Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Góc nhìn Đầu tư
Quy mô GDP và khu vực kinh tế phi chính thức
Mạnh Bôn - 24/01/2018 09:38
 
Đã có chuyên gia kinh tế bày tỏ sự nghi ngờ về độ chính xác khi nhìn vào quy mô hơn 5 triệu tỷ đồng của nền kinh tế Việt Nam năm 2017. Theo đó, quy mô nền kinh tế phải lớn hơn khoảng 30% do chưa tính hết một số thành tố khác, trong đó có khu vực kinh tế phi chính thức.
.
Quy mô nền kinh tế phải lớn hơn khoảng 30% do chưa tính hết một số thành tố khác, trong đó có khu vực kinh tế phi chính thức.

Hiện Tổng cục Thống kê được Chính phủ giao nhiệm vụ đánh giá, tính toán mức độ đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế phi chính thức, do vậy chưa thể khẳng định quy mô GDP có tăng tới 30% nếu tính thêm thành tố trên hay không. Nhưng chắc chắn, sau khi xác định được một phần hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong quá trình điều tra, khảo sát để tính toán, thì quy mô GDP của Việt Nam năm 2017 sẽ cao hơn con số trên 5 triệu tỷ đồng.

Kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017 sơ bộ vừa được Tổng cục Thống kê công bố cũng cho thấy, tại thời điểm ngày 1/1/2017, cả nước có hơn 5,144 triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể phi nông nghiệp (hoạt động kinh tế phi chính thức).

Trong đó, có khoảng 77% hoạt động dịch vụ xe ôm, hàng rong, chè chén, bia hơi vỉa hè, bán lẻ hàng hóa ở chợ cóc, “chợ đuổi”, “chợ chạy”… Cho dù, các hoạt động kinh doanh này đã được ngành thống kê thu thập dữ liệu để tính toán khi xác định quy mô GDP, nhưng với khu vực kinh tế lấy lòng đường, vỉa hè… làm “trụ sở” kinh doanh, làm việc theo mùa vụ, mọi giao dịch được thanh toán bằng phương thức “tiền trao, cháo múc”, thì việc thống kê ở mức độ tương đối cũng không hề dễ.

Ngay cả 26% cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể phi nông nghiệp đã đăng ký kinh doanh, thì số liệu mà cơ quan thống kê, cơ quan thuế có được cũng quá xa với thực tiễn do đối tượng này nộp thuế khoán và không phải thực hiện các quy định về hóa đơn, chứng từ, kê khai kế toán như doanh nghiệp - tức hoạt động kinh tế bị bỏ sót khi thống kê.

Mặc dù kinh tế vỉa hè của từng hộ gia đình, cá nhân vô cùng nhỏ bé, nhưng khu vực này chiếm 87,7% tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh và chiếm 32% tổng số lao động đang làm việc tại các cơ sở kinh tế, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Do vậy, mức độ đóng góp vào GDP của khu vực này không hề nhỏ. Chính vì thế, việc chưa thống kê chính xác được hoạt động của khu vực kinh tế phi chính thức đã bỏ sót một khoản tiền không nhỏ khi tính toán quy mô GDP của toàn nền kinh tế.

Năm 2017, các cơ quan hữu quan đã phát hiện và bắt giữ hơn 13.800 vụ buôn lậu, gian lận thương mại (chưa kể hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị phát hiện) trị giá nhiều ngàn tỷ đồng. Số vụ gian lận thương mại, buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng không biết lớn tới cỡ nào, nhưng đã cho thấy hoạt động kinh tế ngầm vô cùng lớn. Song hiện nay, hoạt động kinh tế ngầm cũng chưa được thống kê và tính toán khi xác định quy mô GDP.

Pháp luật nhiều nước trên thế giới cho phép đánh bạc, các cược dưới nhiều hình thức. Ngay cả hoạt động casino - lĩnh vực kinh doanh được nhiều nước trên thế giới coi là hợp pháp thì tại Việt Nam vẫn đang trong quá trình… hoàn thiện khung khổ pháp lý. Khung khổ pháp lý chưa có nên hoạt động đánh bạc, cá cược là phi pháp. Hoạt động phi pháp tất nhiên không thể thống kê và không thể tính vào GDP.

Khi xây dựng Bộ luật Hình sự năm 2015, đã có ý kiến đề nghị hợp pháp hóa hoạt động mại dâm như Đức, Hà Lan, Thái Lan… nhằm giúp Nhà nước quản lý hoạt động này. Nhưng cuối cùng, mại dâm vẫn là điều cấm kỵ do văn hóa, truyền thống dân tộc. Cho dù hoạt động mại dâm có bị nghiêm cấm, bị coi là phi pháp, thì cũng như tất cả các nước trên thế giới, loại dịch vụ này vẫn đang tồn tại. Do coi đây là hoạt động phi pháp nên không thể thống kê và không thể tính được mức độ đóng góp vào GDP của hoạt động mại dâm nói riêng, cũng như hoạt động phi pháp nói chung vào quy mô GDP.

Hoạt động phi pháp khó được chấp nhận khi tính GDP, nhưng chỉ cần tính toán sát hơn sự đóng góp của khu vực kinh tế phi chính thức, quy mô GDP chắc chắn sẽ tăng. Cho dù mức tăng này không tới 30% như đã nêu, thì cũng góp phần giảm áp lực nợ, bội chi do quy mô GDP của Việt Nam lớn hơn so với số liệu có được hiện nay.

Chính phủ chốt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 ở mức 6,7%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2018 tăng 6,7% là một trong những chỉ tiêu đáng chú ý vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư