Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 04 năm 2025,
Quản chặt nguyên liệu làm hàng xuất khẩu
Thế Hải - 11/04/2025 16:41
 
Các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu phải tăng cường quản lý chặt về xuất xứ nguyên liệu trong sản xuất hàng xuất khẩu, việc này nhằm tránh những tác động không tích cực tới xuất khẩu của Việt Nam.
Để chặn gian lận xuất xứ, Bộ Công Thương đề nghị các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu tăng cường quản lý nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu.
Bộ Công thương đề nghị các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu quản lý nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu.

Bộ Công thương vừa ban hành Văn bản số 2515/BCT-XNK về tăng cường quản lý nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hoá xuất khẩu.

Văn bản này được gửi tới các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Bộ Công thương cho biết, tình hình thương mại quốc tế diễn biến nhanh và khó lường, Mỹ áp dụng chính sách thuế quan đối với nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.

Để chủ động thích ứng với tình hình mới, vì lợi ích hài hoà của Việt Nam với các đối tác mà không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Công thương đề nghị các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời thông tin về cơ chế chính sách, động thái thị trường thương mại quốc tế nhằm khuyến cáo, hướng dẫn các doanh nghiệp hội viên chủ động phương án trong sản xuất và xuất khẩu.

Hiệp hội ngành hàng là đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp hội viên mở rộng, đa dạng hoá nguồn cung nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, hạn chế phụ thuộc vào một thị trường nguyên liệu nhập khẩu.

Khuyến cáo các doanh nghiệp hội viên lưu ý bảo đảm nguồn gốc nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, đáp ứng yêu cầu nước nhập khẩu về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tránh gian lận xuất xứ hàng hoá.

Các doanh nghiệp xuất khẩu được khuyến nghị chủ động xây dựng kế hoạch thích ứng với tình hình thương mại quốc tế mới thông qua tìm kiếm khách hàng, đối tác từ các thị trường nhập khẩu còn nhiều dư địa, tiềm năng để khai thác và phát triển.

Bộ cũng lưu ý các doanh nghiệp cân nhắc nguồn cung nguyên liệu để sản xuất hàng hoá xuất khẩu, bảo đảm yêu cầu của nhà nhập khẩu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xuất xứ hàng hoá xuất khẩu.

Quy mô ngoại thương của Việt Nam xấp xỉ 800 tỷ USD vào cuối năm ngoái và dự báo sẽ sớm đạt mốc 1.000 tỷ USD. Việt Nam đã lọt top 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, nhưng đi kèm theo đó là những rủi ro liên quan đến xuất xứ hàng hóa, gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp, nếu những vấn đề này không được quản chặt.

Bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp được khuyến nghị đẩy nhanh việc đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường, dẫn đến nguy cơ có thể tạo ra cơ sở cho các nước khởi kiện hay áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong trường hợp xuất khẩu từ Việt Nam gia tăng đột biến.

Tính đến nay, đã có 282 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong số này có tới 39 vụ việc liên quan đến chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Thị trường áp dụng biện pháp "chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại" nhiều nhất với hàng hóa Việt Nam là Mỹ. Biện pháp chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại được các quốc gia sử dụng nhằm ngăn chặn các hành vi thay đổi nguồn gốc của các mặt hàng xuất khẩu đang bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp để “né” thuế.

Bộ Công thương lưu ý doanh nghiệp kiểm soát xuất xứ nguyên vật liệu
Để giảm thiểu rủi ro từ các biến động thương mại quốc tế, doanh nghiệp cần chú trọng kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư