Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lên kế hoạch cổ phần hóa nhiều Tổng công ty "khủng"
Thanh Hương - 15/09/2013 19:01
 
Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) sớm xây dựng kế hoạch cổ phần hóa các Tổng công ty phát điện. Đây là bước chuẩn bị cho hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh tại Việt Nam. >>> Thiếu vốn nghiêm trọng, Genco cầu cứu EVN >>> Cắt khí Nam Côn Sơn, EVN đổ dầu phát điện >>> EVN ngóng vốn Nhật Bản

Hiện tại, EVN có 3 Tổng công ty phát điện là Genco 1, 2, 3 đã chính thức hoạt động từ tháng 1/2013. PVN có Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVP), còn Vinacomin có Tổng công ty Điện lực.

Việc cổ phần hóa các Tổng công ty phát điện này cũng được xem là một bước chuẩn bị cho hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh tại Việt Nam, sau giai đoạn triển khai thị trường cạnh tranh trong khâu phát điện đang diễn ra hiện nay

Cho tới thời điểm này, thị trường phát điện cạnh tranh đã đi vào hoạt động chính thức được hơn 1 năm. Bên cạnh những mặt tích cực, thị trường cũng đã bộc lộ những hạn chế. Đó là tính cạnh tranh trong thị trường còn thấp, các nhà máy điện trực tiếp chào giá mới chỉ chiếm 37,8% công suất lắp đặt toàn hệ thống, tính toán kế hoạch sản xuất của các nhà máy tham gia thị trường còn nhiều ý kiến khác nhau.

Đặc biệt, hạ tầng công nghệ thông tin còn là một trong những nguyên nhân hạn chế tham gia thị trường của một số nhà máy điện, giá truyền tải còn thấp, làm hạn chế sự phát triển của lưới điện truyền tải, ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện, gây nghẽn mạch trong một số chế độ vận hành…

Các kỹ sư của nhà máy thủy điện Đa Nhim (Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi) đang kiểm tra dữ liệu. Ảnh Thanh Hương

Cũng theo yêu cầu của Phó thủ tướng, Bộ Công thương phải khẩn trương xây dựng các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chính của các tổ máy phát điện theo công suất tổ máy, nhiên liệu chính sử dụng, theo công nghệ.

Đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với EVN để xem xét, hoàn thiện phương pháp, quy trình tính toán nhu cầu phụ tải theo hướng hợp lý, minh bạch hơn, đảm bảo các nhà máy điện tham gia thị trường có thể giám sát được kết quả tính toán.

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng phải lên kế hoạch cụ thể để các đơn vị có liên quan đưa các nhà máy điện có đủ điều kiện tham gia trực tiếp giao dịch vào thị trường, nâng cao tính cạnh tranh của thị trường điện.

Trong các vấn đề được lưu ý để thực hiện thị trường điện, Phó thủ tướng cũng yêu cầu các nhà máy điện tham gia thị trường điện phải tuyệt đối tuân thủ yêu cầu của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia để đảm bảo an ninh hệ thống.

Đây là điều không thừa bởi với thực tế cổ phần hóa các nhà máy điện đang được đẩy mạnh, câu chuyện lợi nhuận của các nhà máy điện khi chọn thời điểm phát điện lên lưới và yêu cầu huy động các tổ máy theo điều động của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia có khả năng mâu thuẫn với nhau, nhất là trong những thời điểm căng thẳng cấp điện cho nền kinh tế.

Báo cáo của Cục Điều tiết Điện lực (ERAV - Bộ Công thương) sau 1 năm vận hành chính thức thị trường phát điện cạnh tranh cũng cho hay, mới chỉ có 33 nhà máy điện do 27 đơn vị đại diện trực tiếp chào giá trên thị trường điện. Các nhà máy này có tổng công suất là 9.523 MW. Trong khi đó, tổng số nhà máy điện đang vận hành trong hệ thống là 89 (không kể các nhà máy thủy điện nhỏ) với tổng công suất đặt là 25.565 MW.

Việc huy động các nhà máy điện tham gia chào giá trên thị trường phụ thuộc vào việc chào giá của các nhà máy điện và nhu cầu phụ tải của hệ thống trên thị trường điện.

Cũng có 56 Nhà máy điện không trực tiếp chào giá trên thị trường với tổng công suất đặt gần 16.042 MW, chiếm 62,7% tổng công suất đặt toàn hệ thống (không kể các nhà máy thủy điện nhỏ). Lý do được đưa ra là chưa hoàn thành hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường điện, chưa đăng ký hoặc không được tham gia thị trường điện.

Trong số 56 nhà máy này có 11 Nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu với tổng công suất 6.761 MW (chiếm 26,4% tổng công suất toàn hệ thống), không tham gia thị trường điện theo Quy định Thị trường điện. Có 4 Nhà máy nhiệt điện dầu do giá thành sản xuất cao, gồm Cần Thơ, Thủ Đức, Hiệp Phước, Ô Môn có tổng công suất đặt là 1.089 MW (4,3%) cũng không tham gia theo quy định của thị trường điện.

Ngoài ra, có 5 nhà máy nhiệt điện tua bin khí có tổng công suất là 3276 MW (12,8%) gồm Cà Mau 1, 2 do yêu cầu khai thác tối đa khí PM3, hay các nhà máy BOT Phú Mỹ 2.2, BOT Phú Mỹ 3 (do ràng buộc của hợp đồng mua bán điện) và Nhà máy điện Bà Rịa (do không đủ khí).

Ba nhà máy nhiệt điện than gồm Uông Bí mở rộng, Mạo Khê và Formosa có tổng công suất 1.340 MW (5,2%) chưa đáp ứng các điều kiện tiên quyết để tham gia thị trường điện.

Cũng có tới 29 nhà máy thủy điện với tổng công suất là 3.534,5 MW (13,8%), là các nhà máy thủy điện có hồ điều tiết này hay hạch toán phụ thuộc các Tổng công ty Phát điện của EVN chưa tham gia thị trường do chưa đảm bảo các điều kiện tiên quyết tham thị trường điện.

Qua 1 năm thực hiện thị trương phát điện cạnh tranh cũng cho thấy, giá thị trường điện đã phản ánh cân bằng cung cầu và tình hình thực tế vận hành của hệ thống về mùa mưa và mùa khô.

Thống kê của ERAV cho hay, tổng sản lượng thực phát từ tháng 7/2012 đến tháng 6/2013 của các nhà máy điện tham gia thị trường là 50,87 tỷ kWh, lớn hơn tổng sản lượng cam kết mua bán gần 7,38 tỷ kWh. Trong đó sản lượng thực phát của các Nhà máy thủy điện là 6,79 tỷ kWh và các nhà máy nhiệt điện là 44,08 tỷ kWh.

Tổng số tiền thanh toán sau 1 năm vận hành theo cơ chế thị trường điện gần 50.524 tỷ đồng, cao hơn so với thanh toán theo cơ chế cũ giá theo hợp đồng gần 188 tỷ đồng.

Cắt khí Nam Côn Sơn, EVN đổ dầu phát điện
Tổng phụ tải điện ở khu vực miền Nam hiện dao động khoảng 180-190 triệu kWh/ngày, riêng các ngày chủ nhật là khoảng 150 triệu kWh/ngày. Trong khi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư