Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quảng Trị phát triển du lịch dựa trên 4 khu vực trọng điểm
Hải Hà - 16/04/2016 09:22
 
Quảng Trị là địa phương hội tụ đủ tiềm năng phát triển du lịch biển đảo, lịch sử cách mạng, du lịch sinh thái và cả du lịch thương mại. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì việc thu hút được các nhà đầu tư là yếu tố tiên quyết.

Tại buổi gặp gỡ báo chí mới đây, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị hào hứng khi giới thiệu về tiềm năng du lịch của tỉnh: "Các bạn có thể dừng chân ở Quảng Trị để đắm mình trong khung cảnh tuyệt vời của rừng, của biển, của những miền tâm linh thiêng liêng với những lễ hội văn hóa đặc sắc... từ đây tiếp tục cuộc hành trình để khám phá những điều kỳ vĩ của các di tích, thắng cảnh tuyệt vời của duyên hải miền Trung, của đất nước Việt Nam đến đất nước Lào, Thái Lan, Myanmar tươi đẹp... với nhiều mới lạ”.

Không chỉ được biết tới như một bảo tàng sống, sinh động nhất về di tích chiến tranh cách mạng, gắn với những địa danh như đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị, hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh, Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn và Đường 9, địa đạo Vịnh Mốc, Sân bay Tà Cơn - Đường 9 - Khe Sanh, hàng rào điện tử Mc.Namara, Nhà tù Lao Bảo... Quảng Trị còn nổi danh với những vùng biển đẹp như Cửa Tùng, Cửa Việt, Triệu Lăng, Mỹ Thủy, Vĩnh Thái, đảo Cồn Cỏ...

Bãi biển Cửa Tùng - một cảnh đẹp của Quảng Trị , đang được tỉnh kêu gọi đầu tư phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển
Bãi biển Cửa Tùng - một cảnh đẹp của Quảng Trị , đang được tỉnh kêu gọi đầu tư phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển

Nơi đây cũng nổi tiếng với những khu văn hóa - lịch sử như Tổ đình Sắc Tứ, Nhà thờ La Vang, Đình Hà Thượng và hệ thống dẫn thủy cổ - giếng Chăm, di tích thành Tân Sở (xã Cam Chính, huyện Cam Lộ), Cụm di tích Chúa tiên Nguyễn Hoàng ở Triệu Phong, bản làng dân tộc Vân Kiều và Pa Kô (làng Klu, Tà Rụt, Bản Cát). Không những thế, Quảng Trị còn là trung tâm giao lưu thương mại với nước bạn Lào qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay, hay Khu kinh tế Đông Nam.

Với vị trí thuộc vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, phía Bắc giáp Quảng Bình, phía Nam giáp Thừa Thiên - Huế, phía Tây giáp Lào và phía Đông giáp biển, cùng với việc nằm trên các trục giao thông quan trọng của quốc gia như Quốc lộ 1A, đường ven biển song song với Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt chạy dọc suốt chiều dài tỉnh theo hướng Bắc - Nam, Quốc lộ 9 gắn với Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo chạy theo hướng Đông - Tây và ở vị trí đầu cầu trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây, khiến Quảng Trị hội tụ đầy đủ thuận lợi trong hợp tác đầu tư du lịch với các tỉnh Bắc Trung Bộ và các nước ASEAN.

Ngoài những thuận lợi khách quan, ông Chính cũng tỏ ra tin tưởng việc hoàn thiện tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây dài 1.450 km, xuyên qua 4 quốc gia: Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Đây là tuyến đường xuyên Á ngắn nhất và thuận lợi nhất, nối Nam Á với Đông Nam Á, nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, do đó, việc phát triển du lịch dọc theo hành lang này sẽ trở thành thương hiệu du lịch mới hấp dẫn trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.

Mặc dù hội tụ đủ tiềm năng và lợi thế, nhưng người đứng đầu UBND tỉnh Quảng Trị luôn đặt câu hỏi, làm thế nào để phát triển mạnh mẽ kinh tế và du lịch, để Quảng Trị trở thành điểm đến ưa thích của du khách.

Hiện nguồn vốn ngân sách (bao gồm vốn ngân sách trung ương, địa phương và vốn ODA) chủ yếu tập trung cho các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường, bảo tồn tôn tạo tài nguyên... Vốn đầu tư cho phát triển du lịch chỉ chiếm 10-15%, do đó, nguồn vốn đầu tư cho cơ sở vật chất, cho quảng bá xúc tiến du lịch chủ yếu là vốn doanh nghiệp, vốn xã hội hóa và vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 85-90%).

Bởi vậy, để đạt mục tiêu đề ra, trong các buổi đối thoại với các nhà đầu tư, người đứng đầu UBND tỉnh Quảng Trị cam kết, Quảng Trị sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, làm tốt nhất những gì có thể để mời gọi các nhà đầu tư, thương gia, khách du lịch... đến đầu tư, làm ăn và tham quan, nghỉ dưỡng.

Để có cơ sở cho các nhà đầu tư, Quảng Trị định hướng phát triển du lịch dựa trên bốn khu vực trọng điểm gồm: Khu vực TP. Đông Hà sẽ phát triển dịch vụ lưu trú, đầu mối trung chuyển khách du lịch; Khu vực Khe Sanh - Lao Bảo, phát triển du lịch lịch sử - cách mạng, du lịch biên mậu và quá cảnh; Khu vực Cửa Tùng - Cửa Việt - Vịnh Mốc, phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển và du lịch lịch sử - cách mạng và cuối cùng, Khu vực thành cổ Quảng Trị - Khu kinh tế Đông Nam, phát triển du lịch lịch sử cách mạng và du lịch thương mại công vụ.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ tập trung cho việc đầu tư một số dự án phát triển Khu du lịch biển Cửa Việt, Cửa Tùng, Trung tâm dịch vụ du lịch Lao Bảo, hệ thống cơ sở vật chất du lịch Đông Hà...

Để tạo cơ sở hạ tầng thu hút các nhà đầu tư, Quảng Trị đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho các dự án: Công trình cơ sở hạ tầng du lịch Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt, Khu du lịch ven biển Cửa Tùng - Cửa Việt, Khu du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc - Rú Lịnh... Trong đó, tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ Khu du lịch - dịch vụ Cửa Việt để phục vụ các sự kiện lớn của tỉnh và phục vụ du khách.

Quảng Trị đánh thức tiềm năng du lịch văn hóa, lịch sử
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị cho biết, Quảng Trị có hệ thống di tích cách mạng, di tích văn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư