Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Quản lý HTX phải thống nhất từ Trung ương đến địa phương
Mạnh Bôn - 24/12/2016 13:12
 
Cả nước hiện có trên 20.000 HTX, 150.000 tổ hợp tác, nhưng cơ quan quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể gần như không có.
.
Hiện chưa có một bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể từ Trung ương xuống địa phương.

Câu hỏi đặt ra là có nên thành lập một cơ quan quản lý nhà nước thống nhất từ Trung ương đến địa phương đối với khu vực kinh tế này hay không?  

Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh cho biết, kết quả điều tra và khảo sát thực tế cho thấy, tình trạng vi phạm luật HTX một phần do thiếu chế tài xử lý vi phạm và phần quan trọng là thiếu bộ máy thống nhất quản lý nhà nước về HTX từ Trung ương đến địa phương.

Để Luật HTX năm 2012 phát huy hiệu quả trong thực tiễn thì trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật và các chủ trương, chính sách của nhà nước nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ quản lý kinh tế hợp tác các cấp.

Cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho cán bộ quản lý hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Tăng cường sự chỉ đạo, trách nhiệm phối hợp của các sở, ngành, địa phương, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý và thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể như hỗ trợ khoa học và công nghệ, tài chính tín dụng, đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng, thông tin thị trường,…

Chính vì vậy, khi xây dựng Luật HTX năm 2012, nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIII cho rằng, cần tăng phải cường quản lý nhà nước về HTX và kiến nghị cần phải có một bộ máy quản lý nhà nước thống nhất từ Trung ương tới địa phương, có đủ tầm, đủ lực để tổ chức thực hiện luật, giám sát, kiểm tra thi hành luật và thực hiện chính sách hỗ trợ HTX.

“Nhiều nước, nhất là các nước đang phát triển, như Thailand, Malaysia, Indonessia, Myanmar, Kenya, Nigeria, Ai cập… đã thành lập bộ hoặc ủy ban ngang bộ chuyên trách về phát triển HTX và đạt kết quả tốt trong thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác”, ông Vinh cho biết.

Hiện tại, ở Việt Nam nhiều người vẫn nhầm tưởng Liên minh HTX Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác ở Trung ương. Còn ở dưới địa phương, lãnh đạo không ít tỉnh, thành gần như “mặc định” liên minh HTX là một cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, có vai trò, chức năng, nhiệm vụ như các sở, ngành ở địa  phương.

Theo ông Lê Đắc Lâm (Đại biểu Quốc hội khóa XIII), Liên minh HTX Việt Nam chỉ là hội đặc thù và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ thành viên là HTX nên không thể tổ chức Liên minh HTX vừa là tổ chức hội đặc thù lại vừa có chức năng quản lý nhà nước.

“Để tổ chức HTX hoạt động có hiệu quả, Chính phủ cần phải có quy định cụ thể về công tác quản lý nhà nước, tức là bộ máy quản lý nhà nước và phân cấp quản lý nhà nước cho các địa phương một cách thống nhất đối với HTX. Đặc biệt là chính sách, chế độ đối với cán bộ, nhân viên làm việc ở tổ chức HTX”, ông Lâm đề xuất.   

Theo Luật HTX năm 2012 thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ quản lý nhà nước về HTX nhưng cả Vụ HTX chỉ có hơn chục biên chế. Ngoài ra còn có 6 bộ khác cũng có chức năng quản lý đối với HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau như Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…  

“Mặc dù có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, nhưng hầu hết các bộ gần như buông lỏng quản lý, không thành lập tổ chức, thậm chí không bố chí nhân sự để quản lý, theo dõi, hỗ trợ kinh tế tập thể ngoài Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngay cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn trong đó Phòng HTX chỉ được bố trí… đúng 3 nhân sự nhưng phải làm rất nhiều việc khác, phần làm chuyên về HTX chỉ chiếm 10% công việc. Còn ở địa phương, biên chế dành cho công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể là con số không”, Phó vụ trưởng Vụ HTX, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TS. Phùng Quốc Chí cho biết.

Vẫn theo ông Chí, ở các nước có kinh tế hợp tác phát triển đều có cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về lĩnh vực này như Indonesia có Bộ HTX, Malaysia có Bộ HTX và Bảo vệ người tiêu dùng, Thailand thành lập Cục Phát triển HTX với hơn 4.000 nhân viên và tổ chức theo ngành dọc từ trung ương tới địa phương. Ở các nước phát triển khác như Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Canada… nước nào cũng có số lượng nhân viên chuyên trách làm nhiệm vụ quản lý, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể  hàng ngàn người.

Chưa có một bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể từ Trung ương xuống địa phương, theo ông Chí cũng là một trong những nguyên nhân khiến đóng góp của khu vực kinh tế này vào GDP không tương xứng với tiềm năng, lợi thế và ngày càng bị khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài “lấn lướt”, HTX vẫn được coi là thành phần “yếm thế” trong xã hội.

Chính vì vậy, Kết luận 56-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể đã chỉ rõ, công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể còn nhiều hạn chế, bộ máy phân tán, hoạt động kém hiệu quả là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế tập thể vẫn chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài. Tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tập thể chậm, thiếu ổn định, tỉ lệ đóng góp vào GDP không đạt được mục tiêu đề ra. Nhiều HTX chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật; còn có những biểu hiện hình thức, xa rời bản chất các nguyên tắc và giá trị HTX; sự liên kết, hợp tác của các HTX chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, vai trò của liên hiệp HTX chưa được phát huy. 

Trước thực tế này, trong cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào cuối tháng 4 vừa qua, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, nghiên cứu để kiện toàn lại bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể theo hướng xây dựng bộ máy quản lý nhà nước thống nhất từ Trung ương tới cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn.

Một điểm sáng trong việc quản lý, chuyển đổi mô hình HTX là tỉnh Bình Thuận. Theo đó, kể từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực, Bình Thuận đã có 77/88 hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi và tổ chức hoạt động theo Luật mới, đạt tỷ lệ 87,5% so với số HTX đang hoạt động và 81% so với tổng số hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chậm chuyển đổi hợp tác xã: Không phải do chính sách
Chậm chuyển đổi hợp tác xã (HTX) không phải do chính sách. Việc hình thành các HTX kiểu mới đã cho thấy điều này khi khẳng định được vai trò...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư