Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
PV GAS - khát vọng của gazprom Việt
Hoàng Thịnh - 22/09/2013 10:08
 
Ngày mai, 23/9, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) sẽ kỷ niệm 23 năm thành lập. Không nhiều người biết, việc thành lập PV GAS xuất phát từ một lý do tưởng rất đơn giản, đó là sản lượng khí đồng hành mỏ Bạch Hổ, nếu không được đưa vào bờ để sử dụng, sẽ phải đốt bỏ ngoài khơi.

Và rồi, bằng sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ kỹ thuật viên Việt Nam và sự hỗ trợ của đối tác nước ngoài, 1 triệu m3 khí đầu tiên đã vào bờ trong điều kiện thiếu thốn vật chất, phương tiện kỹ thuật.

   
 

PV GAS đang phấn đấu trở thành một trong những công ty tinh lọc khí thiên nhiên lớn nhất thế giới

 

Bước khởi đầu khó khăn, nhưng sau đó 15 năm, thời kỳ 2006 - 2010 đã đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện của PV GAS.

Ban đầu là chuyển đổi thành công từ mô hình công ty nhà nước sang mô hình công ty TNHH một thành viên vào năm 2007 và chuyển sang mô hình tổng công ty vào năm 2008.

Sau đó là việc đưa một loạt hệ thống khí PM3 - Cà Mau, Kho chứa nổi LPG, Sư tử Đen - Sư tử Vàng, đường ống Phú Mỹ - TP.HCM, hệ thống các kho chứa khí hóa lỏng tại các khu vực Bắc - Trung - Nam… đi vào vận hành. PV GAS đã góp phần cơ bản hình thành ngành công nghiệp khí Việt Nam.

Bước ngoặt lớn đã đến vào tháng 5/2011, khi PV GAS chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, với vốn điều lệ 18.950 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ, đối tác chiến lược khoảng 15% và chào bán ra công chúng 10%.

“Việc cổ phần hóa PV GAS là hướng đột phá, nhằm tiếp tục triển khai chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước mà Đảng, Chính phủ đã đề ra. Qua đó, huy động vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước để nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, áp dụng các phương thức quản trị doanh nghiệp và quản lý tiên tiến trên thế giới, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư trong và ngoài nước của Tổng công ty, nâng cao khả năng cạnh tranh, gia tăng mức độ quốc tế hóa, xã hội hóa các hoạt động của ngành công nghiệp khí Việt Nam”, ông Đỗ Khang Ninh, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc PV GAS khẳng định.

Theo bảng cáo bạch, PV GAS là nhà cung cấp khí khô duy nhất tại Việt Nam và cũng là nhà cung cấp khí hóa lỏng LPG số một trên thị trường. Cụ thể, PV GAS đang cung cấp lượng khí khô để sản xuất 45% sản lượng điện, 30% sản lượng đạm toàn quốc. “Ước tính, nhờ ngành công nghiệp khí, ngành điện Việt Nam có thể dùng sản phẩm khí thay cho dầu DO và đã tiết kiệm được 10 tỷ USD”, một thành viên HĐQT PV GAS tính toán.

Nhờ nhu cầu sử dụng khí liên tục tăng mạnh, nên dù chào sàn vào đúng lúc thị trường đi xuống, cổ phiếu GAS vẫn là một trong những cổ phiếu blue-chip hiếm hoi đi ngược thị trường. Kết quả kinh doanh ấn tượng, liên tục báo cáo lãi đã biến GAS thành “thỏi nam châm” được khối ngoại săn đón.

PV GAS kỷ niệm 23 năm thành lập với một vị thế mới: được đứng vào hàng ngũ những doanh nghiệp tỷ đô. Trong lúc hàng loạt doanh nghiệp báo cáo lỗ hoặc giải thể như hiện nay, thì PV GAS vẫn giữ được đà tăng trưởng mạnh và đã vươn lên dẫn dầu trong top 6 doanh nghiệp niêm yết và 2 ngân hàng vừa công bố đạt lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng của nửa đầu năm nay.

Theo ước tính của PV GAS, đến năm 2015, các nhà máy điện Việt Nam sẽ cần 16,3 tỷ m3 khí thiên nhiên. Để đáp ứng nhu cầu này, PV GAS dự kiến tăng sản lượng lên ít nhất 14,7 tỷ m3 khí, tăng khoảng 50% so với sản lượng hiện nay.

Được biết, để đảm bảo sự phát triển vững chắc và ổn định ngành công nghiệp khí, góp phần thỏa mãn tối đa nhu cầu ngày càng tăng về khí và các sản phẩm khí của đất nước, ngoài việc vận hành an toàn các hệ thống khí hiện có, PV GAS đang tích cực triển khai nhiều dự án có tổng mức đầu tư lên đến hàng tỷ USD, để đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2011 - 2015.

Đó là các dự án: Hải Sư Trắng/Hải Sư Đen, Tê Giác Trắng, Hải Thạch Mộc Tinh, Chim Sáo, Lô B-Ô Môn (hợp tác với Tập đoàn Chevron của Mỹ, Mitsui của Nhật, PTTEP của Thái Lan), kho chứa LPG lạnh 60.000 tấn, nhập LNG, sản xuất LNG tại Nga, sản xuất ethane...

“Mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là đóng vai trò chủ đạo trong công nghiệp khí trên toàn quốc và phát triển ra thị trường quốc tế, vươn lên hàng thứ 4 khu vực ASEAN và có tên trong danh sách các tập đoàn khí mạnh của châu Á”, ông Ninh nói và cho biết, PV GAS đang từng bước phấn đấu để trở thành một trong những công ty tinh lọc khí thiên nhiên lớn nhất thế giới (gazprom).

Lên kế hoạch cổ phần hóa nhiều Tổng công ty "khủng"
Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư