Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quy hoạch Tổng thể sân bay toàn quốc: Rộng cửa đón cảng hàng không dân dụng mới
Anh Minh - 08/02/2023 09:15
 
Sẽ có một số thay đổi rất đáng chú ý tại Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trong bước hoàn thiện cuối cùng.
Phối cảnh Cảng hàng không Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận)
Phối cảnh Cảng hàng không Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận)

Thêm nhiều sân bay mới

Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về kết quả rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là bản dự thảo Quy hoạch được hoàn thành sau khi Cục Hàng không Việt Nam; đơn vị tư vấn là Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT và làm việc với các địa phương liên quan.

Điểm mới nhất trong dự thảo lần này là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không kiến nghị bổ sung quy hoạch 2 cảng hàng không quốc nội, gồm Thành Sơn tại tỉnh Ninh Thuận (thời kỳ 2021- 2030: công suất 1,5 triệu lượt hành khách/năm; tầm nhìn đến năm 2050: công suất 3 triệu lượt hành khách/năm) và Biên Hòa tại tỉnh Đồng Nai (thời kỳ 2021-2030: công suất 5 triệu lượt hành khách/năm; tầm nhìn đến năm 2050: công suất 10 triệu lượt hành khách/năm).

Một số dự án hạ tầng hàng không ưu tiên đầu tư

- Đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp các sân bay quốc tế lớn đóng vai trò đầu mối: Long Thành giai đoạn I; Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất; Mở rộng nhà ga T2 Nội Bài; Đường cất hạ cánh số 3; Nhà ga T3 Nội Bài.
- Đầu tư xây dựng mở rộng, xây dựng mới các cảng hàng không tại vùng sâu, vùng núi, hải đảo: Điện Biên, Sa Pa, Pleiku, Côn Đảo...
- Đầu tư xây dựng, mở rộng các cảng hàng không bảo đảm quốc phòng - an ninh tại Thọ Xuân, Phan Thiết…
- Mở rộng các cảng hàng không đáp ứng nhu cầu vận tải: Cát Bi, Vinh, Đồng Hới, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Phù Cát, Liên Khương.

“Điều kiện để chuyển đổi các sân bay quân sự Thành Sơn và Biên Hòa sang khai thác lưỡng dụng theo mô hình cảng hàng không là chỉ khi thu hút được nhà đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa”, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.

Liên quan đề xuất bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới của các địa phương, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đã tổ chức làm việc với UBND các tỉnh đề xuất bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới vào quy hoạch mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc và đã có báo cáo Bộ GTVT kết quả làm việc vào cuối tháng 11/2022.

Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp với tư vấn nghiên cứu và đề xuất phân loại thành 2 nhóm cảng hàng không mới để đề xuất bổ sung vào quy hoạch mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc.

Cụ thể, đối với nhóm địa phương có sân bay quân sự đang khai thác, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch, chuyển đổi một số sân bay quân sự hiện có sang khai thác lưỡng dụng theo mô hình cảng hàng không tại các tỉnh có sân bay quân sự, gồm sân bay Yên Bái (tỉnh Yên Bái), sân bay Gia Lâm (TP. Hà Nội) và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét khi có đủ điều kiện cần thiết.

Đối với nhóm địa phương hiện chưa có sân bay, Cục Hàng không Việt Nam muốn tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch cảng hàng không tại một số tỉnh có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và về lâu dài có tiềm năng phát triển về du lịch, dịch vụ, nhưng chưa có sân bay quân sự đang khai thác và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét khi có đủ các điều kiện cần thiết.

Một thay đổi rất đáng chú ý nữa là, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị cập nhật diện tích đất của các cảng hảng không theo các kết quả nghiên cứu lập quy hoạch nêu trên vào hồ sơ quy

hoạch mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc. Sau khi cập nhật, tổng diện tích đất dự kiến của Quy hoạch Tổng thể hệ thống cảng hàng không toàn quốc giai đoạn đến năm 2030 tăng từ 20.378,41 ha lên 23.831,72 ha (tăng 3.453,31 ha) và giai đoạn đến năm 2050 tăng từ 22.481,77 ha lên 26.089,25 ha (tăng 3.607,48 ha).

Tính hợp lý cao

Cần phải nói thêm, nếu những đề xuất nói trên được chấp thuận thì trong giai đoạn 2021 - 2030, cả nước sẽ có 30 cảng hàng không, gồm 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 14 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo).

Hai cảng hàng không quốc nội chưa từng xuất hiện trong các quy hoạch và dự thảo quy hoạch trước đó là Thành Sơn và Biên Hòa sẽ được hình thành từ việc chuyển đổi các sân bay quân sự Thành Sơn và Biên Hòa sang khai thác lưỡng dụng theo mô hình cảng hàng không.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 640/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 tại huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng.

Về tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc sẽ có 33 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 19 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Cát Bi, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Biên Hòa, Thành Sơn và cảng hàng không thứ 2 tại Hà Nội).

“Vị trí, các chỉ tiêu quy hoạch dự kiến của Cảng hàng không thứ 2 tại Hà Nội hỗ trợ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ được nghiên cứu, xác định giai đoạn trước năm 2030 (dự kiến khu vực phía Đông Nam, Nam Thủ đô Hà Nội). Các chỉ tiêu quy hoạch dự kiến của Cảng hàng không Hải Phòng sẽ được nghiên cứu, xác định giai đoạn sau năm 2030”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đề xuất.

Theo tính toán, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 400.000 tỷ đồng, được huy động bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI cho biết, phần lớn kiến nghị bổ sung sân bay vào quy hoạch của các địa phương đều có tính hợp lý nhất định, mà rõ nhất là trường hợp của Hà Giang.

“Trong bối cảnh việc đầu tư các tuyến cao tốc kết nối địa phương này với Thủ đô có chi phí đầu tư rất lớn, thời gian xây dựng có thể kéo dài cả chục năm, thì việc đầu tư ngay một sân bay có quy mô hợp lý với chi phí chỉ bằng vài chục cây số đường cao tốc có thể mang lại cú hích rất lớn trong thu hút đầu tư, đánh thức các tiềm năng, lợi thế du lịch trên địa bàn”, lãnh đạo TEDI phân tích.

Thủ tướng thành lập Tổ công tác về đầu tư hạ tầng hàng không
Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng và xã hội hóa đầu tư một số cảng hàng không sẽ do Phó thủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư