Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Quy hoạch phát triển tới đây của Nghệ An phải thể hiện được khát vọng của người dân
Khánh Linh - 20/12/2022 17:12
 
Sáng 20/12/2022, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức tọa đàm “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
,
Tọa đàm “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

“Nghệ An phải chăng đúng là đi trước, về sau?”

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã đặt thẳng vấn đề như vậy với lãnh đạo Nghệ An và các chuyên gia tham gia Tọa đàm “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Nghệ An đã “đi đầu, dậy trước” trong phong trào cách mạng, quê hương của Xô Viết - Nghệ Tĩnh, nhưng từ khi Đổi mới đến nay vẫn luôn nằm trong top những tỉnh phải nhận điều chuyển trợ cấp ngân sách từ Trung ương.

Sau nhiều năm phấn đấu, GRDP bình quân đầu người mới chỉ đạt 2/3 mức trung bình của cả nước.

Một tỉnh có nguồn lao động dồi dào, giáo dục được khẳng định vị trí top đầu cả nước với truyền thống hiếu học, có những trường đại học, cao đẳng lớn, nhưng vẫn loay hoay với bài toán phát triển các ngành công nghệ cao, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, ông Thắng nhấn mạnh, một tỉnh được hưởng những cơ chế đặc thù, có nguồn tài nguyên phong phú, có nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng vẫn chưa thể thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược”.

Đây cũng chính là những trăn trở của ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An. Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Nghệ An đã đạt được những thành tựu khá toàn diện trên các mặt. Quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 12 cả nước, đóng góp 12,43% quy mô kinh tế Vùng và 1,85% cả nước. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, riêng năm 2022, đạt 9,05%; thu ngân sách năm 2022 thực hiện trên 20.000 tỷ đồng.

m
Ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.

Một số lĩnh vực từng bước định hình là trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, như y tế, giáo dục và đào tạo, tài chính - ngân hàng... Đời sống của nhân dân ở các vùng, miền từng bước được nâng lên rõ rệt...

Nhưng soi vào các mục tiêu mà Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đặt ra, thì Nghệ An vẫn chưa hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 chưa đạt được.

Chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh nền kinh tế chưa cao; một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng còn đạt thấp so với mục tiêu …

“Khát vọng đưa Nghệ An phát triển tương xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế vẫn luôn là mục tiêu trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân tỉnh Nghệ An. Chúng tôi rất mong muốn có một cơ chế và nguồn lực đủ mạnh, có tính đột phá cao để cộng hưởng với sự đoàn kết, nỗ lực trong toàn Đảng bộ và nhân dân, đưa Nghệ An tiến nhanh, tiến vượt trong giai đoạn mới”, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An chia sẻ tại Tọa đàm.

Quy hoạch phát triển Nghệ An phải thể hiện khát vọng của người dân

TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ trăn trở của những người lãnh đạo tỉnh Nghệ An.

“Các đời lãnh đạo của Nghệ An đã cố gắng cật lực, nhưng xuất phát điểm của Nghệ An quá thấp, nên rất cần cơ chế, chính sách từ Trung ương để phải tạo cơ hội và điều kiện để Nghệ An bứt phá. Nhưng vấn đề là cơ chế phải thực sự vượt trội với tầm nhìn rõ ràng về vai trò của Nghệ An và cả TP. Vinh trong Vùng, chứ không chỉ nhìn riêng Nghệ An”, TS. Thiên nêu quan điểm.

Thực tế 10 năm qua, ông Thiên nói, dù có Nghị quyết 26, nhưng cách tiếp cận vẫn chưa đặt mục tiêu vai trò động lực phát triển, dẫn dắt của Vùng, nên “Nghệ An vẫn thong thả đi sau”.

“Đây là thời điểm của duyên hải miền Trung, là đến thời của địa linh nhân kiệt. Đã đến lúc lãnh đạo Nghệ An và cả chính quyền Trung ương phải nhận thức rõ vai trò của Nghệ An với quốc gia, với Vùng để có cơ chế, phân giao trách nhiệm rõ ràng, từ Trung ương đến địa phương, từ đó có nhiệm vụ cụ thể”, ông Thiên sốt ruột.

Có hai dự án ông Thiên nhắc tới với kỳ vọng sẽ có cơ chế để trở thành điểm bứt phá cho Nghệ An. Đó là nâng cấp sân bay Vinh thành sân bay quốc tế đúng nghĩa. Hai là, xây dựng nhanh cảng nước sâu Cửa Lò, để thu hút đầu tư về Khu kinh tế Đông Nam.

“Xây dựng hạ tầng số phải là ưu tiên hàng đầu, chứ không chỉ là hạ tầng giao thông, nếu muốn bứt phá. Phải xây dựng TP. Vinh có vai trò hàng đầu trong vùng, trung tâm dẫn dắt phát triển chứ không chỉ là trung tâm của Tỉnh. Xác định rõ mục tiêu, vai trò rồi mới đề xuất cơ chế đặc thù thì mới hiệu quả”, TS. Trần Đình Thiên đề xuất.

Bà Thái Hương, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á không xa lạ với các thông tin trên, vì bà chia sẻ, tham gia nhóm tư vấn của lãnh đạo tỉnh, thấy rõ sự nỗ lực, lăn lộn của lãnh đạo địa phương.

,
Bà Thái Hương, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á.

“Tôi cũng rất suy tư. Có thể các mục tiêu Nghị quyết 26 kỳ vọng quá lớn, nên có những mục tiêu chưa đạt được. Có lẽ việc xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu phải dựa trên cơ sở thực tế, nội lực của địa phương và quan trọng là những cơ chế để thúc đẩy. Nghệ An đã có nhà đầu tư lớn đến rồi, nhưng theo tôi, cần có chính sách để các nhà đầu tư sẵn sàng làm lớn hơn, đầu tư nhiều hơn”, bà Thái Hương chia sẻ sự trăn trở một cách cụ thể.

Quyết định đầu tư của Tập đoàn TH và bò sữa trước đây hay hiện tại là trồng cây dược liệu không chỉ dựa trên những lợi thế hiện có của Nghệ An, mà dài hạn và thực tiễn hơn.

“Tôi đã đọc các báo cáo, nghiên cứu về lợi thế của Nghệ An, về lý thuyết là đầy đủ, nhưng thực tế có những vấn đề cần rõ hơn. Ví dụ vùng tây nam Nghệ An có thể trồng thảo dược với tầm nhìn không chỉ 5-10 năm và cả trăm năm, chứ không nên khuyến khích trồng cây lấy gỗ công nghiệp, vì gỗ nguyên liệu thế giới đang nhiều, chúng ta có thể nhập qua cảng nước sâu Cửa Lò khi hoàn thành, nên dành đất rừng để trồng các loại cây có giá trị cao hơn, lâu bền hơn, để không chỉ cùng bà con nông dân làm nông nghiệp, mà còn làm cả du lịch chữa bệnh, du lịch dưỡng lão...”, bà Thái Hương đề xuất.

Đặc biệt, bà Thái Hương cho rằng, các quy hoạch phát triển tới đây của Nghệ An phải thể hiện được khát vọng của người dân Nghệ An

Tham gia Tọa đàm, ông Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội chia sẻ mục tiêu này.

“Làm thế nào cho người dân Nghệ An no đủ và giàu có, theo đó: mức mục tiêu đặt ra đến năm 2030 đạt mức thu nhập trung bình là no đủ, đến năm 2045 là giàu có. Mục tiêu nữa là tỉnh phải mạnh, tạo ra sức bật mới để Nghệ An mạnh lên, đến năm 2030 phải cân đối được ngân sách, nộp Trung ương; phải có thế là 1 tỉnh công nghiệp. Nền kinh tế Nghệ An cần có chuyển động tích cực, đến năm 2030, Nghệ An có thế tỉnh công nghiệp bật lên, mạnh chính trị, an ninh quốc phòng…”, ông Nguyễn Sinh Hùng làm rõ.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Sinh Hùng đưa ra một số nội dung đối với nhiệm vụ giải pháp trong những giai đoạn tiếp theo, yêu cầu Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW phải có tầm nhìn các vùng kinh tế của Nghệ An; xem xét thế mạnh, lợi thế từ vùng núi, trung du, đồng bằng, vùng biển.

,
 Ông Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội.

Hiện nay, theo ông Nguyễn Sinh Hùng, Nghệ An vẫn là nông thôn chiếm lớn nên Nghị quyết mới phải phát triển nông nghiệp hiện đại, có hàm lượng công nghệ cao, để toàn tỉnh Nghệ An bứt phá vươn lên từ hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, đầu tư kinh doanh, các ngành nông nghiệp đều phát triển, đưa hàm lượng chất xám vào, làm cho ngành nông nghiệp Nghệ An phải giàu, phát huy được lợi thế.

Thứ hai, phải đưa công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào không chỉ nông nghiệp mà hiện đại hóa cả du lịch, văn hóa thương mại, nông thôn, đô thị. “Coi công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là bước đi quan trọng, phát triển kinh tế số, gắn liên với cải cách hành chính, đưa cách mạng công nghiệp 4.0 vào một cách toàn diện, thúc đẩy sản xuất kinh doanh”, ông Nguyễn Sinh Hùng nói.

Thứ ba, về nhân lực, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, xây dựng con người Nghệ An có ý chí làm giàu, vươn lên, tự lực tự cường phát triển.

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW cho biết, các ý kiến đều thống nhất cao về việc đề nghị Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới “về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Nghệ An đối với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và cả nước; là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù và bổ sung nguồn lực để phát triển bền vững tỉnh Nghệ An xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thu hút FDI Nghệ An nằm trong nhóm 10 địa phương cao nhất nước
Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh là 935,22 triệu USD.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư