Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Quốc hội có thể làm gì với điều hành xuất khẩu gạo
Minh Đức - 24/04/2020 14:42
 
Những phiên chất vấn và bàn thảo tại Quốc hội hàng chục năm trước về công tác điều hành xuất khẩu gạo đã xoáy vào những bất cập về năng lực dự báo sản lượng, thẩm quyền điều hành hạn ngạch nên giao Thủ tướng hay một bộ, liên bộ, hiệp hội lương thực hoặc UBND cấp tỉnh.
Việc dừng xuất khẩu gạo có thể ảnh hưởng trực tiếp tới người sản xuất và doanh nghiệp. Ảnh: Gia Bảo
Việc dừng xuất khẩu gạo có thể ảnh hưởng trực tiếp tới người sản xuất và doanh nghiệp. Ảnh: Gia Bảo

Nghi ngại về công tác điều hành xuất khẩu gạo

Đại dịch Covid-19 dấy lên những lo ngại về an ninh lương thực, hối thúc dự trữ và tạm dừng xuất khẩu gạo.

Trong bối cảnh đó, việc điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 3 vừa qua gây ra những nghi ngại về tính thiên vị, lợi ích nhóm; sự thiếu liên thông dữ liệu điện tử giữa các cơ quan điều hành, tham mưu dừng xuất khẩu trong khi chưa nắm đủ số liệu về nguồn cung, đánh giá tác động thiệt hại, thiếu cơ sở công khai, minh bạch.

Theo lẽ thông thường trong quản lý nhà nước, lệnh cho phép xuất khẩu hay dừng xuất khẩu cũng phải có cơ sở và thông báo rõ ràng, kịp thời. Nếu vì lý do cấp thiết mà phải dừng xuất khẩu, thì phải tính trước kịch bản thiệt hại, trách nhiệm đền bù của Nhà nước và giải pháp giảm thiểu thiệt hại đối với người sản xuất, nhà xuất khẩu. Người ra lệnh trước khi ban hành lệnh còn phải tính đến những phản ứng kép từ thị trường trong, ngoài nước, tránh tác động bất lợi tới việc thu mua dự trữ nhà nước, rối loạn thị trường, mất cơ hội xuất khẩu.

Trước sự kêu cứu của nhiều doanh nghiệp và phản ánh của báo chí về sự kiện bất thường mở cổng khai hải quan online lúc giữa đêm, lại vào ngày Chủ nhật (12/4), một tuần sau đó, Chính phủ chỉ đạo thanh tra, cơ quan điều tra có thể cũng đã vào cuộc, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã gửi văn bản thể hiện quan điểm của cơ quan này tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 21/4).

Những phản ứng của Nhà nước sau 1 tuần xảy ra sự kiện bất thường này là những xử lý tình huống, làm rõ trách nhiệm phục vụ, trách nhiệm giải trình của nhà nước. Lâu dài hơn, là cần học bài học này để chấn chỉnh chính sách, quy trình và cách thức can thiệp nhà nước vào thị trường. Đoạn trường này đáng để dành cho cuộc thảo luận tại Quốc hội về trách nhiệm và ứng xử nhà nước đối với điều hành xuất khẩu gạo nói riêng và can thiệp nhà nước vào thị trường nói chung. Điều này càng cần trong bối cảnh xã hội và Nhà nước ta cần thoát khỏi sự trì hoãn phát triển do dịch bệnh.

Thẩm quyền của Quốc hội

Xuất phát từ thẩm quyền của Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Quốc hội có thể làm hai việc lớn.

Một là, thực hiện trách nhiệm giải trình của Nhà nước trước doanh nghiệp và nhân dân. Thực hiện quyền giám sát, Quốc hội có thể yêu cầu Chính phủ, tổ chức, cá nhân liên quan trong công vụ giải trình về trách nhiệm và quy trình để đưa ra đánh giá của Quốc hội về bài học và trách nhiệm. Quốc hội có thể tổ chức điều trần nghe các bên trình bày về quá trình can thiệp và thiệt hại. Kết thúc chuỗi hành động này, Quốc hội, với thẩm quyền cao nhất là Kỳ họp sẽ có báo cáo giải trình trước cử tri. Báo cáo này là cơ sở để thực hiện bồi thường nhà nước, “chốt hạ” các đề xuất thay đổi chính sách, quy trình, thẩm quyền quản lý điều hành xuất khẩu gạo đã bàn ở Quốc hội hàng chục năm nay.

Hai là, sửa đổi, bổ sung chính sách điều hành xuất khẩu gạo nói riêng và can thiệp nhà nước vào thị trường nói chung.

Chính sách không chỉ có trong hình thức pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật dưới nó. Chính sách còn nằm trong các nội quy, quy trình nhà nước được ban hành và công bố công khai, minh thị để các doanh nghiệp có thể dự liệu trước mà quyết định kế hoạch kinh doanh.

Hơn nữa, chính sách còn nằm trong ứng xử công quyền. Một hành vi hành chính, hành vi của cá nhân thực hiện công vụ cũng chứa đựng chính sách nhà nước, tức là thái độ của nhà nước đối với thị trường. Hệ quả của hành vi đó, Nhà nước phải chịu trách nhiệm, gồm trách nhiệm chính trị (lòng tin) và trách nhiệm bồi thường (nhà nước pháp quyền).

Như vậy, khi bàn tới sửa đổi, bổ sung chính sách điều hành xuất khẩu gạo nói riêng và can thiệp nhà nước nói chung đối với thị trường, Quốc hội không chỉ sửa đổi luật, mà còn củng cố quy trình hành chính, trách nhiệm của Chính phủ và các cơ quan đầu mối Chính phủ, vận hành của chính phủ điện tử và chế độ cập nhật báo cáo trực tuyến giữa các cơ quan chính phủ.

Giãi bày của Tổng cục Hải quan trên báo chí về lý do chờ nhận văn bản chính thức của Bộ Công thương về hạn ngạch tháng 4/2020, nên ngày 12/4 (Chủ nhật) mới thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên tờ khai hải quan online và mở cổng này cho đăng ký từ 0 giờ cùng ngày, đã thể hiện bất cập trong vận hành chính phủ điện tử. Mở tờ khai online theo nguyên tắc ai đến trước, duyệt trước cho tới khi hết hạn ngạch, vào ngày Chủ nhật, giữa đêm, mà không cần thông báo công khai, lại là hành vi hành chính tiềm ẩn những uẩn khúc cần phải làm rõ và chấn chỉnh. Ngoài xử lý trách nhiệm đối với cá nhân công vụ như một tuyên bố chính sách (việc này của Chính phủ), thì xây dựng một quy trình hành chính và trách nhiệm hành chính đối với can thiệp nhà nước vào thị trường là trách nhiệm và thẩm quyền của Quốc hội.

Việc Bộ Công thương tham mưu Thủ tướng Chính phủ ra quyết định tạm dừng xuất gạo vào ngày 23/3, nhưng sau đó một ngày lại gửi Công văn số 2101 tới Thủ tướng xin tạm dừng hạn ngạch xuất tháng 4 để “đánh giá lại sản lượng thực tế, các hợp đồng xuất khẩu đã ký và lượng gạo tồn kho của doanh nghiệp”, cho thấy công tác tham mưu chưa dựa trên dữ liệu kiểm tra tin cậy. Cơ quan này cũng không nói tới lý do đã đánh giá tác động, kịch bản thiệt hại của sự can thiệp nhà nước này chưa, sự can thiệp có xứng với thiệt hại hay không...

Về quy trình bắt buộc phải kèm theo đánh giá tác động trong tờ trình, Quốc hội đã có tiền lệ ghi quy trình này vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Có lẽ, lần này, Quốc hội phải gây “sức ép” để Chính phủ đưa báo cáo đánh giá tác động vào các tờ trình về can thiệp nhà nước vào thị trường.

Những can thiệp nhà nước về xuất khẩu gạo trong tháng 3 - 4/2020

Ngày 23/3, Thủ tướng đồng ý tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5 theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công thương.

Ngày 24/3, Tổng cục Hải quan chỉ đạo tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan xuất khẩu gạo tính từ 0 giờ ngày 24/3. Hàng xuất khẩu đã tập kết tại cảng phải lưu kho.

Tối 24/3, Bộ trưởng Bộ Công thương gửi Thủ tướng Công văn số 2101 trình bày lý do tạm dừng xuất khẩu để đánh giá lại sản lượng, các hợp đồng xuất khẩu đã ký, lượng gạo tồn kho của doanh nghiệp.

Ngày 25/3, Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo, giao Bộ Công thương phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để Thủ tướng có cơ sở xem xét điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo.

Ngày 6/4, sau khi có kết quả của đoàn kiểm tra liên ngành, Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng cho xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4.

Ngày 10/4, Thủ tướng đồng ý cho xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4. Trong ngày, Bộ Công thương ra Quyết định số 1106 công bố hạn ngạch xuất khẩu này, có hiệu lực từ 0 giờ ngày 11/4 (thứ Bảy).

Ngày 12/4 (Chủ nhật), Tổng cục Hải quan bắt đầu thiết lập các chỉ tiêu thông tin theo dõi trừ lùi hạn ngạch trên cổng khai hải quan online và mở cổng này để đăng ký lúc 0 giờ ngày 12/4. Thông kê của Tổng cục Hải quan cho biết, tới 6h15 sáng 12/4 (Chủ nhật), đã có 38 doanh nghiệp đăng ký xong 399.989,43 tấn gạo xuất khẩu. Hạn ngạch chỉ còn 10,57 tấn và trong ngày 12/4, thêm 2 doanh nghiệp nữa đăng ký hết số hạn ngạch này.

Ngày 20/4, Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định trong quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo.

Ngày 21/4, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xuất khẩu gạo và kiến nghị các biện pháp xử lý và chấn chỉnh công tác điều hành xuất khẩu gạo.
"Thả" xuất khẩu gạo nếp từ ngày 23/4
Tổng cục Hải quan chiều ngày 22/4 đã có văn bản hỏa tốc gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư