Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 13 tháng 02 năm 2025,
Quảng Ninh duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu ổn định, bền vững
Quỳnh Nga - 13/02/2025 20:10
 
Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch phát triển xuất, nhập khẩu năm 2025 nhằm khai thác tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng phát triển bền vững.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh Quảng Ninh đạt 3.539 triệu USD, tăng 12,6%; kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh đạt 3.622 triệu USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Để duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu ổn định, bền vững, mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch số 43/KH-UBND về phát triển xuất, nhập khẩu năm 2025.

Đây cũng là định hướng phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Quảng Ninh năm 2025 đến năm 2030, nhằm khai thác tối đa lợi thế xuất, nhập khẩu và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng phát triển bền vững. Cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, khai thác các thị trường, lĩnh vực mới, có tiềm năng, nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Hàng hóa thông quan tại Cửa khẩu cầu Bắc Luân 2. Ảnh: Quỳnh Nga

Duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu ổn định, bền vững, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm có lợi thế của tỉnh. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ ngày càng phát triển.

Kế hoạch tập trung khuyến khích, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ hiện đại trong sản xuất để tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn quốc tế. Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hàm lượng công nghệ, chất lượng và giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu. Tăng số lượng xuất khẩu chính ngạch, phát triển thương hiệu sản phẩm, giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch.

Trong năm 2025 và những năm tiếp theo, trong xuất khẩu hàng hóa, Quảng Ninh định hướng phát triển xuất khẩu bền vững, phát huy lợi thế so sánh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý theo chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Tăng tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng, có hàm lượng khoa học - công nghệ, hàm lượng đổi mới sáng tạo cao, các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị kinh tế cao, nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường. Còn với nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo thì gia tăng giá trị trong nước trong hàng hóa xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện nhập khẩu. Chú trọng đầu tư phát triển xuất khẩu các sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

Trong nhập khẩu hàng hóa, tăng tỷ trọng nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại, dây chuyển sản xuất tiên tiến từ các nước có nền công nghiệp phát triển, nhất là công nghệ cao, công nghệ nguồn, tiếp thu thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp để tạo tiền đề nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu và thực hiện chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu.

Để thúc đẩy, phát triển thị trường xuất, nhập khẩu của tỉnh, Quảng Ninh sẽ hạn chế sự phụ thuộc vào một khu vực thị trường, khai thác hiệu quả các thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như: EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN... Đẩy mạnh khai thác các thị trường có nhiều tiềm năng như Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản..., hướng đến xây dựng các khuôn khổ thương mại ổn định, lâu dài.

Quảng Ninh sẽ tiếp tục chuyển dịch cơ cấu thị trường nhập khẩu theo hướng giảm tỷ trọng nhập khẩu từ các thị trường công nghiệp thấp, công nghệ trung gian, tăng tỉ trọng nhập khẩu từ các thị trường công nghệ nguồn.

Hoạt động tại Cảng CICT Cái Lân. Ảnh: Đỗ Phương

Theo kế hoạch, Quảng Ninh đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong tỉnh trên địa bàn tỉnh tăng trên 12% so với cùng kỳ. Tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu lên 67% tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, cụ thể, tăng tỷ trọng vào thị trường xuất khẩu khu vực châu Á đạt khoảng 82%; thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu đạt khoảng 10%; thị trường xuất khẩu khu vực châu Mỹ đạt khoảng 5%; thị trường xuất khẩu khu vực châu Phi đạt khoảng 1%; thị trường xuất khẩu khu vực khác đạt khoảng 2% trên tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2025.

Để hoàn thành tốt mục tiêu, Quảng Ninh đã đề ra một số các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đối với phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng hóa bền vững cho xuất khẩu, UBND tỉnh giao các sở, ngành, địa phương có liên quan cơ cấu ngành nông nghiệp hợp lý gắn với thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh sạch, bền vững.

Tăng cường liên kết, phát huy vai trò của các cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thuỷ sản (hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp) trong việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất ban đầu, bảo quản, chế biến, tiếp cận thị trường và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản. Phát triển công nghệ bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản; đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với mã số vùng trồng, triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, thủy sản xuất khẩu.

Cơ cấu ngành công nghiệp hợp lý gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong ngành chế biến, chế tạo nhằm tạo ra sự bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu. Phát triển cụm công nghiệp, tập trung ưu tiên đầu tư, phát triển các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo (công nghiệp cơ khí, đóng tàu, sản xuất linh kiện điện tử, công nghiệp chế biến lâm sản, thủy sản...), công nghiệp khai thác khoáng sản; các sản phẩm truyền thống có thế mạnh của tỉnh phục vụ xuất khẩu...

Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng liên quốc gia đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế, nhất là những KCN có kết cấu hạ tầng đồng bộ như Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Đông Mai, Sông Khoai, Bắc Tiền Phong...

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng để sớm hoàn thành dự án Cảng Vạn Ninh hoàn thiện kết nối giao thông đường bộ, đường biển từ Móng Cái đến các tỉnh thành phía Nam tạo cơ hội giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa phát huy lợi thế cửa khẩu biên giới với Trung Quốc.

Đối với phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, kết hợp có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, văn hóa, du lịch... Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại. Tăng cường hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp trong tỉnh, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm của địa phương, tập trung vào các sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh của tỉnh như: gạch, ngói ốp lát, xi măng, clinker, đất hiếm, dầu thực vật, nến, dăm gỗ, tấm quang năng, linh kiện điện tử, ti vi....

Quảng Ninh: Kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 14%
Ngày 11/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị để nghe và cho ý kiến về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư