể và dự toán. Dự kiến vị trí khởi công tại khu đất thuộc Công ty CP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam. Các phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy cũng đã được chấp thuận.

Ban Quản lý dự án đang phối hợp các sở, ngành để hoàn thiện thủ tục, bố trí mặt bằng thi công và đảm bảo khởi công đúng kế hoạch, hướng tới hoàn thành một công trình giao thông trọng điểm của Thủ đô.

Đường dây giải tỏa công suất Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 thi công xuyên nghỉ lễ

Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, công nhân vẫn miệt mài thi công Dự án đường dây 220 kV Nhơn Trạch 3 - rẽ Mỹ Xuân - Cát Lái nhằm kịp tiến độ hoàn thành trong tháng 6/2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dự án dài 6,83 km, do EVNNPT làm chủ đầu tư, có vai trò quan trọng trong việc giải tỏa công suất Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, đảm bảo cung cấp điện cho TP.HCM và vùng lân cận.

Thi công đào hố móng vị trí 18 Dự án đường dây 220kV Nhơn Trạch 3 - rẽ Mỹ Xuân - Cát Lái ngày 3/5/2025.
Thi công đào hố móng vị trí 18 Dự án đường dây 220kV Nhơn Trạch 3 - rẽ Mỹ Xuân - Cát Lái ngày 3/5/2025.

Hiện đã hoàn thành 9/11 móng, dựng 6/11 cột, còn lại hai móng (vị trí 17 và 18) khó thi công do địa hình phụ thuộc thủy triều. Đơn vị thi công cam kết hoàn thành móng trong khoảng 12-14/5 và hoàn tất toàn bộ dự án trong tháng 6. Tuy nhiên, việc bàn giao mặt bằng tại một số điểm vẫn gặp vướng mắc do người dân chưa đồng thuận.

Ban Quản lý dự án đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ tuyên truyền, phê duyệt phương án bồi thường, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ. Dự án hoàn thành sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Sẽ mở rộng cảng Chân Mây - Huế thêm 458 ha

Ngày 5/5, HĐND TP. Huế đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung quy hoạch phân khu xây dựng cảng Chân Mây, nâng tổng quy mô lên 1.160 ha, tăng thêm 458 ha so với quy hoạch hiện tại. Việc điều chỉnh nhằm phát triển cảng Chân Mây thành cảng tổng hợp quốc tế, bao gồm bến container, hàng rời, hàng lỏng/khí và bến tàu du lịch. Đây sẽ là đầu mối giao thông đường biển quan trọng, kết nối liên vùng và trung chuyển hàng hóa cho Lào, Đông Bắc Thái Lan.

Cảng Chân Mây tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, TP. Huế. Ảnh: Ngọc Tân
Cảng Chân Mây tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, TP. Huế. Ảnh: Ngọc Tân

Việc mở rộng phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050 và các quy hoạch của tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo Quyết định 1745/QĐ-TTg, cảng Chân Mây được định hướng tiếp nhận tàu trọng tải đến 200.000 tấn, container 4.000 TEU, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT. Chủ tịch UBND TP. Huế khẳng định, điều chỉnh này là bước đi chiến lược để cảng Chân Mây đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển và hội nhập khu vực.

Ninh Bình khởi công nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô gần 1.400 tỷ đồng
Ngày 8/5, tại Cụm công nghiệp Văn Phong (huyện Nho Quan), Công ty TNHH Công nghệ BEI KE YUAN (BKY) và Công ty TNHH Thiên Phú khởi công xây dựng nhà máy sản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư