Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Quy định về đăng ký, quản lý phương tiện làm khó cho thuê tài chính
Khánh Linh - 02/02/2024 16:19
 
Có ô tô trong nhóm sản phẩm cho thuê chủ lực, Hiệp hội Cho thuê tài chính kiến nghị tháo gỡ quy định liên quan đến đăng ký, quản lý phương tiện giao thông. Ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính thông tin.

Quy định về đăng ký, quản lý phương tiện làm khó cho thuê tài chính

Một số thay đổi về chính sách, quy trình mới trong đăng ký, quản lý phương tiện giao thông vận tải, xử lý hành chính trong các lĩnh vực để hướng tới quản lý áp dụng công nghệ số chưa đồng bộ và nhất quán, chưa lường hết những phát sinh từ thực tế nên tạo thêm những rào cản về pháp lý, gia tăng nhiều chi phí tuân thủ, làm mất đi cơ hội phát triển dư nợ của ngành cho thuê tài chính.

Theo thống kê sơ bộ từ 4 công ty cho thuê tài chính, hội viên của Hiệp hội, tổng số tiền từ các hợp đồng tín dụng không thực hiện được là hơn 400 tỷ đồng…

Nhiều doanh nghiệp lựa chọn hình thức thuê tài chính để thuê, mua xe vận tải phục vụ cho nhu cầu kinh doanh. Ảnh minh họa

Trao đổi với phóng viên baodautu.vn, ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính cho biết, Hiệp hội đã có kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong Thông tư 24/2023/TT-BCA (quy định cấp thu hồi, đăng ký biển số xe cơ giới).

"Kiến nghị, đã được cơ quan soạn thảo ghi nhận và nghiên cứu, nhưng trên thực tế vẫn chưa được chỉnh sửa nên đây vẫn là vướng mắc lớn nhất hiện tại”, ông Hòe cho biết.

Theo Hiệp hội Cho thuê tài chính, các doanh nghiệp đề xuất có biện pháp giảm thời gian chờ đợi do việc di chuyển phương tiện tới nơi đăng ký đang tốn kém chi phí và thời gian; chi phí cấp biển số cao hay có phương án miễn giảm phí giao thông với khách hàng thuê tại địa bàn tỉnh, thành phố mà khách cư trú, nhưng biển xe thuê lại từ Hà Nội hay TP.HCM do trụ sở của công ty cho thuê tài chính đóng tại đây…

Thống kê của Hiệp hội Cho thuê tài chính, dư nợ cho thuê tô tô các loại năm 2023 là 6,6 ngàn tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, máy móc xây dựng, thiết bị y tế, dây chuyển sản xuất cũng là các đối tương cho thuê tài chính có tốc độ tăng trưởng nhanh trong năm 2023.

Năm 2024, ông Hòe nhận định, với dự báo tích cực về tốc độ tăng giải ngân đầu tư công, thu hút FDI gia tăng, nhất là Việt Nam tiếp tục là điểm đến của nhiều doanh nghiệp FDI vốn đã rất quen với dịch vụ cho thuê tài chính.

“Đây cũng là dư địa rất lớn để phát triển lĩnh vực này. Chúng tôi dự kiến mức tăng trưởng dư nợ của cho thuê tài chính năm 2024 khoảng 20%, dư nợ của các công ty hội viên cuối năm 2024 đạt khoảng 45 ngàn tỷ đồng”, ông Hòe nhận định.

Đặc biệt, các sản phẩm cho thuê chủ lực vẫn là ô tô các loại; máy móc xây dựng, thi công; dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất…

Chờ cơ hội mới từ Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Theo quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), những khoản cho thuê tài chính nhỏ lẻ, từ dưới 100 triệu đồng, như cho thuê thiết bị văn phòng, cho thuê tài sản tiêu dùng đối với hộ gia đình trong các khu dân cư không cần thiết kiểm soát mục đích sử dụng vốn…, thủ tục sẽ đơn giản, thuận tiện hơn.

"Đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm hoàn thiện Nghị định hướng dẫn về cho thuê tài chính theo khung khổ Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội ban hành, sẽ có hiệu lực vào 1/7/2024", ông Hòe đặt kỳ vọng.

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất – kinh doanh năm 2024 đang đối mặt với nhiều khó khăn, ông Hòe cho rằng, cấp tín dụng dưới dạng cho thuê tài chính là trong phương thức tối ưu, giúp doanh nghiệp, người dân kinh doanh dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng mà không cần thế chấp tài sản. Người thuê có thể bán lại tài sản của mình và thuê lại chính tài sản đó, qua đó giải phóng vốn cố định bổ sung vốn cho kinh doanh một cách hiệu quả…

Thực tế, ở các nước, tỷ lệ dư nợ cho thuê tài chính/GDP khá cao, Trung Quốc là 18%, Mỹ là 22%, trong khi tỷ lệ này ở Việt Nam rất thấp, chưa đầy 0,4%. Đặc biệt, ông Hòe cho biết, chưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa và người dân Việt Nam biết đến dịch vụ này.

Lý do, còn khá nhiều rào cản pháp lý, như các quy định về đối tượng sản phẩm cho thuê chưa rõ ràng; tỷ lệ về an toàn trong quản trị rủi ro cao, do được các công ty cho thuê tài chính được ứng xử như ngân hàng thương mại…

Tuy nhiên, ông Hòe cho biết, các công ty hội viên đều kinh doanh có lãi, mức ROE đạt từ 8% đến trên 10%. Cuối năm 2023, tổng tài sản của 6 công ty hội viên đạt trên 41 ngàn tỷ đồng, tăng 10,65% so cuối năm 2022. Tổng nguốn vốn huy động là 19,8 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 25,76%, có mức tăng huy động vốn gấp hơn 2 lần mức tăng chung của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tổng dư nợ cho thuê tài chính của công ty hội viên đạt 37,2 ngàn tỷ đồng, tăng 13,75% so cuối năm 2022. Dư nợ cho thuê tài chính tăng đều đặn qua các quý, với số lượng hợp đồng cho thuê cả năm 8.403 hợp đồng, tăng 18,3% so với năm 2022...

Đặc biệt, 100% khoản cấp tín dụng qua cho thuê tài chính đều được đánh giá rủi ro môi trường, có thể được xem tín dụng xanh trong ngành cho thuê tài chính được triển khai sớm và đầy đủ, nhiều khoản cho thuê tài chính đã góp phần xanh hóa ngành dệt may...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư