Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 01 năm 2025,
Tâm điểm thu hút đầu tư miền Trung - Tây Nguyên
Quy hoạch mở tương lai cho miền Trung - Tây Nguyên
Hoàng Anh - 20/11/2022 07:31
 
Miền Trung - Tây Nguyên sở hữu nhiều tiềm năng phát triển và có thể bổ trợ nhau. Việc tăng cường liên kết, hợp tác phát triển trên cơ sở quy hoạch chung sẽ tạo đột phá cho cả khu vực.
Với một bản quy hoạch vùng tốt, liên kết chặt chẽ với Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên có thêm nhiều động lực tăng trưởng
Với một bản quy hoạch vùng tốt, liên kết chặt chẽ với Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên có thêm nhiều động lực tăng trưởng

Tiềm năng, nhưng thiếu liên kết

Vùng Duyên hải miền Trung nằm trên trục giao thông chính Bắc - Nam, kết nối với Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia; có tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên. Đây cũng là địa bàn có tiềm năng lớn về kinh tế biển, đóng vai trò “mặt tiền” của nền kinh tế. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, kinh tế của Vùng có sự khởi sắc và tăng trưởng liên tục.

Tại Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, giai đoạn 2001 - 2019, tốc độ tăng GRDP bình quân toàn Vùng luôn duy trì ở mức cao (10,25%/năm). Giai đoạn 2011 - 2019, tuy có sự sụt giảm so với thời kỳ trước (đạt 8,14%), song vẫn cao hơn mức tăng trưởng trung bình của cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Vùng được đầu tư khá đồng bộ, các chuỗi đô thị ven biển hình thành, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển, du lịch và mở rộng các không gian kinh tế. Tuy vậy, nếu đặt trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước, phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung còn khá chậm so với các vùng kinh tế trọng điểm khác của cả nước, chưa đáp ứng kỳ vọng của Trung ương.

Việc quy hoạch những huyết mạch giao thông kết nối Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên là hết sức cần thiết.

- TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế

Còn tại Tây Nguyên, kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều kết quả khá toàn diện. Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287.000 tỷ đồng, gấp khoảng 14 lần năm 2002; GRDP bình quân giai đoạn 2002 - 2020 đạt 7,98%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ; công nghiệp phát triển nhanh; hình thành vùng sản xuất nông sản lớn, với nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu của cả nước… Dẫu vậy, Tây Nguyên vẫn còn khó khăn; phát triển kinh tế chưa bền vững, quy mô GRDP còn thấp.

Giàu tiềm năng, nhiều lợi thế, nhưng vì sao tốc độ phát triển của miền Trung - Tây Nguyên lại chậm hơn các vùng khác?

Nhiều lý do đã được các chuyên gia kinh tế chỉ ra. Bên cạnh khó khăn như địa hình trải dài, khí hậu khắc nghiệt…, thì việc thiếu liên kết một cách thực chất, “mạnh ai nấy làm” là rào cản lớn cho sự phát triển của khu vực này.

Mặc dù chủ trương liên kết vùng được xác định sẽ tạo điều kiện, không gian phát triển, nhưng đến nay, hầu hết các địa phương trong khu vực vẫn giữ “tư duy kinh tế địa phương”, thậm chí đã xuất hiện xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng do thiếu tính liên kết trong phát triển. Các quy định về liên kết tại khu vực chưa mang tính ràng buộc, yêu cầu các địa phương phải thực hiện theo đúng quy hoạch phát triển vùng; cơ chế quản lý, điều phối vùng chưa chặt chẽ, đồng bộ, khiến việc liên kết chưa hiệu quả.

Hơn nữa, các nội dung thực hiện liên kết phát triển vùng, nhất là vấn đề liên kết hạ tầng, du lịch, công nghiệp, dịch vụ, cảng biển, sân bay chưa thống nhất, phần lớn mang tính tự phát, xuất phát từ lợi ích tự thân của từng ngành thay vì từ nhu cầu liên kết, phân chia nguồn lực hợp lý. Đây cũng là một trong những lý do làm giảm hiệu quả liên kết vùng.

““Chìa khóa”” quy hoạch

Miền Trung - Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của đất nước. Bởi vậy, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết để tạo điều kiện phát triển cho khu vực này và trên thực tế, miền Trung - Tây Nguyên cũng đã đạt được nhiều thành quả quan trọng.

Tuy vậy, tại nhiều hội thảo, các chuyên gia đều nhấn mạnh yêu cầu về một bản quy hoạch chung cho phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng. Quy hoạch sẽ “phân vai” cho từng địa phương, để tránh tình trạng cạnh tranh lẫn nhau.

TS. Hoàng Hồng Hiệp, quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhấn mạnh, khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần hoàn thiện thể chế liên kết phát triển vùng. Trong đó, chú trọng khai thác lợi thế hành lang kinh tế Đông - Tây và tuyến đường xuyên Á để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực vận tải, logistics và du lịch. Đồng thời, cần tái quy hoạch hệ thống các công trình hạ tầng gắn với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng, trên cơ sở xem xét, phân tích đầy đủ vai trò của từng công trình đối với sự phát triển vùng, từ đó, xác định những công trình trọng điểm cần thiết ưu tiên đầu tư. Những công trình này phải có tác động đột phá đến phát triển kinh tế cũng như tạo hiệu ứng lan tỏa và thu hút đầu tư cho toàn vùng.

Còn theo TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, việc quy hoạch những huyết mạch giao thông kết nối Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên là hết sức cần thiết.

Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai, TS. Trần Du Lịch cho rằng, với vị trí địa lý và những thế mạnh sẵn có, Gia Lai cũng như các tỉnh Tây Nguyên còn quá nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, muốn được như vậy, cần phải thông được các trục giao thông lớn, là các quốc lộ 19, 14 và 25. Ba trục giao thông chiến lược này sẽ kết nối cửa khẩu Lệ Thanh qua Quốc lộ 19 về cảng Quy Nhơn, đưa Gia Lai trở thành nơi chuyển tải hàng hóa qua Bắc Tây Nguyên và Tam giác phát triển về cảng Quy Nhơn; Quốc lộ 14 thông với phía Bắc, nối với hành lang kinh tế khác qua cửa khẩu Bờ Y và trục Quốc lộ 25 sẽ nối về hướng Đông.

“Nếu 3 trục này được đầu tư xứng tầm, thì sẽ tạo đột phá rất lớn để thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực kinh tế. Tăng trưởng 9% hay 10% trong 5 năm hay 10 năm tiếp theo của Gia Lai không phải là mục tiêu khó, nếu như khai thác được các dư địa về nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, hình thành cứ điểm công nghiệp chế biến, hình thành các trung tâm logistics nằm trên các trục giao thông quan trọng này”, TS. Trần Du Lịch nói.

Hiện nhiều tuyến cao tốc kết nối Tây Nguyên với Duyên hải miền Trung đang được khẩn trương triển khai. Trong đó, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước, tổng mức đầu tư khoảng 21.935 tỷ đồng; dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng năm 2026. Dự án Đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có chiều dài khoảng 127 km cũng đang hoàn thiện thủ tục để sớm khởi công.

Trong khi đó, tại Quảng Nam, Chính phủ cũng đã chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu thực hiện tuyến đường mới từ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang đến biển Quảng Nam và đường cao tốc kết nối Kon Tum với Quảng Nam.

Chắc chắn, khi những dự án giao thông trọng điểm trên hình thành, sẽ tạo động lực to lớn cho tương lai phát triển của miền Trung - Tây Nguyên.

Trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ: phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi toàn vùng tới các cảng biển, cảng hàng không nội địa và quốc tế.

Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành một số hạ tầng giao thông quan trọng: tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương; mở rộng, nâng cấp cảng hàng không Liên Khương lên cấp 4E và cảng hàng không Pleiku lên cấp 4C; mở rộng cảng hàng không Buôn Ma Thuột; khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt phục vụ khách du lịch…

Về phát triển kinh tế, Tiểu vùng Bắc Tây Nguyên (Gia Lai và Kon Tum) duy trì công nghiệp thủy điện, phát triển năng lượng tái tạo, cây dược liệu; hình thành các khu du lịch sinh thái, các khu du lịch gắn với vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Không gian phát triển kinh tế của Tiểu vùng gắn với các tỉnh khu vực Duyên hải miền Trung theo hành lang giao thông quốc lộ 14, 19, 24 và hành lang biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.

Trong khi đó, Tiểu vùng Trung Tây Nguyên (Đắk Lắk) tập trung phát triển năng lượng tái tạo; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, đặc biệt là sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê; phát triển các trung tâm dịch vụ thương mại, trung chuyển hàng hoá. Không gian phát triển kinh tế của Tiểu vùng gắn với các tỉnh Khánh Hoà, Phú Yên theo hành lang Quốc lộ 26, 29 và cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hoà.

Tiểu vùng Nam Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đắk Nông) tập trung phát triển ngành dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao; nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm. Không gian phát triển kinh tế của Tiểu vùng gắn với Vùng Đông Nam bộ theo hành lang Quốc lộ 20 và các tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Chơn Thành - Gia Nghĩa.

Có thể thấy, với Nghị quyết số 23-NQ/TW, sự phát triển của Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên được gắn chặt với nhau. Một khi giải được điểm nghẽn về hạ tầng và quy hoạch, trong tương lai, khu vực miền Trung - Tây Nguyên sẽ là cực tăng trưởng mạnh của cả nước.

Đầu tư lớn cho hạ tầng giao thông khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Hơn 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư được bung ra trong giai đoạn 2021-2025 để mở rộng mạng lưới đường cao tốc chắc chắn sẽ làm thay đổi diện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư