Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Quảng Nam Chủ động kiến tạo, phát triển nhanh và bền vững
Quảng Nam khai thác và phát huy lợi thế từ đa dạng sinh học
Sơn Thuận - 17/03/2024 09:29
 
Năm 2021, Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là địa phương đầu tiên thực hiện Đề án Thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Năm 2024, Quảng Nam tiếp tục là địa phương đầu tiên được chọn đăng cai các hoạt động về đa dạng sinh học.
TIN LIÊN QUAN
Quảng Nam định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học
Quảng Nam định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

Kỳ vọng từ tín chỉ carbon

Theo số liệu của UBND tỉnh Quảng Nam, đến cuối tháng 12/2023, Quảng Nam là một trong những địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước. Cụ thể, năm 2022, diện tích đất có rừng của tỉnh là 680.806,4 ha, với độ che phủ rừng là 58,71% (gồm rừng tự nhiên 463.530,46 ha, rừng trồng 217.275,94 ha).

Quảng Nam cũng là địa phương có tiềm năng về thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao trữ lượng carbon từ rừng. Trong giai đoạn 2005 - 2016, rừng của  Quảng Nam phát thải 4.233.930 tCO2e/năm và hấp thụ 3.295.389 tCO2e/năm; mức phát thải ròng trung bình hàng năm là 938.541 tCO2e/năm.

Ước tính phát thải và hấp thụ hàng năm giai đoạn 2019 - 2030 lần lượt là 3.789.589 tCO2e/năm và 4.476.445 tCO2e/năm, mức hấp thụ ròng trung bình hàng năm là 686.856 tCO2e/năm.

Như vậy, tiềm năng giảm phát thải từ rừng của tỉnh là 533.341 tCO2e/năm và tiềm năng hấp thụ là 1.181.056 tCO2e/năm.

Với mục tiêu tạo nguồn tài chính bền vững để thực hiện bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có, phát triển rừng theo hướng bền vững, năm 2018, UBND tỉnh xây dựng và phê duyệt Kế hoạch hành động (REDD+) tỉnh Quảng Nam.

Trên cơ sở hồ sơ REDD+, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án Trường Sơn Xanh, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, UBND tỉnh Quảng Nam đã lập Báo cáo đánh giá khả thi về cơ hội đầu tư vào carbon từ REDD+ và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, người mua tiềm năng như Công ty BP, Công ty Terra Global.

Đồng thời, Quảng Nam cũng xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ và được thống nhất về chủ trương cho tỉnh nghiên cứu, lập Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng (tại Công văn số 3479/VPCP-NN, ngày 26/5/2021 của Văn phòng Chính phủ).

Song hiện Đề án Thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng, suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon rừng tại tỉnh Quảng Nam chưa được phê duyệt.

Nguyên nhân, theo ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, muốn bán được tín chỉ carbon, phải được tổ chức quốc tế đánh giá (bán được số lượng bao nhiêu triệu tấn) thì tín chỉ mới có giá trị.

Cũng theo ông Bửu, trên thế giới hiện chỉ có 4 - 5 tổ chức đánh giá, song các đơn vị này phải “mời họ vào làm”, chứ họ không tham gia bằng hình thức đấu thầu, trong khi việc lựa chọn tổ chức đánh giá phải thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu. Quảng Nam đã xin thí điểm chỉ định chọn một đơn vị tư vấn, nhưng đang vướng quy định.

Bên cạnh vướng mắc về đơn vị tư vấn, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề cập, hành lang pháp lý, quy định pháp luật về bán tín chỉ carbon còn chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, nên chưa có sự thống nhất giữa các bộ, ngành. Chính phủ đang chỉ đạo khẩn trương tháo gỡ vướng mắc pháp lý và xây dựng các quy định phù hợp với thông lệ quốc tế.

“Mặc dù được Chính phủ chọn là một trong những địa phương đăng cai thí điểm bán tín chỉ carbon trên thị trường tự do, nhưng đến nay, UBND tỉnh Quảng Nam chưa chính thức triển khai được do các vướng mắc kể trên”, ông Thanh nói.

Một nguyên nhân nữa cũng được UBND tỉnh nêu ra, Quảng Nam là địa phương thí điểm đầu tiên nên chưa có kinh nghiệm và chưa đảm bảo nguồn lực về kỹ thuật, tài chính để thực hiện kinh doanh tín chỉ carbon.

Trong thời gian tới, theo UBND tỉnh Quảng Nam, tỉnh sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư sau khi khắc phục được khó khăn, vướng mắc. Trong đó, tập trung hoàn chỉnh hồ sơ dự án đảm bảo theo tiêu chuẩn VCS, CCB phiên bản mới nhất, trình phê duyệt, phát hành tín chỉ nhằm có thể bán được tín chỉ carbon với giá cao; đồng thời thúc đẩy tiến trình phê duyệt Đề án của Chính phủ.

“Nếu bán được tín chỉ carbon, mỗi năm sẽ thu được hơn 100 tỷ đồng. Lãnh đạo tỉnh sẽ dùng số tiền thu được này để phát triển rừng, chứ không làm việc khác”, ông Hồ Quang Bửu cho hay.

Được biết, theo nội dung Đề án của tỉnh Quảng Nam, đến năm 2026 sẽ tạo ra 6,1 triệu tín chỉ carbon rừng được xác minh và phát hành cho giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2025. Trong đó, giai đoạn 2024 - 2025 là 2,1 triệu tín chỉ.

Tiên phong về đa dạng sinh học

Cùng với tín chỉ carbon, Quảng Nam cũng là địa phương có điều kiện môi trường sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng sinh học cao, nhiều giá trị cảnh quan và kinh tế.

Hiện tỉnh có 8 khu bảo tồn thiên nhiên đã được thành lập, bao gồm một phần Vườn quốc gia Bạch Mã (cùng với Thừa Thiên Huế); Vườn quốc gia Sông Thanh, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao La; Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi; Khu dự trữ thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa (cùng với Đà Nẵng); Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn; Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ, đa dạng sinh học là nội dung được Chính phủ rất hoan nghênh, Bộ Tài nguyên và Môi trường tạo mọi điều kiện phối hợp với tỉnh Quảng Nam. Trong vấn đề phát triển, việc duy trì bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái, đa dạng sinh học có ý nghĩa rất lớn, không chỉ riêng mỗi quốc gia, mà đây cũng là thông điệp của Liên hợp quốc về phục hồi đa dạng sinh học.

Theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Nam, phục hồi đa dạng sinh học gắn liền bảo vệ môi trường sinh thái có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta không nên quá tập trung phát triển kinh tế - xã hội mà coi nhẹ vấn đề môi trường, tính đa dạng sinh học, bảo tồn hệ sinh thái.

Về lý do tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên đăng cai hoạt động đa dạng sinh học, ông Lê Trí Thanh lý giải, trong thời gian vừa qua, Quảng Nam rất quan tâm về vấn đề này, đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để duy trì, bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái từ rừng theo hệ thống sông ra đến biển, đảo.

“Thời gian qua, Quảng Nam luôn bền bỉ theo đuổi chiến lược tăng trưởng xanh nhằm phát triển bao trùm và bền vững”, ông Thanh khẳng định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất cao đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Quảng Nam đăng cai “Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024”. Hoạt động này sẽ góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 15 của các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP15) diễn ra tại Montreal (Canada) năm 2022, trong đó khẳng định “Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực vào những nỗ lực chung nhằm bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu”.

Bà Lê Thùy Trinh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam thông tin, “Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024” là sự kiện môi trường có quy mô tầm quốc gia và quốc tế, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cũng như của người dân về tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học.

Ngoài ra, trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg, ngày 17/1/2024, nội dung về phương án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cũng được chú trọng.

Quy hoạch đã cụ thể hóa quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Khuyến khích kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển.

Theo đó, địa phương được định hướng bảo vệ, phát huy giá trị và sử dụng bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quốc gia, quốc tế đã thành lập, gồm các vườn quốc gia, các khu dự trữ thiên nhiên; các khu bảo tồn loài và sinh cảnh; khu bảo vệ cảnh quan di tích văn hóa, lịch sử và các hệ thống rừng đặc dụng, các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn.

Cùng với đó, Quảng Nam được quy hoạch thành lập mới Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chà Vá chân xám tại Tam Mỹ Tây; Khu dự trữ thiên nhiên lim xanh; Khu bảo vệ cảnh quan Chiến Thắng tại Núi Thành và Nam Trà My; Khu bảo tồn đất ngập nước hạ lưu sông Thu Bồn; Khu bảo tồn biển Tam Hải.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư