Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 02 tháng 11 năm 2024,
Quảng Ninh thành lập Tổ công tác Hỗ trợ dự án đầu tư - Investor Care
Thu Lê - 02/07/2021 19:49
 
Tỉnh Quảng Ninh vừa ra mắt Tổ công tác Hỗ trợ dự án đầu tư tỉnh Quảng Ninh (Investor Care) để góp phần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính.

Với mục tiêu giữ vững vị trí dẫn đầu các bảng xếp hạng PAR Index, PCI, PAPI, SIPAS, Tổ công tác Hỗ trợ dự án đầu tư tỉnh Quảng Ninh (Investor Care) vừa mới được thành lập là một trong những giải pháp mới để theo sát bước chân nhà đầu tư, hỗ trợ kịp thời cho các nhà đầu tư khi lựa chọn Quảng Ninh là điểm đến, nơi gửi gắm niềm tin.

Điều này đã thể hiện ngày càng rõ sự cam kết của tỉnh với nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân về xây dựng một chính quyền liêm chính, phục vụ, do nhân dân, vì nhân dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng nền hành chính ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc.

Tổ công tác Hỗ trợ Dự án đầu tư tỉnh Quảng Ninh (Investor Care)
Tổ công tác Hỗ trợ dự án đầu tư tỉnh Quảng Ninh (Investor Care) chính thức ra mắt.

Năm 2020, tỉnh Quảng Ninh lần đầu tiên đứng đầu cả nước tại 4 chỉ số bao gồm: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số cải cách hành chính PAR Index (lần thứ 4 liên tiếp); Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước SIPAS (lần thứ 2 liên tiếp); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công PAPI (lần đầu tiên dẫn đầu). Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông ICT Index của Quảng Ninh cũng giữ vững vị trí thứ 3 toàn quốc.

Tại Hội nghị phân tích các Chỉ số PAR Index, PCI, SIPAS, PAPI, ICT tỉnh Quảng Ninh năm 2020 diễn ra ngày 2/7, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đã nhấn mạnh: Vị trí quán quân của các bảng xếp hạng tiếp tục khẳng định niềm tin, sự hài lòng ngày càng cao của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, đồng thời phản ánh về hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền tại Quảng Ninh. Tuy nhiên, "cải cách hành chính chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc", kết quả này còn là thách thức để Quảng Ninh không ngừng cải thiện và vượt lên chính mình, xây dựng hình ảnh địa phương đi đầu đổi mới sáng tạo cùng văn hóa cam kết đồng hành.

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: "Cải cách hành chính chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc",

Như ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI đã nhận định: Quảng Ninh “Không ngủ quên trên chiến thắng”. Với tâm thế khát khao đổi mới, sau khi đạt được những bước tiến mới, Quảng Ninh nhanh chóng nhìn nhận, phân tích những kết quả đạt được và đưa ra những mục tiêu mới cao hơn, lập ra kế hoạch triển khai kĩ lưỡng, bài bản và quyết liệt thực hiện để vượt qua những thử thách mới.

Các chuyên gia của VCCI cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã cùng phân tích sâu các kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế các Chỉ số và đưa ra các khuyến nghị, giải pháp khắc phục để tỉnh tiếp tục thực hiện tốt hơn trong những năm tiếp theo.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song qua kết quả của các chỉ số thành phần, các chuyên gia đầu ngành và những người đứng đầu tỉnh đều cho rằng, dư địa cải cách tại Quảng Ninh còn lớn, không gian cải cách còn rộng mở. Gợi mở nhiều giải pháp để tỉnh tiếp tục khắc phục những hạn chế, nâng cao các điểm thành phần, duy trì vị trí dẫn đầu, Trưởng Ban Pháp chế-VCCI, Giám đốc dự án PCI, Đậu Anh Tuấn, cho rằng: Qua nhiều kết quả điều tra doanh nghiệp mà VCCI tiến hành, Quảng Ninh đã không còn là một hiện tượng, mà đã thực sự chứng minh được vị thế của mình trong việc trở thành một địa bàn năng động, hiệu quả và thân thiện, là điểm sáng trong thu hút đầu tư.

Ông Tuấn chỉ rõ: cùng với những chỉ số tăng điểm, qua bảng xếp hạng 10 chỉ số thành phần PCI 2020 cho thấy, Quảng Ninh có 3 chỉ số giảm điểm dẫn đến giảm hạng gồm: Tính minh bạch, Cạnh tranh bình đẳng và Tính năng động. Do đó, để cải thiện các chỉ số này, Quảng Ninh cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp; chú trọng giải quyết, giảm tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động; tiếp tục tăng tỷ lệ doanh nghiệp dùng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh hiệu quả; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới, tìm cách giải pháp đột phá trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong giải quyết thủ tục hành chính; giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra…

Hội nghị cũng công bố kết quả xếp hạng các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, DGI, ICT năm 2020 của cấp sở, ngành, địa phương trong tỉnh Quảng Ninh, đồng thời tiến hành ký cam kết trong thực hiện nhiệm vụ giữ vững và nâng cao kết quả Chỉ số PAR INDEX, PCI, SIPAS, PAPI, ICT.

Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc góp phần nâng cao các Chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, ICT Index được nhận Bằng khen của UBND tỉnh.
Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc góp phần nâng cao các Chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, ICT Index được nhận Bằng khen của UBND tỉnh.

Theo ông Ký, việc tham gia cuộc đua đánh giá các chỉ số, mục tiêu của tỉnh không phải là giành điểm số cao, giành vị trí cao mà quan trọng nhất là hướng đến xây dựng hình ảnh địa phương đi đầu đổi mới sáng tạo, xây dựng văn hóa cam kết, văn hóa đồng hành, văn hóa thực thi của chính quyền địa phương các cấp trong việc đưa chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cũng như đánh thức tiềm năng lợi thế của tỉnh. Từ đó đưa những chỉ số của Quảng Ninh không chỉ là thương hiệu của ở cấp tỉnh mà ở tầm quốc gia.

Chủ tịch Nguyễn Tường Văn chia sẻ "bí quyết" 4 lần Quảng Ninh giành quán quân PCI
Không sinh ra và cũng không lớn lên ở Quảng Ninh, mới được luân chuyển về Quảng Ninh được 5 tháng, song ông Văn nói đã cảm nhận được con...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư