Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quỹ đất Khu kinh tế Dung Quất: “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”
Hà Minh - 11/07/2021 08:28
 
Nhiều nhà đầu tư đến Quảng Ngãi đề xuất được đầu tư hạ tầng KCN, nhưng đành ra về vì không có quỹ đất, trong khi, có DN được cấp chủ trương đầu tư lại “án binh bất động”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thiếu đất cho các dự án quy mô

Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và KCN Việt Nam (IDICO) là một trong những doanh nghiệp đề xuất đầu tư hạ tầng KCN tại Quảng Ngãi, nhưng phải ra về. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi, IDICO rất thiện chí và sẵn sàng bỏ vốn lớn để đầu tư dự án hạ tầng KCN có diện tích cả ngàn héc-ta với đầy đủ hạ tầng điện, nước, giao thông, cây xanh... Tuy nhiên, xét về tổng thể diện tích đất cho phát triển công nghiệp, Quảng Ngãi chưa thể đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, nên “đành phải hẹn nhà đầu tư vào dịp khác”.

“Đất đai có hạn, nên sử dụng quỹ đất không hiệu quả là lãng phí tài nguyên. Do đó, tới đây, việc sử dụng đất trong phát triển công nghiệp phải có hiệu quả, suất đầu tư phải cao hơn. Tỉnh xem đây là ưu tiên để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào KKT Dung Quất và doanh nghiệp phải cam kết với tỉnh khai thác triệt để quỹ đất được cấp phép”.

- Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi

Ông Ngô Văn Trọng, Trưởng ban, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi cho biết, địa phương cũng rất tiếc, nhưng KKT Dung Quất đã hết quỹ đất phát triển công nghiệp theo quy hoạch được duyệt.

Không riêng IDICO, thời gian qua, có nhiều nhà đầu tư hạ tầng KCN đăng ký đầu tư vào KKT Dung Quất, như Công ty cổ phần Hợp Nghĩa (đề xuất diện tích khoảng 900 ha), Công ty TNHH VSIP (đề xuất diện tích 3.000 ha), Công ty cổ phần KCN Gilimex (đề xuất diện tích khoảng 730 ha)... Tuy nhiên, tất cả mới chỉ dừng ở khâu khảo sát và đề xuất, chứ chưa thể tiến hành các bước tiếp theo, do thiếu đất công nghiệp.

Hiện nay, tại KKT Dung Quất, quỹ đất ở phía Tây (KCN Sài Gòn - Dung Quất) do Công ty TNHH MTV Đầu tư, Xây dựng và Kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi (QISC) quản lý đã cơ bản cấp hết cho nhà đầu tư. Khu phía Đông cũng đã kín dự án, như Doosan Vina, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Thép Hòa Phát Dung Quất... Phần diện tích còn lại (50 - 70 ha) là dự trữ cho chiến lược phát triển công nghiệp lọc hóa dầu trong tương lai.

Điều đáng nói là, trong khi nhiều doanh nghiệp thể hiện quyết tâm đầu tư nghiêm túc nhưng không có đất, thì vẫn có doanh nghiệp đã được Quảng Ngãi giao đất công nghiệp hàng chục năm nay lại không triển khai dự án, hoặc triển khai quá chậm. Thậm chí, có doanh nghiệp còn chây ì tiền ứng trước giải phóng mặt bằng của địa phương hàng trăm tỷ đồng và “năn nỉ” xin gia hạn thời hạn triển khai.

“400 ha còn trống thuộc Dự án Khu đô thị - Công nghiệp Dung Quất, do Công ty Hoàng Thịnh Đạt đầu tư đang nằm trong diện như vậy”, đại diện Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi cho biết.

Cụ thể, theo kế hoạch, sau khi được giao đất giai đoạn I, Công ty Hoàng Thịnh Đạt phải triển khai ngay, nhưng doanh nghiệp này đã gia hạn nhiều lần mà chưa thực hiện. Đối với giai đoạn I (b), diện tích khoảng 200 ha, nhà đầu tư không thực hiện và UBND tỉnh đủ cơ sở để thu hồi giao cho nhà đầu tư khác, nhưng diện tích này không đủ lớn để thu hút nhà đầu tư chiến lược.

“Phần diện tích này, tỉnh có đề xuất IDICO đầu tư, nhưng doanh nghiệp từ chối vì quá ít”, ông Ngô Văn Trọng cho hay.

Cũng theo ông Trọng, tại KKT Dung Quất, khu vực hiện còn diện tích đất đủ lớn để thu hút đầu tư và được quy hoạch đất công nghiệp là ở các xã Bình Tân Phú, Bình Châu (huyện Bình Sơn), nơi quy hoạch cảng Dung Quất 2, song khu vực này lại không hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Riêng khu vực xã Bình Hòa (huyện Bình Sơn) có quy hoạch đất công nghiệp rộng khoảng 500 ha và đã có nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc đề xuất thực hiện dự án.

“Vị trí này vướng mặt bằng, nên quy hoạch điều chỉnh xuống còn khoảng 200 ha. Mặc dù vậy, do nhiều tồn tại, nên 3 năm qua, nhà đầu tư này vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ cấp chủ trương đầu tư”, đại diện Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi thông tin.

Nhu cầu nới rộng “chiếc áo”

Hơn 10 năm trước, khi “chiếc áo” KKT Dung Quất “chật chội” so với nhu cầu đầu tư phát triển, Chính phủ đã quyết định cho Quảng Ngãi mở rộng KKT này từ 10.300 ha lên hơn 45.000 ha. Đến nay, một lần nữa, KKT Dung Quất không còn quỹ đất để bố trí cho các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư hạ tầng KCN.

Theo ông Ngô Văn Trọng, để đảm bảo quỹ đất thu hút nhà đầu tư chiến lược vào KKT Dung Quất, thì việc đầu tiên là phải sớm hoàn thành điều chỉnh quy hoạch KKT Dung Quất, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, điều chỉnh lại quy hoạch cảng Dung Quất 2, điều chỉnh quỹ đất dọc theo đường Võ Văn Kiệt, đường TP. Quảng Ngãi - Dốc Sỏi... thành đất phát triển công nghiệp. Việc điều chỉnh cần phù hợp với định hướng phát triển triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Nhiều nhà đầu tư lớn muốn vào Dung Quất, nhưng thực sự, Ban Quản lý không biết tìm đất ở đâu để giao. Ngay cả Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất đề nghị quỹ đất 150 ha bổ sung, khó khăn lắm mới tìm ra, nhưng để doanh nghiệp triển khai thực hiện, cũng phải điều chỉnh quy hoạch xong thì mới giao đất được, vì hiện tại, khu đất này không phải đất công nghiệp”, ông Trọng chia sẻ.

Đề cập vấn đề quy hoạch, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh đang nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, quá trình thực hiện đầu tư, cấp phép đầu tư không nhất thiết phải bám quy hoạch cũ, mà phải xây dựng trên tinh thần của quy hoạch mới, phù hợp với tốc độ phát triển và thực tiễn của Quảng Ngãi.

“Đề xuất nào không phù hợp với quy hoạch cũ, thì cơ quan tham mưu trình để bổ sung vào quy hoạch mới. Đồng thời, tỉnh chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc và chấp thuận chủ trương đầu tư có điều kiện đối với doanh nghiệp đầu tư vào KKT Dung Quất trong giai đoạn tới; ưu tiên thu hút phát triển các ngành công nghiệp nhẹ, sạch, xanh, thân thiện với môi trường, các ngành áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại...”, ông Đặng Văn Minh nhấn mạnh.

Thị trường địa ốc nửa đầu năm: Bất động sản công nghiệp là điểm sáng
Trong nửa đầu năm 2021, thị trường bất động sản ghi nhận những dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng ở một số lĩnh vực, trong đó bất động...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư