Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quý I nhọc nhằn của doanh nghiệp thủy điện
Thanh Thủy - 05/05/2024 11:17
 
Lưu lượng nước về các hồ thấp cùng chính sách thị trường điện có nhiều thay đổi khiến lãnh đạo các doanh nghiệp thủy điện thận trọng hơn trong kế hoạch kinh doanh năm 2024.

Thêm một mùa “ngóng” nước về hồ

Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) vừa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2024 với lợi nhuận chỉ đạt 1,77 tỷ đồng, chưa bằng phần lẻ lợi nhuận gần 477 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Báo cáo với các cổ đông, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc VSH cho biết, tình hình thủy văn cuối năm 2023 và các tháng đầu năm 2024 tại khu vực miền Trung không thuận lợi so với cùng kỳ năm trước. Lưu lượng nước về các hồ thấp hơn kế hoạch và trung bình nhiều năm đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất điện quý I/2024. Sản lượng điện thương phẩm giảm 209,79 triệu kWh so với cùng kỳ (tương ứng giảm 32,12%).

Theo ông Thanh, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh giảm gần 61%, về còn gần 350 tỷ đồng. Trong khi đó, VSH còn phải gánh thêm khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 10 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ còn phát sinh lãi chênh lệch tỷ giá đối với dư nợ khoản vay ngoại tệ, dù chỉ khiêm tốn. Kết quả là lợi nhuận quý này “bốc hơi” tới 99,6%.

Thu hẹp doanh thu là tình trạng chung của phần lớn các doanh nghiệp thủy điện trong quý đầu năm này. Lưu lượng nước về các hồ thủy điện giảm mạnh, nhất là các nhà máy thủy điện tại khu vực miền Trung và miền Nam. Tại miền Bắc, sản lượng huy động của các nhà máy thủy điện cũng bị hạn chế theo chính sách chung nhằm giữ nước phục vụ phát điện vào các tháng cao điểm nắng nóng.

Thống kê trong nhóm hơn 10 doanh nghiệp thủy điện đang niêm yết cổ phiếu trên sàn, tổng doanh thu quý I/2024 xấp xỉ 1.080 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, VSH là đơn vị giảm sâu nhất về doanh thu; doanh thu của các công ty thủy điện Quế Phong, Thác Mơ, Thác bà, Miền Trung hay Sông Ba đều giảm quanh mức 40% so với cùng kỳ.

Về tốc độ giảm lợi nhuận, VSH cũng đứng top đầu. Hàng loạt doanh nghiệp thủy điện khác giảm lãi tới 80-90% so với cùng kỳ như Thủy điện Thác Bà (-94%), Thủy điện Hương Sơn (-86%)…

Công ty cổ phần Thủy điện Nậm Mu - đơn vị đang quản lý các nhà máy thủy điện Nậm Mu, Nậm Ngần, Nậm An trên địa bàn tỉnh Hà Giang là doanh nghiệp hiếm hoi ghi nhận sự tăng trưởng. Thời tiết thuận lợi mưa nhiều, lượng nước để sản xuất điện tăng giúp doanh thu quý I/2024 đạt 40,5 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 16,62 tỷ đồng, vượt 28% mục tiêu đề ra và hoàn thành 33% kế hoạch cả năm. Tuy vậy, đây chỉ là điểm sáng hiếm hoi giữa bức tranh chung đầy u ám của doanh nghiệp thủy điện.

“Ông lớn” cũng nhọc nhằn

Đối với nhiều doanh nghiệp đa ngành nghề mà lĩnh vực năng lượng là một trong các trụ cột, kết quả kinh doanh cũng bị ảnh hưởng mạnh. “Ông lớn” Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REECorp) báo lãi 480,5 tỷ đồng, giảm 265 tỷ đồng (giảm 36%) so với cùng kỳ năm 2023. Theo giải trình của Công ty, mảng điện giảm đến 258 tỷ đồng do ảnh hưởng từ lợi nhuận các công ty thành viên/liên kết thuộc nhóm thủy điện.

Tổng sản lượng điện thương phẩm quý I/2024 của REECorp vẫn tăng 8,9% so với cùng kỳ, nhưng chủ yếu là nhóm nhiệt điện. Theo đó, tổng sản lượng nhiệt điện tăng 95,1% do hệ thống ưu tiên huy động nhiệt điện trong 3 tháng đầu năm 2024 để thủy điện tích nước phát điện cho mùa khô.

Trong khi đó, sản lượng thủy điện giảm 31,3%. Thuỷ điện từng đóng góp 75,7% trong tổng lợi nhuận từ mảng năng lượng của REECorp, nhưng kỳ này đã giảm tỷ trọng còn chưa đến 26%, lợi nhuận sụt giảm 83% so với cùng kỳ. Dù có sự gia tăng từ mảng nhiệt điện, doanh thu và lợi nhuận lĩnh vực năng lượng của công ty này vẫn lần lượt giảm 34% và 52% so với quý I/2023.

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương (DPG), thủy điện cũng là một trong hai mảng kinh doanh đóng góp chính vào doanh thu. Theo ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty, bên cạnh sức mua yếu của thị trường bất động sản, tình hình thủy văn không thuận lợi khiến doanh thu và lợi nhuận gộp của mảng sản xuất điện giảm so với cùng kỳ, kéo theo tổng lợi nhuận chung đi lùi.

Thận trọng kế hoạch kinh doanh

Dù trụ cột năng lượng bị ảnh hưởng bởi mảng thủy điện, REECorp vẫn dự kiến “hái trái ngọt” từ mảng bất động sản trong năm 2024, với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 23,5%. Mục tiêu lợi nhuận của mảng năng lượng của công ty đa ngành này giảm 7,2%, hạ tỷ trọng đóng góp trong tổng lợi nhuận từ 60,1% xuống 50,6%.

Đối với hầu hết doanh nghiệp chỉ có mảng thủy điện, mục tiêu đặt ra đi lùi trong năm nay. VSH lên kịch bản kinh doanh năm 2024 dựa trên dự báo tình hình thủy văn không thuận lợi, hiện tượng El Nino kéo dài và gay gắt hơn. Cùng với đó, chính sách thị trường điện có nhiều thay đổi bất lợi cho các đơn vị phát điện: tỷ lệ anpha 98%, Qc giao theo sản lượng điện kế hoạch hàng tháng và giá trần thị trường điện giảm so với năm 2023…

Kế hoạch sản xuất - kinh doanh và tài chính năm 2024 của VSH do vậy thận trọng hơn, với sản lượng điện 2.121,31 triệu kWh, doanh thu 1.965,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 505,2 tỷ đồng, lần lượt giảm 23,7% và 51% so với năm 2023.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư