Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Quảng Ninh: Cử tri lo ngại việc chậm xử lý các "núi thải" từ mỏ than
Thu Lê - 16/07/2021 18:17
 
Chủ trương sử dụng đất đá từ các bãi thải mỏ để làm vật liệu san lấp mặt bằng các dự án đã được Quảng Ninh đề ra từ cuối năm 2020, nhưng tiến độ thực hiện vẫn còn chậm.

Việc xử lý nguồn đất đá từ các bãi thải mỏ để làm vật liệu san lấp mặt bằng các dự án là một trong nhóm các kiến nghị của cử tri được đại biểu gửi tới kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra từ 15-16/7.

Sử dụng đất đá các bãi thải của ngành than làm nguyên liệu phục vụ san lấp mặt bằng các dự án phát triển kinh tế xã hội đã được Quảng Ninh xác định là một trong những giải pháp đưa vào Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

Ngành than cũng đã lập phương án chi tiết khai thác, sử dụng đất, đá thải để làm vật liệu san lấp mặt bằng phục vụ các dự án của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025. UBND tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo và mới được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đồng ý cho khai thác, sử dụng trên 700 ngàn m3 đất thải của mỏ than Núi Béo để sử dụng làm vật liệu san lấp tuyến đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn đất đá từ các bãi thải mỏ tại Quảng Ninh làm vật liệu san lấp mặt bằng các dự án còn đang chậm tiến độ và gặp nhiều vướng mắc.

Chủ trương sử dụng đất đá từ các bãi thải mỏ để làm vật liệu san lấp mặt bằng các Dự án đã được Quảng Ninh đề ra từ cuối năm 2020
Chủ trương sử dụng đất đá từ các bãi thải mỏ để làm vật liệu san lấp mặt bằng các dự án đã được Quảng Ninh đề ra từ cuối năm 2020.

Giải trình với HĐND tỉnh Quảng Ninh tại kỳ họp thứ 2, ông Trần Như Long, Giám đốc Sở TNMT Quảng Ninh cho biết, nguyên nhân của việc chậm tiến độ nói trên là do đất, đá thải mỏ là khoáng sản đi kèm than. Do vậy, hoạt đông khai thác phải được quản lý như là khai thác khoảng sản và thẩm quyền giải quyết không thuộc thẩm quyền của UBND Tỉnh mà thuộc Bộ TMNT.

Hơn nữa việc khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ để san lấp mặt bằng sẽ làm thay đổi nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Phương án cải tạo phục hồi môi trường đã được phê duyệt của các dự án mỏ. Vậy nên phải hoàn thiện thủ tục về môi trường trước khi khai thác, khiến mất nhiều thời gian.

Đưa ra giải pháp, theo ông Trần Như Long, trong thời gian tới, Quảng Ninh cần tiếp tục bám sát quy trình của Bộ TNMT để sớm hoàn thiện các thủ tục; đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư sớm làm việc với ngành than về khối lượng, đơn giá để sẵn sàng vận chuyển vật liệu khi hoàn thiện thủ tục.

Sở TNMT tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện địa phương này có 59 dự án khai thác than, với 6 bãi thải lớn của ngành than đang hoạt động. Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam quản lý (chủ yếu nằm trên địa bàn Quảng Ninh) khoảng 1.210 triệu m3, với lượng đất đá thải phát sinh hằng năm khoảng 150 triệu m3. Bên cạnh đó, khối lượng đất đá thải tại các mỏ do Tổng Công ty Đông Bắc quản lý cũng vào khoảng 268 triệu tấn.

Có những bãi thải mỏ tồn tại hàng trăm năm, hiện chất như núi như: bãi Đông Cao Sơn cao hơn 300 m, bãi Cọc Sáu cao 280 m, bãi Nam Đèo Nai cao 200 m. Những "núi thải" này đang ngày đêm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đời sống nhân dân và còn tạo thành những quả “bom bùn” trong mùa mưa.

giai đoạn 2020-2025, dự kiến, tổng nhu cầu vật liệu đắp, san lấp mặt bằng trên địa bàn tỉnh là hơn 788 triệu m3, trung bình hơn 130 triệu m3/năm.
Giai đoạn 2020-2025, dự kiến tổng nhu cầu vật liệu đắp, san lấp mặt bằng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là hơn 788 triệu m3, trung bình hơn 130 triệu m3/năm.

Trong khi đó, theo Sở Xây dựng, giai đoạn 2020-2025, dự kiến tổng nhu cầu vật liệu đắp, san lấp mặt bằng trên địa bàn tỉnh là hơn 788 triệu m3, trung bình hơn 130 triệu m3/năm. Điển hình là các dự án như: Tổ hợp cảng biển, Khu công nghiệp và đô thị Đầm Nhà Mạc tại thị xã Quảng Yên có nhu cầu khối lượng đất san nền khoảng 100 triệu m3. Hàng loạt các dự án hạ tầng, đô thị lớn khác tại thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, thành phố Móng Cái, thị xã Quảng Yên, Khu kinh tế Vân Đồn... cũng có nhu cầu sử dụng khối lượng vật liệu san lấp mặt bằng rất lớn.

Để đáp ứng nguồn đất, cát phục vụ cho công tác san lấp mặt bằng của các dự án trên địa bàn Tỉnh luôn là bài toán khó cho các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương có dự án triển khai, cũng như các chủ đầu tư. Nhiều trường hợp do khó khăn về nguồn đất, cát san lấp mặt bằng đã làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án theo kế hoạch.

Việc sử dụng nguồn đất đá thải của ngành than để phục vụ việc san lấp mặt bằng cho các dự án, công trình triển khai trên địa bàn tỉnh sẽ tạo ra lợi ích kép nên cần phải được đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Trước hết là để đáp ứng được nhu cầu đất đá cho việc san lấp mặt bằng của các dự án, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai nhanh các công trình. Cùng với đó, ngành Than còn giải quyết được bài toán các khu vực đổ thải đã và đang quá tải, các bãi thải có độ cao quá lớn, dễ sạt lở xuống các khu dân cư phía dưới, giảm được chi phí vận chuyển khi phải đổ thải xa. Và một điều quan trọng nữa là sẽ hạn chế, giảm thiểu tác động tiêu cực từ các bãi thải đến môi trường sống ở các khu vực xung quanh bãi thải.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư