Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Quy hoạch tỉnh đầu tiên đã được phê duyệt
Hà Nguyễn - 21/02/2022 14:03
 
Đó là Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Việc Quy hoạch tỉnh Bắc Giang được phê duyệt có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mà còn đối với việc thực thi các quy định của Luật Quy hoạch.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 219/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây chính là quy hoạch tỉnh đầu tiên xây dựng theo quy định của Luật Quy hoạch được thông qua. Mục tiêu chung là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa Bắc Giang phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Theo đó, công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Bắc Giang trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng; dịch vụ phát triển đa dạng, có bước đột phá; nông nghiệp phát triển ổn định, theo hướng an toàn, chất lượng và hiệu quả.

Và mục tiêu cụ thể là đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Trong đó, các chỉ tiêu đáng quan tâm là phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 15-16%. Trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 17-18%/năm (công nghiệp tăng 18-19%/năm, xây dựng tăng 12 - 13%/năm); dịch vụ tăng 10- 11%/năm; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2 - 3%/năm.

Cơ cấu kinh tế năm 2030, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 66-67% (công nghiệp chiếm 60%); ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 6-7%; ngành dịch vụ chiếm 24-25% và thuế sản phẩm 2-3%.

GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 9.800 USD (giá hiện hành).

Trong Quy hoạch được phê duyệt, Bắc Giang sẽ phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, để trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng.

Cùng với đó, sẽ phát triển ngành dịch vụ đa dạng, hiện đại, bền vững; phát triển đột phá một số dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ngành dịch vụ có sức cạnh tranh cao, qua đó, đưa Bắc Giang trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, vận tải, kho bãi, logistic, thương mại của vùng.

Bên cạnh đó, hình thành và phát triển các khu du lịch quốc gia, đưa dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Phát triển đồng bộ cả dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội và dịch vụ công.

Còn nông nghiệp Bắc Giang được xây dựng theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên cơ sở phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch.

Lâm nghiệp, thủy sản cũng được theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường…

Có thể nói, việc Quy hoạch tỉnh Bắc Giang được phê duyệt có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mà còn đối với việc thực thi các quy định của Luật Quy hoạch.

Theo quy định, các loại quy hoạch, bao gồm cả Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh… phải hoàn thành và được phê duyệt trước ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, tiến độ hiện nay rất chậm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhiều lần có văn bản đề nghị các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2025.

Hiện tại, trong hệ thống các quy hoạch phải lập theo Luật Quy hoạch, mới có quy hoạch sử dụng đất quốc gia được trình Quốc hội xem xét, phê duyệt tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; 3/38 quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt (bao gồm Quy hoạch mạng lưới đường bộ; Quy hoạch hệ thống cảng biển và Quy hoạch mạng lưới đường sắt); 14/38 quy hoạch ngành quốc gia đã lập xong, lấy ý kiến, trình thẩm định, phê duyệt.

Đối với quy hoạch tỉnh, hiện tại, mới chỉ có Quy hoạch Bắc Giang được phê duyệt. Số lượng quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong, đang hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt mới chỉ có 4 (trừ Bắc Giang thì còn 3).

Quy hoạch tỉnh Hải Dương phải có tầm nhìn dài hạn, trọng tâm là giai đoạn 2021 - 2030
Đây là khẳng định của ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về phương án Quy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư