Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Quảng Ninh đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Thanh Sơn - 22/08/2016 20:08
 
Ngày 22/8, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp quý III năm 2016. Tham dự hội nghị có lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và hơn 500 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, đối tác tiềm năng đang hoạt động trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết, 8 tháng qua, cả tỉnh có thêm 820 doanh nghiệp đăng ký thành lập với số vốn đăng ký là 5.610 tỷ đồng, tăng 18% về số doanh nghiệp và giảm 24% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 8 tháng đầu năm 2016 đạt 7,46 tỷ đồng. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đầu năm trên 13.200 lao động.

Tính đến ngày 30/6 có 7.776 doanh nghiệp, đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp và hợp tác xã đang hoạt động, trong đó có trên 98% DNNVV; số doanh nghiệp gặp khó khăn, tạm ngừng đã hoạt động trở lại là 284 doanh nghiệp, tăng 21,8% so cùng kỳ.

Lãnh đạo Tỉnh Ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp.
Lãnh đạo Tỉnh Ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp.

Trước Hội nghị này, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận 84 kiến nghị của doanh nghiệp gửi về. Các kiến nghị này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực: Cơ chế chính sách, giải phóng mặt bằng, quy hoạch, giao thông, thuế, thuê đất, định giá đất, du lịch, vốn, cân đối vốn, lao động, thương mại dịch vụ và các lĩnh vực khác.

Với mục tiêu "Cùng đi, cùng đến và cùng hiệu quả”, tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trực tiếp đối thoại, giải quyết tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp... Để hỗ trợ doanh nghiệp, trong năm 2016 và những năm tiếp theo, Quảng Ninh đã đề ra nhiều biện pháp cải cách thủ tục hành chính như: cắt giảm tối thiểu 30% thời gian hội họp để dành thời gian đi cơ sở; công tác tiếp xúc doanh nghiệp đổi mới theo hướng từng chuyên đề; rút ngắn thời gian thẩm định cho vay; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng dự án, phương án sản xuất kinh doanh vay vốn ngân hàng; giảm 50-60% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh; thời gian Cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 49 ngày.

.
.

Với công tác hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, các sở, ban, ngành, địa phương đã triển khai những nhiệm vụ cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp gắn liền chức năng nhiệm vụ, tổ chức gặp mặt định kỳ các doanh nghiệp. Qua đó nhiều vướng mắc trong các lĩnh vực: vốn, giải phóng mặt bằng, quy hoạch, giao thông, thuế, thuê đất, định giá đất, du lịch; vốn, thương mại dịch vụ... đã được tháo gỡ. Cụ thể, trong lĩnh vực du lịch tỉnh đã điều chỉnh thời gian cấp phép cho tầu du lịch lưu trú trên Vịnh Hạ Long từ 1 năm (quy định cũ) lên 3 năm đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Tỉnh hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực: Dự án Trung tâm sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản Quảng Ninh tại huyện Đầm Hà; Đầu tư tuyến đường nối từ quốc lộ 18B và Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt tại xã Quảng Nghĩa, Móng Cái..., trình HĐND tỉnh ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tỉnh đến năm 2017. Tỉnh cũng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Dự án Đường giao thông đấu nối từ QL 18A vào khu bến bãi của Công ty cổ phần Thành Đạt góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.

Với ngành than – một ngành kinh tế công nghiệp trọng yếu của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức cuộc làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc. Qua đó, đã có một số biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh như: UBND tỉnh Quảng Ninh đã có ý kiến đồng ý thanh toán cho dự án đường Uông Bí - cầu Sông Chanh theo nguyên tắc đối trừ giá thu tiền sử dụng đất của 02 dự án tại khu đất số 3 và số 7 thuộc Khu đô thị mới phía Nam Uông Bí; tìm các giải pháp về việc tiêu thụ sản phẩm, về quy hoạch ngành than trong thời gian tới, hạn chế nhập khẩu than; xem xét điều chỉnh các loại thuế, phí... Trước phản ánh của các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô về tình hình ô nhiễm môi trường tại khu vực cảng Cái Lân, tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các đơn vị chức năng kiểm tra hiện trường, tìm hiểu nguyên nhân, đến nay đã có biện pháp cụ thể tăng cường bảo vệ môi trường tại khu vực này...

Tính từ đầu năm 2016 đến Hội nghị ngày hôm nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp 148 kiến nghị và chuyển cho các sở ngành, địa phương có liên quan giải quyết theo chức năng nhiệm vụ.

Chuyển mục đích sử dụng gần 400.000m2 đất tại 2 tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn 2 tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư