Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Quảng Trị phê bình 23 chủ đầu tư chậm giải ngân vốn đầu tư công
Việt Hương - 15/12/2022 17:20
 
Tỉnh Quảng Trị có chỉ đạo “nóng” về giải phóng mặt bằng và phê bình 23 chủ đầu tư chậm giải ngân vốn đầu tư công.
 Dự án mở rộng Quốc lộ 9 từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 - một dự án rất khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ảnh: V.H

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị xác nhận, giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương còn chậm so với kế hoạch Chính phủ đề ra.

Chẳng hạn, tại Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ qua địa bàn tỉnh (dài 32,53 km), địa phương mới hoàn thành việc đo đạc địa chính để thu hồi đất, kiểm kê cây cối, hoa màu và tài sản trên đất.

Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận Tải Quảng Trị, phương án bồi thường mà các địa phương công khai đến thời điểm hiện tại đạt 22,3/32,53 km, đạt 68,5%. Tuy nhiên, việc hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng mới đạt 4,9/32,53 km; hoàn thành chi trả 14,4/282 tỷ đồng.

Dự kiến đến ngày 31/12/2022, bàn giao mặt bằng 16,8 km; giải ngân khoảng 127,1/194 tỷ đồng, đạt 65,5% kế hoạch vốn (sau điều chỉnh).

Tại buổi làm việc mới đây của UBND tỉnh với các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công và giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trên địa bàn, các chủ đầu tư cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Ngoài nguyên nhân về ảnh hưởng mưa lũ đầu năm, thì nhiều dự án có thủ tục phức tạp kéo dài, có dự án đến hết tháng 9/2022 vẫn chưa lựa chọn được nhà thầu thi công (các dự án Đường ven biển kết nối với Hành lang kinh tế Đông - Tây; Nhà văn hóa trung tâm thị xã Quảng Trị; Đường kết nối các điểm du lịch huyện Hướng Hóa; Cải tạo, sửa chữa trụ sở UBND tỉnh; Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị; Trường cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị...).

Bên cạnh đó, có những gói thầu có giá trúng thầu thấp, trong bối cảnh giá nguyên vật liệu tăng cao và gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nên nhà thầu thi công cầm chừng, bố trí nhân lực, phương tiện, thiết bị không đúng với hồ sơ dự thầu, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án.

Đặc biệt, công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, bất cập, dẫn đến không thể bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ, như các dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ Quốc lộ 1 đến cảng Cửa Việt; Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây; Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Quảng Trị…

Bên cạnh đó, việc thiếu vật liệu san lấp cũng đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ các công trình, dự án.

Tại buổi làm, ông Hà Sỹ Đồng cho biết, lãnh đạo tỉnh đã giao nhiệm vụ trực tiếp cho 3 phó chủ tịch chịu trách nhiệm đôn đốc, đẩy nhanh việc giải ngân. Đồng thời, UBND tỉnh đã phê bình 23 chủ đầu tư dự án có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới mức trung bình của tỉnh (48,5%).

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị, vốn đầu tư công do tỉnh quản lý năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao đến nay là 3.642,222 tỷ đồng, trong đó kế hoạch được giao từ đầu năm là 2.798,93 tỷ đồng, kế hoạch thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia được giao bổ sung là 415,492 tỷ đồng, giao bổ sung năm 2022 là 247,8 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/11/2022, tổng giá trị giải ngân là 1.706,221 tỷ đồng, đạt 48,5% kế hoạch tỉnh giao và 56,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (nếu tính cả chương trình mục tiêu quốc gia thì tỷ lệ giải ngân đạt tương ứng 41,4% và 46,8%), thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, trong đó có 23 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức 48,5%.

UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân và thực hiện đúng cam kết với UBND tỉnh về kế hoạch trong thời gian còn lại của năm 2022.

Quảng Trị rà soát lại các dự án chậm triển khai
Tỉnh Quảng Trị sẽ điều chỉnh dự án đối với nhà đầu tư có tâm huyết thực hiện nhưng cũng kiên quyết thu hồi quyết định chủ trương nếu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư