Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 13 tháng 09 năm 2024,
Quảng Ngãi: “Mở” ở cà phê cuối tuần
Hà Minh - 21/05/2017 09:34
 
Đã thành thông lệ, cứ sáng thứ Bảy của tuần chẵn trong tháng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cùng đại diện doanh nghiệp cùng... đi uống cà phê. Đây là dịp để lãnh đạo và doanh nhân “mở lòng” trao đổi và xử lý vướng mắc.

Kết nối…

Bà Hồ Thị Mỹ Nga, Giám đốc Công ty TNHH Hân Nga cho rằng, việc lãnh đạo tỉnh ngồi uống cà phê với doanh nhân và lắng nghe tâm tư của họ là điều rất ý nghĩa. Ở đây, mọi người trao đổi vô tư, cởi mở. Doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, vướng mắc ở sở, ngành nào thì gặp ngay lãnh đạo sở, ngành ấy tại quán cà phê để trao đổi, không cần phải gửi công văn, giấy tờ. Cách làm này rất hay, không gây tâm lý nặng nề, áp lực cho mọi người.

Ông Đặng Văn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi (bên phải) đang lắng nghe những ý kiến từ doanh nghiệp tại một buổi cà phê doanh nhân.
Ông Phạm Trường Thọ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi (bên phải) đang lắng nghe những ý kiến từ doanh nghiệp tại một buổi cà phê doanh nhân.

Liên quan vấn đề này, ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Công ty PTSC Quảng Ngãi, chia sẻ: “Tôi nghĩ, lãnh đạo tỉnh tổ chức hoạt động ‘Cà phê doanh nhân’ có ý nghĩa rất lớn đối với DN, bởi nó giúp DN gần cơ quan nhà nước hơn. Khi gần hơn thì DN có cơ hội để chia sẻ khó khăn cũng như đề xuất những gì họ cần. ‘Cà phê doanh nhân’ cũng là nơi để thẳng thắn trình bày những nội dung mà trong các cuộc họp không tiện đề cập để chính quyền hiểu DN hơn, giải quyết được nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Chúng tôi mong muốn, ‘Cà phê doanh nhân’ được tổ chức thường xuyên hơn”, ông Hùng tâm sự.

Mới đây, câu chuyện “dùng dằng” giữa Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi và huyện Nghĩa Hành về 34 ha đất ở xã Hành Thiện sau nhiều năm trời chưa tìm ra lời giải hợp lý, lại một lần nữa được DN kiến nghị với lãnh đạo tỉnh tại bàn “Cà phê doanh nhân”. Tiếp nhận ý kiến của DN, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, xử lý. Kết quả, hai bên đã thống nhất vị trí, thời gian bàn giao bằng văn bản đối với diện tích đất thu hồi và cho thuê tại Trung tâm Giống mía.

Trường hợp khác là kiến nghị của Công ty Nghĩa Lâm Xanh và Công ty Xây dựng Lực Việt về việc đầu tư nhà máy gạch không nung ở xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa). Trước kiến nghị của DN, UBND tỉnh đã chỉ đạo Cục Thuế xem xét. Đồng thời, Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT kiến nghị cơ quan thuế xem xét đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, chứng từ thuế khi thu mua sản phẩm đầu vào từ nông nghiệp, vì các sản phẩm phần lớn thu mua trực tiếp từ nông dân, nên khó yêu cầu nông dân cung cấp các giấy tờ theo quy định.

Sau 5 lần tổ chức chương trình “Cà phê doanh nhân”, đến nay, rất nhiều kiến nghị của DN, hầu hết tập trung vào thủ tục đất đai, giao đất và cho thuê đất, thủ tục đầu tư, các vấn đề thanh tra, kiểm toán, các công trình xây dựng cơ bản, đề nghị thanh toán nợ công trình... đã được tổng hợp và giải quyết một cách rốt ráo.

… và đổi mới

Tổ chức chương trình “Cà phê doanh nhân” để gặp gỡ, lắng nghe những “nỗi buồn” của DN, được xem là một trong những bước đi mới của lãnh đạo tỉnh trong công cuộc xây dựng Quảng Ngãi phát triển, với đích đến của một chính quyền gần dân, sát dân.

Theo ông Phạm Trường Thọ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, với nhận thức rằng, đội ngũ DN phát triển mạnh thì kinh tế mới khởi sắc, nên tỉnh liên tục tổ chức các cuộc đối thoại với DN để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ về thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường làm việc với DN để nắm tình hình sản xuất kinh doanh của họ. Năm nay, tỉnh muốn “làm mới” bằng cách tổ chức “Cà phê doanh nhân”. UBND tỉnh nhận thấy, cách gặp gỡ mới và trao đổi thoải mái như vậy đã tạo sự gần gũi giữa lãnh đạo tỉnh với DN.

“Từ những buổi đầu tổ chức còn hạn chế, sắp tới, để tăng tính hiệu quả, tạo sự tương tác lớn hơn, tỉnh sẽ chia theo từng nhóm tổ chức gặp gỡ, cà phê riêng để dễ lắng nghe. Theo đó, sẽ phân ra làm 3 nhóm gồm: Các DN có doanh thu từ 500 tỷ đồng trở lên; nhóm có doanh thu từ 100 tỷ đồng trở lên và nhóm có doanh thu dưới 100 tỷ đồng”, ông Thọ cho biết.

Theo ông Thọ, việc chia nhóm sẽ tiếp cận vấn đề dễ hơn, DN lớn có những yêu cầu chính sách, đãi ngộ đầu tư lớn hơn. Khi DN lớn phát triển sẽ kéo DN nhỏ và vừa phát triển thông qua liên kết sản xuất. Đồng thời, tiếng nói của họ với chính quyền tập trung hơn do mục tiêu, chiến lược kinh doanh của họ khác với DN nhỏ và mức độ tác động đến chính sách phát triển của tỉnh cũng lớn hơn.

Đối với DN nhỏ, họ cũng có những tâm tư riêng, không giống như DN lớn, thế nên phải tách ra từng nhóm thì việc giải quyết các kiến nghị của DN mới đi vào trọng tâm.

“Để các kiến nghị được giải quyết dứt điểm, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần chủ động phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các đơn vị liên quan tiếp tục duy trì và có nhiều chương trình cụ thể, thiết thực trong việc tổ chức Chương trình “Cà phê doanh nhân”, tạo sự gần gũi, thân thiện giữa lãnh đạo tỉnh và cộng đồng DN, nhà đầu tư.

Chương trình “Cà phê doanh nhân” là cơ hội để lãnh đạo tỉnh kịp thời tiếp nhận các vướng mắc của DN, để có hướng chỉ đạo giải quyết kịp thời, đưa ra những cơ chế phù hợp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh”, Phó chủ tịch Phạm Trường Thọ nhấn mạnh.

Thủ tướng thưởng thức cà phê tại “thủ phủ cà phê” Buôn Ma Thuột
Chiều 10/3, trong chuyến công tác tại Đắk Lắk tham dự Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư