Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch
Thanh Huyền - 02/11/2018 23:07
 
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, chiều 2/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch

Tạo thuận lợi hơn nữa cho công tác quy hoạch

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu tập trung cho ý kiến về sự cần thiết và mục tiêu ban hành Luật; nguyên tắc xây dựng Luật; nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, xây dựng.

Cơ bản nhất trí với dự thảo luật và các báo cáo, Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc) đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan trong việc xây dựng, thẩm tra và hoàn thiện dự thảo luật; đồng thời cho rằng, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến quy hoạch theo tờ trình của Chính phủ là có căn cứ pháp luật phù hợp với phụ lục số 3 và quy định tại khoản 5 Điều 59 Luật Quy hoạch. Việc ban hành luật này còn tránh được khoảng trống pháp lý, xung đột pháp luật, tạo thuận lợi cho công tác lập thẩm định phê duyệt và thực hiện quy hoạch.

Đại biểu Phùng Văn Hùng (Đoàn đại biểu tỉnh Cao Bằng) nhận xét, Luật Quy hoạch được ban hành ví như một cuộc cách mạng trong hoạt động quy hoạch. Luật đã bãi bỏ các quy hoạch hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ không còn phù hợp với kinh tế thị trường, làm giảm số lượng quy hoạch từ khoảng 19.000 loại quy hoạch khác nhau xuống khoảng 200 - 300 loại quy hoạch, khắc phục đáng kể tình trạng dàn trải, chồng chéo, tùy tiện trong công tác quy hoạch gây lãng phí rất lớn trong phân bổ và sử dụng nguồn nhân lực của đất nước, làm méo mó, xấu xí nhiều vùng, khu vực, khu đô thị mặc dù ở đó quy hoạch cũng đã được xác lập.

Do đó, ông Hùng đề nghị, để thực hiện được những yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra, cần phải tuân thủ một số nguyên tắc đã được đề cập trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Việc tuân thủ các nguyên tắc này là yêu cầu hết sức quan trọng, nhằm không mở rộng phạm vi điều chỉnh ra ngoài những vấn đề liên quan đến Luật Quy hoạch và đảm bảo rằng sau khi được Quốc hội thông qua, chúng ta sẽ có được một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất đối với hoạt động quy hoạch.

Theo ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung các luật cần thực hiện theo nguyên tắc: Lấy Luật Quy hoạch làm gốc, các luật khác có liên quan phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật Quy hoạch. Các luật khác không quy định lại, quy định trái nội dung đã được quy định tại Luật Quy hoạch; bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ.

Bảo đảm thứ bậc của các loại quy hoạch, không quy định cùng một cấp có hai quy hoạch với nội dung và giá trị pháp lý như nhau. Các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, Quy hoạch vùng và Quy hoạch tỉnh cần quy định cụ thể về: phạm vi, nội dung, bảo đảm không có sự trùng lặp nội dung giữa các quy hoạch; thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch;

Không xem xét bổ sung các quy hoạch chưa được liệt kê tại Phụ lục I hay cụ thể hóa Danh mục các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác theo quy định tại khoản 4 Điều 59 và điểm 39 Phụ lục II của Luật Quy hoạch.

Tiếp tục lắng nghe để có báo cáo toàn diện

Phát biểu tiếp thu và giải trình trước Quốc hội, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì soạn thảo luật này chia sẻ, là cơ quan soạn thảo Luật Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Quốc hội và Chính phủ hoàn toàn tin tưởng giao để đảm bảo rà soát có sự thống nhất. Tuy nhiên, Luật Quy hoạch là một luật rất khó, nên khi sửa các luật để cho phù hợp với Luật Quy hoạch này cũng là một thách thức rất lớn đối với cơ quan soạn thảo, bởi vì các luật này nằm rải rác ở khắp tất cả các bộ, ngành liên quan.

Đề cập đến các vấn đề cụ thể mà các đại biểu đã nêu, Bộ trưởng Dũng cho biết, về quy hoạch có tính chất kỹ thuật và chuyên ngành, theo phụ lục 2 Luật Quy hoạch, có một danh mục 38 quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành được cụ thể hóa thành 63 quy hoạch chuyên ngành. Theo luật sửa đổi lần này, rà soát còn 45 quy hoạch chuyên ngành. Đã loại bỏ được 18 quy hoạch chuyên ngành theo danh mục tại phụ lục 2 Luật Quy hoạch.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình một số nội dung đại biểu quan tâm
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình một số nội dung đại biểu quan tâm

Về quy hoạch xây dựng, ông Dũng cho biết, đây là vấn đề lớn nhất đang còn tồn tại đến nay và có nhiều ý kiến các đại biểu đã nêu. "Các đại biểu nêu có rất nhiều lý lẽ, tôi cho rất xác đáng, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và xin ý kiến lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội để lãnh đạo, chỉ đạo thêm về nội dung này", người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Bộ trưởng Dũng cho biết, Bộ sẽ cùng cơ quan soạn thảo nghiên cứu và có báo cáo giải trình tiếp thu vào ngày 9/11, thảo luận tại hội trường. Từ nay đến đó, Bộ sẽ có báo cáo đầy đủ, toàn diện hơn, có một số vấn đề sẽ phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, hiện nay vẫn còn có những ý kiến khác nhau rất lớn về 2 nội dung liên quan đến việc sửa đổi điều của Luật Xây dựng và sửa đổi một số điều Luật Đất đai. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có văn bản giải trình, làm rõ thêm 2 nội dung này. Đồng thời, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được Ban Thư ký Quốc hội ghi âm, ghi chép, phản ánh đầy đủ, sẽ được tiếp thu, giải trình một cách nghiêm túc và sau đó sẽ được báo cáo Quốc hội để thảo luận vòng hai vào chiều ngày 9/11/2018 trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư