Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 05 năm 2024,
Quy định rõ điều kiện chỉ định thầu
Khánh An - 30/10/2013 07:26
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn trước khi những vấn đề còn khác nhau của Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường ngày hôm nay (30/10), ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, nhiều nội dung của Dự thảo đã được hoàn thiện theo hướng quản lý hiệu quả hơn nguồn vốn nhà nước.
TIN LIÊN QUAN

Thưa ông, cho tới thời điểm này, những ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Đấu thầu, nhất là nội dung liên quan đến quy định về hạn mức vốn nhà nước, đã được xử lý thế nào?

Trước hết, phải khẳng định, các nội dung của Dự thảo Luật đã được rà soát, hoàn thiện rất kỹ trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội.

Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Riêng quy định về mức vốn nhà nước, đa số ý kiến đại biểu tán thành quy định các dự án đầu tư phát triển khác sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30%, nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt, thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật.

Quy định cụ thể như vậy là để tránh tránh tùy tiện trong thực hiện sau khi Dự án Luật được thông qua và có hiệu lực.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở của tỷ lệ 30% vốn nhà nước, mức tuyệt đối 500 tỷ đồng hay đề nghị hạ hạn mức này.

Cũng phải nói rõ là, các kiến nghị này cũng đã được đặt ra khi Quốc hội khóa XI xem xét, thông qua Luật Đấu thầu hiện hành.

Mặt khác, từ thực tiễn áp dụng Luật Đấu thầu cho thấy, có dự án sử dụng vốn nhà nước rất lớn, nhưng do tỷ lệ phần vốn nhà nước dưới 30% tổng mức đầu tư, nên không phải thực hiện lựa chọn nhà thầu. Trong khi đó, có dự án tuy sử dụng vốn nhà nước ít, nhưng vì chiếm trên 30% tổng mức đầu tư của dự án, nên phải tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu.

Chính vì vậy, hạn mức 30% và con số 500 tỷ đồng đã được xây dựng trên cơ sở cân nhắc mối tương quan giữa quy mô phần vốn góp nhà nước và tổng vốn đầu tư của dự án đầu tư phát triển.

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) so với quy định hiện hành là nhằm quản lý hiệu quả hơn nguồn vốn nhà nước.

Thưa ông, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Đấu thầu có dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước…

Có nghĩa là, theo dự thảo, doanh nghiệp nhà nước phải tuân theo quy định của Luật Đấu thầu khi lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án đầu tư phát triển, không phân biệt vốn đầu tư dự án được huy động từ nguồn nào. Vì vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước thực chất cũng là vốn nhà nước, vốn doanh nghiệp nhà nước đi vay nếu không trả được nợ, thì cuối cùng, Nhà nước vẫn phải có phương án xử lý.

Do vậy, việc quy định chặt chẽ hơn công tác đấu thầu của doanh nghiệp nhà nước là vô cùng cần thiết. Việc thông qua Dự án Luật Đấu thầu trong kỳ họp này sẽ tăng thêm cơ sở pháp lý để đảm bảo quản lý hiệu quả hơn hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, cũng như hiệu quả hoạt động đầu tư công.

Liên quan đến các quy định về chỉ định thầu, vẫn còn nhiều lo ngại khi việc kiểm soát hình thức này trong thời gian qua chưa thực sự chặt chẽ?

Thực tế thi hành Luật Đấu thầu những năm qua cho thấy, hình thức chỉ định thầu được áp dụng nhiều hơn so với các hình thức khác khi lựa chọn nhà thầu.

Do vậy, Dự án Luật quy định 6 trường hợp chỉ định thầu, quy định cụ thể hơn về điều kiện, quy trình, tiêu chí áp dụng chỉ định thầu đối với nhà thầu, nhà đầu tư. Cụ thể, với các gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có giá trị không quá 1 tỷ đồng, gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn không quá 500 triệu đồng đối và gói thầu mua sắm thường xuyên không quá 200 triệu đồng, chủ đầu tư có thể thực hiện chỉ định thầu.

Cũng có ý kiến cho rằng, không cần quy định về hạn mức chỉ định thầu như vậy, vì dễ bị lợi dụng, chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu.

Thực tế cho thấy, nếu bắt buộc áp dụng quy định về đấu thầu cạnh tranh với các gói thầu đơn giản, có giá trị nhỏ thì sẽ mất nhiều thời gian và chi phí. Song, để kiểm soát các hoạt động chỉ định thầu, đi kèm các điều kiện, thì Dự thảo Luật Đấu thầu đã đưa hành vi chia nhỏ dự án thành các gói thầu, nhằm chỉ định thầu vào danh sách hành vi bị cấm.

Vậy còn ý kiến lo ngại Dự án Luật Đấu thầu dành quyền của chủ đầu tư quá lớn, có thể dẫn đến đấu thầu khép kín, dễ gây ra tiêu cực?

Thực chất, đây là việc thực hiện chủ trương phân cấp cho các chủ đầu tư gắn với đơn giản hóa thủ tục đấu thầu. Để tránh lạm quyền, Dự thảo Luật đã quy định rõ về quyền của chủ đầu tư, gắn với trách nhiệm cá nhân, bổ sung chế tài xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực này.

Đồng thời, trách nhiệm của người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động đấu thầu trong quá trình đấu thầu và triển khai thực hiện gói thầu cũng được quy định rõ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư