Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Quảng Bình: Hoạt động khai thác khoáng sản còn nhiều hạn chế
Nguyễn Toàn - 01/02/2023 19:08
 
Các đơn vị khai thác khoáng sản không theo thiết kiết mỏ đã được phê duyệt; khai thác trái phép, thực hiện không đầy đủ việc cắm mốc theo quy định, khai thác vượt công suất cho phép…

UBND tỉnh Quảng Bình vừa cho biết, qua công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản của các đơn vị được UBND tỉnh cấp phép, các đơn vị đã hoàn thành thủ tục, hồ sơ cấp phép và tiến hành khai thác đúng vị trí được giao, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản đến Sở Tài nguyên và Môi trường.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Bình cho hay, các đơn vị vẫn còn một số tồn tại như khai thác không theo thiết kiết mỏ đã được phê duyệt; khai thác trái phép, thực hiện không đầy đủ việc cắm mốc theo quy định, khai thác vượt công suất cho phép, báo cáo định kỳ không đúng mẫu, thiếu số liệu...

Theo đó, kết quả thanh tra, kiểm tra xử ý vi phạm pháp luật về khoáng sản đã phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời các sai phạm. Trong năm 2022, UBND tỉnh Quảng Bình, các ngành, UBND các huyện, thị xã đã xử lý vi phạm 235 trường hợp với số tiền xử phạt và truy thu là 9.868.597.810 đồng (trong đó, số tiền xử phạt hơn 4,335 tỷ đồng, số tiền truy thu hơn 5,533 tỷ đồng).

UBND tỉnh Quảng Bình cũng cho hay, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản còn có những hạn chế như nguồn nhân lực có đủ năng lực theo quy định của Luật khoáng sản 2010 để bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ còn thiếu; năng lực tài chính của các chủ đầu tư khai thác khoáng sản còn thấp, thiết bị khai thác, chế biến còn lạc hậu…

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đánh giá, hoạt động khai thác khoáng sản ảnh hưởng đến chất lượng môi trường như xói mòn, sụt đất, rừng ở vùng lân cận bị chặt phá để lấy diện tích chứa chất thải mỏ trong một số trường hợp; thay đổi cảnh quan; ảnh hưởng thủy văn khu vực…

“Việc khai thác các cát, sạn lòng sông bừa bãi, thiếu quy hoạch làm đục nước sông thay đổi địa hình lòng sông và dòng chảy, cản trở thuyền bè qua lại và gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy, sạt lở các bờ sông, nhất là ở sông Gianh và sông Dinh”, UBND tỉnh Quảng Bình thông tin.

Theo báo cáo, năm 2022, tỉnh Quảng Bình đã cấp 3 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; tổ chức đấu giá thành công 4 mỏ khoáng sản gồm 1 mỏ đá xây dựng, 3 mỏ đất san lấp; phê duyệt trữ lượng 3 báo cáo kết quả thăm dò theo các giấy phép được cấp trước năm 2022; có 5 giấy phép thăm dò cấp năm 2021 còn hiệu lực và đang thực hiện các hạng mục công việc theo đề án đã được phê duyệt (không có tổ chức, cá nhân nào được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong năm 2022).

Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, đến thời điểm ngày 1/2/2023, tổng số giấy phép khai thác còn hiệu lực là 121 giấy phép; trong đó có 16 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp (có 3 giấy phép khai thác  Kaolin, 1 giấy phép khai thác Titan); 105 giấy phép do UBND tỉnh Quảng Bình cấp bao gồm 49 giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường, 44 giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng, 1 giấy phép khai thác cát làm vật liệu san lấp, 6 giấy phép khai thác sét làm gạch ngói và 5 giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình đã ban hành kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, môi trường, đất đai đối với 29 doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản (các mỏ đá và cát xây dựng, san lấp) được UBND tỉnh này cấp phép; thời gian thực hiện trong Quý III và Quý IV/2023.

Quảng Bình: Nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản bị xử phạt vì không lắp đặt trạm cân
4 doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Bình đều bị xử phạt 50 triệu đồng vì vi phạm trong hoạt động khai thác mỏ đá vôi.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư